Sức trẻ Tư pháp nơi “đầu sóng ngọn gió”

(PLO) - “Năng động, nhiệt huyết, luôn tìm tòi và vận dụng pháp luật linh hoạt, đặc biệt là không ngại khó khăn, gian khổ khi nhận nhiệm vụ” là nhận xét của ông Hồ Quang Thành, Trưởng phòng Tư pháp huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa) khi nói về chị Trần Thị Kim Hoàng (SN 1984), công chức tư pháp – hộ tịch xã Vạn Thạnh.
Người có duyên với tư pháp vùng khó khăn
Năm 2004 chị Hoàng vào làm việc tại Văn phòng UBND xã miền núi Xuân Sơn của huyện Vạn Ninh. Sau đó chị chuyển sang làm cán bộ tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ. Tháng 7/2007 chị vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. 
Chị Trần Thị Kim Hoàng
Chị Trần Thị Kim Hoàng 
Do nhu cầu công tác, tháng 8/2008 chị được chuyển sang làm cán bộ tư pháp – hộ tịch. Thấy chị có tinh thần ham học hỏi để nâng cao trình độ, lãnh đạo xã đã tạo điều kiện để chị học tiếp Đại học Luật (hệ vừa làm vừa học) do Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh mở tại Nha Trang. 
Như có duyên nợ với công tác tư pháp cơ sở, khi nghe tin ở Vạn Thạnh còn “trống” chức danh tư pháp – hộ tịch, chị liền mạnh dạn xin về đó công tác. Ở Xuân Sơn tuy có nhiều khó khăn nhưng bên cạnh chị là gia đình, là người thân, là nơi chị sinh ra và lớn lên. Còn Vạn Thạnh là xã đảo, chị phải sống xa nhà (cách Xuân Sơn hơn 40km), lại nhiều khó khăn hơn. Biết vậy, nhưng với niềm đam mê công tác tư pháp, muốn mang kiến thức đã học để phục vụ nhân dân, chị tin tưởng mình sẽ làm tốt công việc được giao. 
Vạn Thạnh có 6 thôn (3 thôn bán đảo và 3 thôn đảo), trong đó có 4 thôn xa đất liền nhất gồm 3 thôn đảo: Ninh Tân, Điệp Sơn, Ninh Đảo và thôn bán đảo Khải Lương. Toàn xã có 1.507 hộ với 6.178 nhân khẩu nhưng phân bổ không đều, tập trung ở 2 thôn bán đảo Đầm Môn (nơi đặt trụ sở UBND xã và có địa danh Mũi Đôi – điểm cực đông của Tổ quốc, nơi đón bình minh sớm nhất Việt Nam) và Vĩnh Yên. 
Cuộc sống người dân trong xã, nhất là các thôn xa đất liền, chủ yếu dựa vào nuôi trồng thủy sản và đánh bắt ven bờ, phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, thu nhập rất bấp bênh. Chuyện vợ chồng sống với nhau có 3, 4 mặt con mà chưa làm đăng ký kết hôn nên con khai sinh mang họ mẹ, rồi trẻ em sinh ra làm khai sinh trễ hạn là chuyện rất bình thường. Mọi sinh hoạt hàng ngày của người dân chủ yếu điều chỉnh theo phong tục, tập quán, có thắc mắc về chế độ chính sách thì tìm cán bộ thôn. 
Một thời gian dài, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên công tác tư pháp – hộ tịch nơi đây thường bị Phòng Tư pháp nhắc nhở. “Người dân ở đây hiểu biết hạn chế nên đụng việc gì vướng lại hỏi, từ khai sinh, khai tử, kết hôn đến đất đai, thừa kế, dân sự... mình phải có trách nhiệm giải thích, hướng dẫn giúp dân hiểu quy định của pháp luật để thực hiện cho đúng, đảm bảo quyền lợi của họ”, chị Hoàng tâm sự. 
Có kinh nghiệm gần 3 năm làm cán bộ tư pháp xã Xuân Sơn, cộng với kiến thức cử nhân luật, ngay khi về Vạn Thạnh chị đã bắt tay vào rà soát toàn bộ công việc mà mình đảm nhận. Chị xác định muốn làm tốt phải tranh thủ sự ủng hộ của các ngành, đoàn thể ở xã, thôn. 
Đầu tiên là xây dựng và tham mưu UBND xã ban hành kế hoạch công tác tư pháp năm để làm cơ sở cho hoạt động, trong đó chú trọng đến công tác phối hợp với các ban ngành, đoàn thể và đặc biệt là vai trò của Ban Nhân dân thôn trong công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, giúp họ tiếp cận, thêm hiểu biết để chấp hành đúng quy định của pháp luật. 
Bên cạnh đó, hàng năm chị tranh thủ sự quan tâm của các cơ quan chuyên môn cấp trên (như Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp) để kịp thời tham mưu lãnh đạo xã cử cán bộ thôn, hòa giải viên tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật, rồi phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh Khánh Hòa tổ chức các đợt TGPL lưu động tại các thôn đảo…
Tiếp đến là phải luôn giữ mối liên hệ với trưởng thôn, thường xuyên trao đổi, nắm tình hình thôn và sẵn sàng giải đáp thắc mắc, cùng thôn tháo gỡ những khó khăn, kịp thời tham mưu cho lãnh đạo xã giải quyết theo quy định. 
Qua rà soát, thấy việc đăng ký hộ tịch cho người dân ở các thôn còn thấp, chị kết hợp những chuyến công tác đến từng thôn để tuyên truyền pháp luật, rồi tiếp nhận hồ sơ của người dân mang về xã làm, khi có kết quả gửi xuống cho người dân sau. 
Công việc nhiều (xã chỉ có một biên chế công chức tư pháp – hộ tịch), địa bàn rộng mà giao thông cách trở nên mỗi khi người dân ở đảo về trụ sở xã đăng ký, chị luôn tìm cách giải quyết nhanh nhất để họ có thể kịp ghe đò về trong ngày. Khi xuống thôn, chị thường đi vào ngày cuối tuần để có thời gian ở lại đảo nhiều hơn, trao đổi và nhận nhiều hơn hồ sơ của người dân.
“Vậy bao lâu mới thu xếp về thăm gia đình?”, tôi hỏi. “Dạ, cũng tùy vào công việc, thường là một tuần, có khi bận quá thì hai, ba tuần em mới về, đi từ đây về nhà lại xa mà lương em còn thấp nên cũng hạn chế lắm”, chị đáp. 
Chị kể, lúc đầu cũng bị “sốc” vì có một số người, kể cả cán bộ thôn, nhờ “làm giùm” đăng ký kết hôn. Chị không chấp nhận mà giải thích để họ hiểu kết hôn là việc rất quan trọng nên hai người phải sắp xếp về xã đăng ký. 
“Năm 2013, em đã tổ chức cho 2 người khuyết tật (câm, điếc) ở thôn Điệp Sơn làm thủ tục đăng ký kết hôn, có người dân ở đó chứng kiến. Ban đầu em cũng ngại vì không thể hiểu được ý của 2 người, sau có người nhà dịch lại, nghe thêm người dân, rồi đối chiếu với các quy định thấy không có gì vi phạm nên em đã tổ chức đăng ký kết hôn cho anh chị đó. Chắc đây là cặp đôi đặc biệt nhất trong thời gian em làm công tác tư pháp ở đây”, chị kể. 
Chị Trần Thị Kim Hoàng (người ngồi giữa) đang lắng nghe người dân Ninh Đảo trình bày để hướng dẫn họ làm thủ tục đăng ký kết hôn lần 2
Chị Trần Thị Kim Hoàng (người ngồi giữa) đang lắng nghe
người dân Ninh Đảo trình bày để hướng dẫn họ
làm thủ tục đăng ký kết hôn lần 2
 
