Sức xuân gửi gắm vào đường hoa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bên cạnh đường hoa Nguyễn Huệ ở TP Hồ Chí Minh, đường hoa Xuân Hà Nội với chủ đề “Hành trình vàng son Tết Việt” hứa hẹn sẽ đem đến cho người dân không gian du xuân mới mẻ, tràn ngập sức sống mới.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hấp dẫn Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc 2022”

Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” cùng nhiều hoạt động văn hóa – du lịch đặc sắc sẽ được tổ chức từ ngày 12/2/2022 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2022 sẽ được tổ chức trang trọng, tiết kiệm, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Một số hoạt động chính trong dịp này gồm: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt, nói chuyện và chúc Tết đồng bào các dân tộc; phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Nhâm Dần năm 2022; khánh thành nhà truyền thống Nghệ An và nhà Rường truyền thống Quảng Nam; tái hiện một số lễ hội truyền thống của các dân tộc dịp đầu năm…

Lễ cúng tổ tiên của dân tộc Lô Lô tỉnh Hà Giang sẽ được tái hiện sáng ngày 12/2 tại Khu các làng dân tộc I. Trong đời sống, tín ngưỡng, mỗi gia đình Lô Lô đều có ban thờ tổ tiên riêng, nhưng lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô thường được tổ chức tại nhà trưởng họ (thầu chư) và được dòng họ chuẩn bị trước cả năm, một hoạt động có sự hưởng ứng, tham dự của cộng đồng, làng bản.

Lễ cưới của dân tộc Ba Na tỉnh Gia Lai sẽ được tái hiện chiều ngày 12/2 tại Khu các làng dân tộc II. Lễ cưới, tiếng Ba Na gọi là “pơ koong”, thường được tiến hành vào cuối năm, nghĩa là sau mùa thu hoạch, trong tháng “khay ning nong”, tương đương với tháng 12 và tháng 1 dương lịch. Đó là lúc nông nhàn, thóc lúa đã đầy kho, trâu bò đầy chuồng và gà đầy sân…

Ngoài tái hiện các lễ hội, du khách có cơ hội tham gia “Hội Xuân” với nhiều hoạt động thú vị, gắn với cảnh sắc thiên nhiên mùa xuân như hoa cải, hoa đào, hoa mận... và những nét văn hóa truyền thống của đồng bào đang hoạt động hàng ngày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cũng tại Thủ đô, đường hoa Xuân Hà Nội với chủ đề “Hành trình vàng son Tết Việt” trong khuôn khổ sự kiện “Home Ha Noi Xuân 2022” đã khai mạc tại Khu đô thị Mailand Hanoi City-Splendora, Bắc An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Đây là năm thứ hai đường hoa Xuân được tổ chức cho cư dân khu đô thị và người dân Thủ đô vui Xuân, đón Tết Nhâm Dần. Đồng thời đây cũng là một trong những hoạt động nhằm thúc đẩy các giá trị văn hóa, tinh thần của thành phố sáng tạo Hà Nội.

Đường hoa năm nay không chỉ đẹp, ấn tượng, nhiều loài hoa, cây trái mà còn được thiết kế rất độc đáo. Không gian đường hoa Xuân được thiết kế từ ý tưởng chủ đạo về một Hà Nội vàng son trong quá khứ, đầy sức sống, sáng tạo trong hiện tại và hứng khởi đón những điều mới mẻ, đầy lạc quan trong tương lai.

Nổi bật trong không gian đường hoa xuân là hình ảnh con tàu nhiều màu sắc, lao về phía trước. Đoàn tàu mùa Xuân chạy qua những cánh đồng hoa khoe sắc và âm thanh náo nức của mùa Xuân. Sự kiện thu hút đông đảo người dân và các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.

Đường hoa tri ân

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Nhâm Dần 2022 với chủ đề: “Xuân quê hương, ấm tình nhân ái” mở cửa từ tối 29/1/2022 (27 Tết) đến ngày 4/2/2022 (mùng 4 Tết). Khoảng 80 loại hoa sẽ được trưng bày, trang trí tại đường hoa, công nhân phải liên tục tưới nước để giữ độ tươi cho một số loại hoa ngắn ngày. Bên cạnh tiêu chí an toàn và tiết kiệm, đường hoa Nguyễn Huệ 2022 còn mang lại ước vọng về tương lai tươi sáng đến với công chúng thưởng ngoạn, vừa gửi gắm sự tri ân đối với đồng bào cả nước đã dành sự tương trợ, tình cảm to lớn cho TP HCM, đặc biệt là những hy sinh, vất vả của lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19.

Đường hoa Nguyễn Huệ 2022 là đường hoa thứ 19 được thực hiện trong dịp Tết cổ truyền tại trung tâm TP HCM, kể từ lần đầu tiên vào năm 2004. Qua 19 năm thực hiện, đường hoa Nguyễn Huệ đã trở thành một trong những sự kiện chào mừng Tết Nguyên đán được mong chờ nhất tại TP HCM.

Đặc biệt, phía cuối đường hoa là hình chú hổ khổng lồ được làm từ thép và xốp, tạo nên linh vật hổ cao 3,5m, dài 8m và nặng gần 2 tấn, xung quanh được bọc bởi những viên sỏi đã chọn lọc kỹ về kích thước, hình dáng, màu sắc tạo nên hoa văn sọc đặc trưng và dáng vẻ oai hùng. Đây là lần đầu tiên sỏi được chọn làm chất liệu để dựng hình tượng linh vật cho đường hoa, phù hợp với đặc tính “phong thủy” của hổ.

Đọc thêm