Tốn tiền tỉ cho ca chữa bệnh “lợn lành hóa lợn què”
Ngày 5/6/2009, ông Huỳnh Hữu Thông (SN 1960, Việt kiều Mỹ) nhập viện và điều trị mắt tại bệnh viện tư nhân Mắt Sài Gòn (là chi nhánh của công ty TNHH bệnh viện Mắt Thành Nam) có trụ sở tại 100 Lê Thị Riêng, Quận 1, TPHCM.
Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán mắt phải của ông Thông bị đục thủy tinh thể và phải mổ theo phương pháp phaco + IOL (kính nội nhãn). Bệnh nhân nhớ lại: “Sau khi chẩn đoán, các bác sĩ cho biết sẽ điều trị khỏi bệnh 100%, chi phí cho ca mổ là 7,9 triệu đồng”.
Ngay trong ngày, ông Thông được xuất viện và hẹn tái khám một tuần sau đó. Tuy nhiên, sau khi mổ được 4 giờ đồng hồ, mắt bệnh nhân mờ hẳn, không thấy gì nên sáng hôm sau đã quay lại khám trước lịch hẹn. Bác sĩ kết luận ông bị phù giác mạc và cho rằng đây là chuyện bình thường sau ca mổ, chừng một tuần sau các triệu chứng đó sẽ chấm dứt.
Trải qua hai lần tái khám, tình hình vẫn không cải thiện. Quá lo sợ, ngày 12/6 ông đến bệnh viện mắt TP.HCM khám và được chẩn đoán mắt phải bị loạn dưỡng giác mạc/kính nội nhãn, loét giác mạc, nếu không điều trị kịp thời sẽ bị mù vĩnh viễn.
Bệnh nhân đã cấp tốc bay về Mỹ và điều trị điều trị tại bệnh viện San Francisco Gerenal. Sau khi khám, bác sĩ Mỹ chẩn đoán bệnh nhân bị phù giác mạc phải, màng tơ huyết dày, bám chặt vào màng trong và mống mắt nên ghép giác mạc cho mắt phải.
Bệnh nhân cho rằng đã mất tổng cộng 50 ngàn USD cho toàn bộ quá trình chữa chạy bên Mỹ. Bên cạnh đó, do bệnh tình làm gián đoạn công việc nên thu nhập bị giảm đến gần 80%, từ hơn 40 ngàn USD/năm xuống còn gần 7500 USD/năm.
Thị lực bị giảm chỉ còn 40%, không thể tiếp tục công việc, vị Việt kiều này đã về nước và làm đơn khởi kiện. Sau khi tính tổng chi phí phải gánh sau các lần mổ cả trong và ngoài nước lên tới 85.000 USD, ông Thông yêu cầu bệnh viện Mắt Sài Gòn cùng hai bác sĩ điều trị bồi thường thiệt hại số tiền nêu trên (trên 1,7 tỉ).
Luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông Thông cho biết, giác mạc thay cho ông Thông là của một thanh niên người Mỹ tử vong trong một vụ tai nạn giao thông nên sau ca phẫu thuật, điều oái oăm nhất là hai mắt của ông Thông hiện một bên màu đen, một bên màu xanh không đồng đều.
Một mắt ta, một mắt Tây
Phía bệnh viện Mắt Sài Gòn không đồng ý với yêu cầu của ông Thông và cho rằng trong quá trình khám, chữa bệnh, bệnh viện đã tuân thủ theo các quy định về khám và điều trị; không sai sót trong quá trình phẫu thuật; đổ lỗi do phía ông Thông không chấp hành các quy định hậu phẫu, đã tự ý đến điều trị tại bệnh viện khác nên bệnh viện không chịu trách nhiệm về vấn đề này.
Trong phiên sơ thẩm ngày 18/4/2012, bác sĩ Duy (một trong hai người phẫu thuật) cho rằng, về vấn đề bác sĩ kê toa, thuốc nào cũng có tác dụng phụ và tùy “cơ địa” của mỗi người mà có những ảnh hưởng khác nhau.
Việc bác sĩ kê toa là đã cân nhắc mặt lợi và hại của thuốc. Giám đốc bệnh viện cho rằng số tiền nguyên đơn đòi bồi thường là bất hợp lý vì không thể mang chi phí và mức điều trị ở Mỹ để bắt bệnh viện Việt Nam bồi thường.
Nguyên đơn sau đó đã khiếu nại đến Sở Y tế TP.HCM. Sở đã thành lập Hội đồng xem xét, nhưng nguyên đơn không đồng ý với kết luận tại Biên bản họp của Hội đồng và có đơn yêu cầu giám định. Trong bản kết luận giám định số 07/13/TgT của Viện Pháp y Quốc gia (phân viện tại TP.HCM) ngày 12/9/2013 đã kết luận, phía bệnh viện điều trị bằng phương pháp mổ phaco cho bệnh nhân là đúng, quá trình phẫu thuật cơ bản đúng.
Tuy nhiên: “Trước khi cho bệnh nhân ra viện, bệnh viện không khám lại sau mổ và kiểm tra thị lực, nhãn áp mắt mà chỉ ghi tình trạng ổn định, đánh giá tình trạng người bệnh ra viện: Khỏi. Theo dõi bệnh nhân sau mổ không theo đúng các nội dung quy định trong quy trình phẫu thuật phaco số hiệu QTKĐ 02 do chính bệnh viện Mắt Sài Gòn ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/10/2005”.
Phiên tòa tiếp theo xét xử vụ án chưa biết diễn ra vào ngày nào. Sáng 18/10/2013, liên lạc với người thân của vị Việt kiều tại TP.HCM, được biết số tiền 50.000 USD sau phẫu thuật ghép giác mạc bên Mỹ của ông Thông chưa trả được. Bệnh viện tại Mỹ cho ông nợ, sẽ trừ vào lương hoặc lương hưu nếu hiện tại ông Thông không có khả năng làm việc.
“Lần đó về Việt Nam, anh Thông đang đi chơi đánh banh xong nghe nói ở Việt Nam mổ mắt tốt, anh chỉ đi khám chứ không phải đi mổ. Ông bác sĩ của bệnh viện Mắt Sài Gòn khám xong nói cái này là cườm khô.
Dù anh Thông bảo có gì về Mỹ kiểm tra, chữa trị nhưng bác sĩ nói ở đây tốt, mổ đảm bảo 100% khỏi. Ai ngờ, 4 giờ đồng hồ sau ca mổ kéo dài 7 phút thì anh ấy không nhìn thấy gì nữa. Khi tôi đưa anh ấy đến khám ở bệnh viện Mắt TP.HCM, một bác sĩ còn hỏi: “Mổ ở đâu mà tệ vậy, sắp mù rồi” và bảo giờ chỉ còn cách về Mỹ mới cứu được con mắt.
Về Mỹ, anh ấy đau khổ, tiền bạc không có, nghề lái taxi nay thành thất nghiệp vì không nhìn thấy. Bên Mỹ đời sống cao, nhà cửa thuê mướn đắt. Hiện bên mắt màu xanh của anh Thông nhỏ hơn bên mắt màu đen, trông rất tội. Tôi chỉ mong hai bên ngồi lại để giải tỏa tinh thần với nhau, chứ anh ấy đã đau khổ, kiệt quệ 4 năm nay rồi”, người thân của nguyên đơn chia sẻ.