Tà Chì Nhù, thử thách mới cho dân phượt

(PLO) - Để leo lên Tà Chì Nhù - ngọn núi cao chót vót này, phượt thủ cần có sức khỏe và sức bền tốt. Quan trọng hơn, nếu không có quyết tâm, rất có thể những người leo núi sẽ phải bỏ cuộc giữa chừng.
Tà Chì Nhù, thử thách mới cho dân phượt

Tà Chì Nhù, ngọn núi cao 2979 m nằm tại huyện Trạm Tấu của tỉnh Yên Bái, là thử thách mới cho những “dân phượt” ham trải nghiệm và dám thử thách bản thân.

Đoàn leo núi nghiệp dư

Rời Hà Nội, đoàn 6 người leo núi nghiệp dư chúng tôi ngược lên Yên Bái với cái lạnh đầu đông, có lẽ đây là thời gian “săn” mây đẹp nhất trong năm. Con đường từ Hà Nội lên đến Nghĩa Lộ khá dễ đi, ít khúc cua ngoằn ngoèo. 

Đoàn xuất phát từ 6 giờ tối nhưng chỉ mất vỏn vẹn 5 tiếng để vượt 200km. Do đi đêm nên khi bước xuống xe, cả đoàn đều cảm thấy cái rét lạnh đậm chất vùng cao. 

Sau khi ngủ một đêm ở “homestay”, sáng sớm hôm sau, đoàn chúng tôi thuê xe máy sang Trạm Tấu, bắt đầu cuộc hành trình chinh phục Tà Chì Nhù. Khi vừa bước chân đến thị trấn Trạm Tấu, trời bất ngờ đổ cơn mưa rào mùa đông. Chúng tôi bắt đầu thấy lo lắng vì nếu cơn mưa cứ kéo dài không dứt cho đến sáng hôm sau thì khả năng cao sẽ không gặp được mây trên đỉnh.

Người dẫn đường trong chuyến đi này là một anh bạn người H’mông mới 20 tuổi tên Giằng A Thank, đã có kinh nghiệm dẫn nhiều đoàn leo núi. Ấn tượng của tôi về Thank là khuôn mặt “búng ra sữa”, cùng với làn da hồng hào. Sau một hồi làm quen, cả đoàn bắt đầu hành trình đi đến chân núi.

Từ thị trấn Trạm Tấu vào đến bản Xà Hồ, nơi có đỉnh Tà Chì Nhù mất khoảng 6km đường đi xe máy nhưng tốn tới cả tiếng đồng hồ. Con đường chỉ có một đoạn đường rải nhựa, còn lại là đường đất và đá. Mặc dù cơn mưa đêm qua đã tạnh  nhưng dấu tích của nó khiến con đường trơn trượt hơn, xe của chúng tôi liên tục bị đổ giữa đường, có anh chàng không quen tay còn “đo đất” liên tục. 

Hết đoạn trơn, xe bắt đầu đi vào đường rải những viên đá cuội cỡ từ nắm tay cho tới đầu người. Thêm vào đó đường dốc và khúc khuỷu nên các xe đều phải cài số 1 hoặc 2 và vít ga. Xe của tôi bị chết máy 2 lần giữa đường vì động cơ quá nóng do hoạt động hết công suất vượt dốc. Sau 4 tiếng rưỡi di chuyển, cả đoàn đã đến được điểm gửi xe là một mỏ chì đang hoạt động, sẵn sàng cho cuộc leo núi. 

Ngọn núi cao thứ 6 Việt Nam quả là nơi thử thách bản thân và lòng kiên trì của những tay leo núi nghiệp dư. Con đường mòn được những người đi trước tạo ra với những viên đá to nhỏ ở dọc lối đi. Đường dốc khó đi và rất nhanh chóng chúng tôi bị mệt.

Leo được khoảng 30 phút, tôi hỏi cậu đường A Thank là “Mình đi được bao nhiêu phần trăm rồi? Còn bao nhiêu lâu nữa thì lên đến điểm cắm trại?” Thank tếu táo nói với cả đoàn “Mình mới đi được 1% thôi anh ạ, phải leo 4 tiếng nữa”. Câu nói ấy đúng là khiến chúng tôi cảm thấy nản lòng.

Do biết còn phải leo với thời gian khá dài nên đoàn chúng tôi cứ leo một đoạn lại nghỉ. Cứ mỗi lần như thế, tất cả mọi người đều ngồi bệt xuống đất, có khi còn nằm lăn ra. Một vài người trong đoàn mới đầu còn mặc áo ấm kín người nhưng về sau đều phải cởi. Phần vì quá nóng do bị vắt sức khi leo núi, phần vì mồ hôi quá khó chịu. Cứ đi được tầm mười phút, chúng tôi lại đứng lại ngắm cảnh rừng núi và nghỉ ngơi lấy sức. 

