“Cẩm nang nghiệp vụ” của Tư pháp Ninh Bình

(PLO) - Ở Sở Tư pháp Ninh Bình, người “bám trụ” lâu nhất có lẽ là Phó Giám đốc  Sở  Phạm Văn Thịnh. Công tác lâu năm trong ngành, nhiều  Bằng khen, thành tích cũng là lẽ đương nhiên, song với “kinh nghiệm đầy mình”- như cách nói  trìu mến của đồng nghiệp, ông được xem như  một cuốn “cẩm nang nghiệp vụ”  và luôn trong trạng thái “open”. 
Ông là tác giả của Đề án tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và cải cách thủ tục hành chính  về công tác tư pháp của địa phương…
Ông Phạm Văn Thịnh
Ông Phạm Văn Thịnh
Điểm tựa
“Anh Thịnh là một người có nhiều kinh nghiệm, chuyên môn vững và đầy trách nhiệm…”- Phó Giám đốc Sở Tư pháp Ninh Bình Phạm Minh Thường không giấu được cảm xúc khi nói về đồng nghiệp của mình. Còn Giám đốc Sở Tư pháp Ninh Bình Nguyễn Hùng Tiến nhớ lại thời gian bỡ ngỡ ban đầu khi từ ngành Công an sang nhận nhiệm vụ tại Sở Tư pháp, ông đã rất yên tâm khi có những người đầy kinh nghiệm và nhiệt huyết như Phó Giám đốc Phạm Văn Thịnh. 
“Tiếng” là công tác lâu năm trong ngành nhưng phải mãi đến cuối năm 2000, khi đã ngoài 40 tuổi, ông Phạm Văn Thịnh mới “bén duyên” với ngành Tư pháp. Ông nói vui: “Duyên muộn mà sâu” và công việc cứ thế ngấm dần… 
Sau gần 4 năm đảm trách công việc với cương vị Trưởng phòng Tổ chức cán bộ của Sở Tư pháp, năm 2004 ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Tư pháp Ninh Bình cho đến nay. Giữ cương vị lãnh đạo, song dưới con mắt đồng nghiệp ông vẫn là người hoạt động nghiệp vụ, là người anh gần gũi, thân thiết mà bất cứ nhân viên nào cũng có thể hỏi, tham vấn ý kiến…
Nâng tầm công tác phổ biến giáo dục pháp luật
“Qua khảo sát đánh giá của một số ngành trong Khối Nội chính cho thấy một trong những nguyên nhân của việc chấp hành pháp luật chưa tốt là do nhận thức pháp luật của người dân chưa tốt. Từ thực tế cho thấy, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) còn rất nhiều cái thiếu. Thiếu về cơ chế, điều kiện, cơ sở vật chất, đặc biệt là trách nhiệm của các cấp đối với công tác TTPBGDPL ở nơi này, nơi khác còn có hạn chế nhất định…  
Vì vậy,  cần có sự nâng tầm lên, cần có một văn bản quy phạm pháp luật được HĐND tỉnh thông qua... Thế là  từ đó chúng tôi xây dựng đề án của UBND tỉnh (Đề án 16) và được HĐND tỉnh thông qua bằng Nghị quyết số 02…”- ông Thịnh chia sẻ về cơ duyên đến với đề tài khoa học “Nâng cao hiệu quả PBGDPL trên địa bàn tỉnh Ninh Bình”.
Có lẽ đây là lần đầu tiên công tác TTPBGDPL ở Ninh Bình được trển khai một cách bài bản. Đề án quy định rõ trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác TTPBGDPL, trong đó tháo gỡ khó khăn về cấp ngân sách (3 cấp: tỉnh, huyện, xã)  đối với hoạt động TTPBGDPL, tạo cơ sở cho tất cả các cấp chính quyền chủ động về tài chính và hoạt động. 
Ngay cả đội ngũ cán bộ tư pháp cũng ý thức được với kinh phí Nhà nước đầu tư trong năm, những  công việc nào phải tổ chức thực hiện. Trách nhiệm của các thành viên Hội đồng được quy định rất rõ, từ điều kiện thực hiện đến phân công trách nhiệm. 
