Bệnh viện trả về để gia đình lo hậu sự
Nguyễn Văn Thanh Sơn, năm nay tròn 10 tuổi, nhà ở thôn 5, xã Quý Lộc, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Sơn sinh ra trong 1 gia đình nghèo khó, có bố là anh Nguyễn Văn Du, hằng ngày mưu sinh bằng nghề thợ xây, còn mẹ Sơn là chị Phan Thị Cẩm Bình do không có việc làm nên chỉ ở nhà chăm con ốm. Nói thế để thấy rằng, kinh tế gia đình Sơn chỉ trông mong vào tiền đi làm thuê của bố nên vô cùng túng bấn.
Trở lại với căn bệnh của Sơn, ngày Sơn sinh, trời đất như chao đảo, bác sĩ khuyên gia đình nên mang con về để lo hậu sự vì coi như Sơn đã chết. Bởi khi đẻ ra toàn bộ phần dưới của Sơn mở hoàn toàn.
Sơn bị dị tật nghiêm trọng bộ phận sinh dục với các biểu hiện thành bụng hở có thể nhìn thấy rõ một phần bàng quan. Cậu bé còn không có hậu môn, không có cơ quan sinh dục ngoài, tiểu tiện và đại tiện chung một đường, thoát ra ở một lỗ nhỏ trên thành bụng. Đâu chỉ có vậy, Sơn còn không có cả khung xương bẹn…
Với một cơ thể sơ sinh khiếm khuyết nhiều bộ phận trên cơ thể như vậy thì dù các bác sĩ có nỗ lực đến mấy chuyện ra đi cũng chỉ trong một sớm một chiều. Ấy thế mà bố mẹ Sơn lại không chấp nhận sự sắp đặt của số phận. Họ vùng vẫy trong tuyệt vọng với suy nghĩ y học hiện đại ngày càng phát triển, biết đâu đấy con họ sẽ được cứu vào một ngày không xa trong tương lai.
Hy vọng và tuyệt vọng cứ đan xen giằng xé, khi vợ chồng anh Du nhận được ngày càng nhiều lời khuyên từ những người có chuyên môn rằng đừng phí công chữa trị cho con làm gì, để dành tiền mà lo hậu sự.
Thế nhưng, ròng rã suốt bao năm qua, bố mẹ Sơn chưa khi nào nguôi hy vọng và vơi đi tình yêu thương dành cho đứa con bé bỏng. Họ với số tiền làm thuê và vốn hiểu biết ít ỏi vẫn ngày ngày mò mẫn, tìm đến những địa chỉ có thể chữa trị được cho con của mình.
Năm 2007, bố mẹ mang Sơn vượt hàng nghìn km vào TP. HCM để thực hiện ca phẫu thuật tách rời đường tiểu tiện và đại tiện bằng cách tạo một hậu môn giả trên thành bụng bên hông trái và đưa bàng quang vào trong ổ bụng.
Đáng buồn là kết quả của ca phẫu thuật không được như mong đợi, sau một thời gian bàng quàng của Sơn lại lộ ra ngoài. Vì Sơn không có khung xương bẹn để giữ bàng quang trong cơ thể. Điều này cũng khiến cậu bé không thể đi lại bình thường như bao đứa trẻ khác.
Sau đó 2 năm, Sơn tiếp tục được phẫu thuật lần 2. Lần này, các bác sĩ đưa hậu môn về đúng vị trí tự nhiên, nhưng sau ca phẫu thuật Sơn bị tiểu tiện và đại tiện không tự chủ, khiến cho hậu môn mới luôn bị hăm đỏ và suốt ngày phải ngồi bô. Biệt danh “Sơn bô xanh” cũng chính thức ra đời từ đây.
Năm 2011, bố mẹ Sơn “cầu cứu” Chương trình “Thiện Nhân và những người bạn”, đích thân bác sĩ Roberto DeCastro đã khám và lên lịch phẫu thuật cho Sơn vòa tháng 6/2012. Ở lần phẫu thuật này, Sơn được tái tạo lại cấu trúc bàng quang.