Tận tụy là không kể 
thời gian
Còn nhớ cuối tháng 3 vừa rồi, khi chúng tôi có dịp cùng chị và Đoàn TGPL lưu động của tỉnh về Ninh Đảo, sau khi hoàn thành việc TGPL cho người dân, các thành viên trong Đoàn tập trung về nhà trưởng thôn để ăn cơm, lúc này mọi người trong Đoàn mới phát hiện không thấy chị Hoàng đâu. Được cán bộ thôn dẫn đến nhà một người dân, chúng tôi thấy chị đang giải thích, hướng dẫn người dân thủ tục về đăng ký kết hôn. 
“Dù đã nhờ trưởng thôn thông báo trước nhưng có người đi làm ở ngoài biển nên không biết mình xuống. Ở đây thường phải như vậy, muốn giúp dân thì mình phải đến tận nhà” - chị thanh minh lý do mình phải tách Đoàn công tác.
Để thuận lợi cho người dân ở các thôn, chị tham mưu, đề xuất với lãnh đạo xã cho phép khi người dân muốn làm các thủ tục hành chính tư pháp thì liên hệ trước với trưởng thôn. Trường hợp cần xác nhận thì trưởng thôn xác nhận, nếu có dịp về xã họp thì trưởng thôn nộp thay, người dân không cần phải đi (trừ trường hợp đăng ký kết hôn, giám hộ...). Các việc có thủ tục đơn giản thì người dân có thể gửi ghe đò về xã. Sau đó cán bộ tư pháp sẽ điện thoại và xác minh lại với trưởng thôn.  
Theo Trưởng phòng Tư pháp Hồ Quang Thành, trước chị Hoàng đã có nhiều người làm tư pháp xã nhưng chưa có ai bám trụ lâu dài. Để làm tốt công tác tư pháp ở xã đảo đòi hỏi cán bộ phải tâm huyết, không ngại khó khăn. Người dân ở vùng biển đảo sống nặng về phong tục, tập quán, ít hiểu biết pháp luật nên giải quyết công việc phải biết kết hợp hài hòa, cái nào giải quyết linh động được thì linh động, cái nào cần giữ nguyên tắc thì phải kiên trì giải thích, thuyết phục để người dân hiểu, chấp hành cho đúng. 
“Gần đây em Hoàng làm khá tốt, hài hòa được giữa tập quán và pháp luật. Các kế hoạch của huyện được triển khai rất kịp thời, hồ sơ sổ sách hộ tịch của Tư pháp xã được thực hiện đúng quy định. Trước kia ở Xuân Sơn, em làm cũng rất tốt, giờ công tác tư pháp của Vạn Thạnh đã khá lên rất nhiều, hiện đang nằm trong nhóm dẫn đầu huyện”, ông Thành vui vẻ nói.
Được biết, đầu năm nay chị đã đăng ký sáng kiến kinh nghiệm với nội dung “Nâng cao tỷ lệ đăng ký khai sinh đúng hạn cho trẻ em trên địa bàn xã Vạn Thạnh”. Trước khi chia tay chúng tôi, chị tâm sự: “Em hy vọng cuộc sống người dân trên các đảo ngày càng được nâng cao hơn, nhận thức được tầm quan trọng của việc đăng ký hộ tịch. Em cũng mong sẽ có những cơ chế ưu tiên cho người dân các đảo trong việc thực hiện các thủ tục hành chính nói chung và thủ tục hành chính tư pháp nói riêng”. 

Đọc thêm