Các sở, ban ngành của tỉnh, các cấp chính quyền cũng rất chủ động về công tác  tài chính cũng như nội dung hoạt động; có sơ kết, có tổng kết, có kiểm tra của Hội đồng PBGDPL tỉnh đối với công tác TTPBGDPL cấp huyện…
Đề án triển khai trong 5 năm (2010 - 2015) và đang trong giai đoạn tổng kết, song theo đánh giá sơ bộ, qua 5 năm thực hiện, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác TTPBGDPL được nâng lên rất nhiều; gắn trách nhiệm của Nhà nước bằng bố trí con người, kinh phí cụ thể…Thông qua thực hiện đề án đã xây dựng được đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên, kiện toàn được đội ngũ hơn 10 nghìn hòa giải viên…
“Vừa rồi tỉnh cũng rà soát lại các đề án của tỉnh, song với những kết quả đã đạt được và xuất phát từ tầm quan trong của công tác TTPBGDPL nên Đề án TTPBGDL vẫn được tỉnh giữ lại với sự đầu tư kinh phí lớn hơn…”- ông Phạm Minh Thường, người tiếp quản xây dựng đề án giai đoan 2016- 2020 vui mừng cho biết.
Trăn trở trước… “5 giờ kém”
Ngạc nhiên và thú vị khi làm việc với Sở Tư pháp Ninh Bình là lần đầu tiên chúng tôi tiếp nhận thuật ngữ mới “5 giờ kém” của anh trong cơ quan được nói ra một cách đầy trìu mến, trân trọng khi ám chỉ những người sắp nghỉ hưu như Phó Giám đốc Phạm Văn Thịnh. 
Mặc dù khi Báo Pháp luật Việt Nam làm việc với Sở Tư pháp Ninh Bình về việc chọn cá nhân điển hình để đề cử vinh danh  “Gương sáng Tư pháp” thì ông là cái tên được mọi người đều đồng lòng giới thiệu, song khi tiếp chuyện chúng tôi, ông xuề xòa: “5 giờ kém rồi, tôi có thành tích gì đâu…”. Thế nhưng khi trao đổi về công tác tư pháp, ông dường như là con người khác, đầy trăn trở, nhiệt huyết…
“Mấy năm gần đây, ngành Tư pháp được giao nhiều mảng việc mới như kiểm soát thủ tục hành chính, theo dõi thi hành pháp luật, xử lý vi phạm hành chính. Nhiệm vụ công tác rất nặng nề song cảm nhận của tôi là chưa có sự chuẩn bị một cách chu đáo, đặc biệt về bố trí nhân lực. Việc thì tăng nhưng biên chế không có…”- ông Thịnh thẳng thắn. 
Ông bảo không phải Tỉnh ủy, Ủy ban không quan tâm, song đây là khó khăn chung. Để tháo gỡ, Sở đã đề xuất và được tỉnh chấp thuận cho sử dụng biên chế sự nghiệp sang biên chế hành chính, song đây cũng chỉ là giải pháp tình thế và theo quy định mới là không đúng, bản thân anh chị em cũng rất thiệt thòi khi không được hưởng chế độ của cán bộ công chức… 
Trong bối cảnh thiếu biên chế như vậy, làm sao để làm tốt các nhiệm vụ được giao, làm sao trên cơ sở quy định của Trung ương, Sở phải tham mưu cho tỉnh ban hành thể chế để có thể triển khai ngay khi quy định có hiệu lực… Rồi tiếp tục công tác bồi dưỡng cán bộ,  nhất là  chuẩn bị cho đội ngũ cán bộ tư pháp dự kiến sẽ có biến động lớn trong năm 2015- 2016 sau Đại hội Đảng và bầu cử HĐND, UBND các cấp…
“Chúng tôi cũng đã có kế hoạch ngay từ bây giờ rồi. Cũng mừng là nhiều cán bộ tư pháp được tín nhiệm điều chuyển sang những cương vị mới, điều này cho thấy ngành Tư pháp đang có vai trò quan trọng trong xã hội…”- ông tự hào chia sẻ.

Đọc thêm