Cái tên “Sơn bô xanh” đã trở nên thân thiết với mọi người trong Chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” |
Đến tháng 6/2014, Sơn được 4 bác sĩ là bác sĩ Roberto DeCastro, bác sĩ Emilio Merlini, bác sĩ Aurelie Chiappinelli đến từ Ý và bác sĩ Đinh Tuệ đến từ Houston, Mỹ phẫu thuật đóng thành bụng và thành bàng quang. Ca phẫu thuật kéo dài 10 tiếng đồng hồ.
Sau khi phục hồi cấu trúc thành bụng và tái khám cho Sơn vào tháng 6/2016. Tháng 11/2016, các bác sĩ tiếp tục thực hiện phẫu thuật bước tiếp theo cho Sơn là tách đường tiêu hóa giúp Sơn dần dần có thể kiểm soát vấn đề vệ sinh cá nhân. Hiện tại, Sơn vẫn đang trong quá trình phục hồi và sẽ được tái khám vào tháng 6/2017.
Ước mơ của “Sơn bô xanh”
Từ ca phẫu thuật đầu tiên do các bác sĩ của Chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” thực hiện vào năm 2011 cho đến nay, Sơn đã từng bước cải thiện được sức khỏe của mình. Và cái tên “Sơn bô xanh” cũng trở nên thân thuộc với mọi người trong gia đình “Thiện Nhân và những người bạn”. Còn bố mẹ Sơn thì ngày càng vững tin vào tương lai con mình sẽ được chữa khỏi bệnh.
Nhà báo Trần Mai Anh - người sáng lập Chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” và cũng là người mà Sơn hay gọi là mẹ đã nói rằng, Sơn là một cậu bé phải chịu nhiều đau đớn, bất hạnh nhưng bù lại em rất lạc quan, yêu đời đến độ toả năng lượng sống ra người xung quanh. Và, em có một người bố tuyệt vời mà không phải bất kỳ một đứa trẻ lành lặn, có điều kiện sống khá giả nào mong muốn cũng có được.
Chị Trần Mai Anh đã từng nói về bố của Sơn như sau: “Nếu ai được nhìn thấy ánh mắt luôn chan chứa tình yêu và tự hào dõi theo cậu con trai bệnh tật của mình mọi nơi mọi lúc; nếu ai có thể nhìn thấy sự nhẫn nại nhưng trĩu nặng yêu thương, nâng niu mỗi khi lau dọn cho thằng bé và chiếc bô; nếu ai có thể nhìn thấy gương mặt ghi hằn những dấu vết vất vả của cuộc đời nhưng không chút oán trách, không chút nản lỏng và nếu ai đã từng nhận được sự hào nhoáng nhưng vô trách nhiệm thì sẽ đồng ý với tôi, phía sau tất chỉ cần một người đàn ông như thế”.
Ngoài tình yêu thương của cha mẹ thì chính sự nỗ lực của bản thân cũng đã giúp Sơn ở lại với cuộc đời này. Sơn hay nói với mọi người về ước mơ học giỏi tiếng Anh của mình. Ước mơ thật thực tế vì bản năng và khát vọng sống xui khiến em muốn tự hiểu về số phận mình, tự nắm bắt cơ hội đời mình.
Em muốn tự mình kể được với các bác sĩ nước ngoài bệnh tình của mình, tự lắng nghe bác sĩ nói để biết được bệnh của mình có chữa được hay không. Xa hơn nữa, em sẽ nói về ngày mình được lành lặn, được chữa khỏi bệnh.
Khi đã giỏi tiếng Anh rồi em có thể giúp các mẹ nói chuyện với các bác sĩ, giúp những em bé như Sơn được chữa trị. Ôi! Giấc mơ tuyệt vời.