Câu chuyện, “đô thị hóa”, “phố hóa” Quốc lộ đã trở thành “hội chứng” lan rộng ra nhiều địa phương. Gần như quy hoạch hạ tầng GTVT thực hiện đến đâu thì các địa phương tranh thủ bán đất đến đấy. “Đổi đất lấy hạ tầng” đã bị biến dạng một cách ngoài tầm kiểm soát, thậm chí vi phạm Luật Giao thông đường bộ nhưng không hề được xử lý. TNGT trở thành “quy luật” của phát triển, nằm ngoài ý muốn chủ quan.
3 vụ tai nạn liên tiếp vừa xảy ra trên quốc lộ 5, đoạn qua huyện Kim Thành, Hải Dương, lấy đi sinh mạng của 7 người vừa xảy ra sáng 23/7 là một hậu quả khi quy hoạch bị phá nát. Gần như QL5 Hà Nội – Hải Phòng là con đường được “phố hóa” đầu tiên.
Sau khi QL5 được nâng cấp, cải tạo các tỉnh ven Quốc lộ này là Hải Dương, Hưng Yên đều tranh thủ “bán đất”, mở các khu công nghiệp dày đặc. Rất ít đoạn trên tuyến có đường gom theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, gần như đều được đấu nối trực tiếp QL5.
Hệ quả là gì? Chất lượng công trình nhanh xuống cấp, công năng hạ tầng GTVT không phát huy được tác dụng và TNGT. Điều dễ thấy nhất là do vị trí của QL5 là “huyết mạch” trong tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh nên buộc phải đầu tư tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, với kinh phí không hề nhỏ.
Nhìn QL5, không ai không nghĩ đến Cảng HKQT Tân Sơn Nhất. Tắc do dự báo về lưu lượng khách/hàng hóa thông qua và quy hoạch giao thông kết nối, “thả lỏng” quy hoạch dân sinh quanh khu vực sân bay. Và điều này, cũng làm người quan tâm liên hệ đến ùn tắc tại 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
“Tư duy bán đất” làm cho 2 thành phố đông cứng, đến mức nhiều người sẵn sàng “đánh tráo” khái niệm đổ lỗi cho xe máy. Có người lý giải rằng cứ hở ra tý đất nào là bán xây chung cư cao tầng, “bóp chết” giao thông tĩnh thì không tắc mới là bất thường. Tất nhiên, quan chức thừa biết. Vấn đề là làm sao không ai quan tâm?
Đấy chính là vấn đề lộc lá trong nhiệm kỳ mà một số người “kiên quyết” không từ chối. Chúng ta luôn “chạy theo” để giải quyết hậu quả “tư duy nhiệm kỳ” để lại. “Tư duy nhiệm kỳ” này cộng hưởng “tư duy nhiệm kỳ” khác để lại hậu họa trên nhiều lĩnh vực.
Trong lĩnh vực giao thông, không nên quá trông chờ vào việc phát tờ rơi, áp phích, loa phóng thanh... Tuyên tryền không thể thiếu, nhưng mấu chốt phải biết lục lại, điều chỉnh quy hoạch, không tiếp tục dẫm lên “vết xe đổ” băm nát quy hoạch vì lợi ích nhất thời, trước mắt. Điều này trông đợi vào các quan chức biết “lo trước cho dân, hưởng sau dân” như Bác Hồ căn dặn. /.