Những cảnh sắc xung quanh mỗi lần chúng tôi đến một chặng nghỉ đều khiến mọi người ngỡ ngàng. Đó là những cây cổ thụ lớn của rừng phòng hộ; cánh đồng nứa xanh mượt mọc sát nhau đều và thẳng; dòng suối chảy từ khe núi trong vắt với những tiếng róc rách; những chú chim nhỏ màu xanh đua nhau hót ríu rít gọi bầy…

Giằng A Thank trong suốt quãng đường đi cũng kể cho chúng tôi nhiều nét về văn hóa của người H’mông. Nào là tục cướp vợ của dân tộc này vốn rất trong sáng, nếu thích cô gái nào chàng trai chỉ việc “bắt” về nhà. Nhưng nếu trong 3 ngày tán tỉnh, tặng quà mà cô nàng không đồng ý thì phải thả cô về với gia đình. Không có chuyện bắt được cô gái thì nghiễm nhiên là có được vợ. 

Hay tục ăn lá ngón vẫn còn phổ biến ở cộng đồng người H’mông, chỉ vì giận dỗi người yêu, không hài lòng với gia đình là người ta có thể ăn lá kịch độc ngay. Thank cũng nói về tục lệ cưới xin của người H’mông, con gái ở tuổi 13 hay 14 là có thể gả chồng, con trai thì tầm 15, 16 tuổi. Bản thân Thank cũng lấy vợ sớm, ở độ tuổi 20 cậu đã có 1 con và một đứa nữa sắp ra đời. 

Cắm trại giữa trời

Những câu chuyện của Thank cuốn hút khiến chúng tôi tò mò quên đi cái mệt. Tuy vậy, khi càng lên cao mọi người càng đuối sức. Không khí trở nên loãng hơn, nhiệt độ cũng giảm xuống. Nhờ vào những nỗ lực, cùng với thời gian nghỉ khá nhiều để lấy lại sức, đúng 5 tiếng đồng hồ sau, chúng tôi đã đến điểm cắm trại. Tới đây chúng tôi còn gặp các đoàn khác, mọi người cùng nhau hạ trại trước khi đêm đến.

Sau hạ trại, phần vì mệt quá, tôi cuốn mình trong chiếc túi ngủ đến tối. Chỉ khi đến giờ cơm, cùng với những tiếng ồn ào bên ngoài trại, tôi mắt bắt đầu thức dậy. Cả đoàn đều đói nên dù cơm có bị nấu sống nhưng vẫn nhai “ngấu nghiến” khen ngon.

Cùng với các đoàn khác, chúng tôi chia nhau từng bát cơm, miếng thịt, cùng nhau uống rượu ngô tím để quên đi cái lạnh. Những người xa lạ bỗng thân thiết với nhau như đã quen biết từ lâu. Chẳng cần biết tên nhau là gì nhưng vẫn ngồi cạnh bếp lửa ca hát, nói chuyện về chuyến đi. Ở điểm cao 2.500 mét này chỉ có chúng tôi đang quây quần bên nhau.

4h30 sáng hôm sau, chúng tôi thức dậy trong cái lạnh buốt của khí hậu vùng núi để leo lên điểm cao nhất. Buổi sớm những hạt sương trên những bụi cây bám vào quần áo khiến cho cuộc leo núi vô cùng khó chịu vì ẩm ướt. Những ngón chân của tôi bắt đầu đau tấy, do quá mệt nên cứ leo được 5 phút, cả đoàn đã phải ngồi nghỉ. 

Sau một tiếng rưỡi kiên trì, cả đoàn cũng leo đến đỉnh gần Tà Chì Nhù nhất, chúng tôi quyết định dừng lại đón bình minh. Nhìn ánh mặt trời đang dần hiện ra, cùng với biển mây ở phía dưới, mọi mệt mỏi dường như tan biến. Chúng tôi hò hét, cảm thấy sảng khoái và có phần hạnh phúc vì vừa làm được một việc thật lớn lao. Ngắm cảnh đẹp như cõi tiên này, chắc hẳn ai ai cũng sẽ cảm thấy chuyến đi của mình không hề phí công. 

Chúng tôi lấy máy ảnh ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ. Những chú ngựa lang thang gặm cỏ, những hàng rào gỗ mộc mạc ấn tượng, những ngọn núi chỉ còn trơ cây bụi khô đều thật ấn tượng.

Sau khi đón ánh bình minh, chúng tôi tiếp tục công cuộc chinh phục đỉnh cao nhất. Mất thêm nửa giờ đồng hồ leo dốc đá cùng cái chân đau mỏi, cả đoàn đã tới nơi. Trên này, đoàn leo núi trước đã mang một cột mốc bằng inox để xác định điểm cao 2979 m của Tà Chì Nhù.

Đứng trên đỉnh, chúng tôi thấy được những dãy núi trùng trùng điệp điệp thấp hơn ở phía dưới. Thank còn chỉ cho chúng tôi đất Sơn La ở kế bên. Ở đây, tôi được cảm nhận như đang đứng ở nơi giao thoa giữa trời và đất.

Trời bắt đầu nắng gắt hơn, những đám mây phía dưới cũng bắt đầu tan dần để lộ khu rừng già. Chúng tôi phải nhanh chóng thu xếp xuống núi còn kịp thời gian về Hà Nội. Có lẽ, chúng tôi đã hiểu hơn nhiều về sự kiên nhẫn, khao khát đạt được mục tiêu sau chuyến đi này. Vẫn còn tới 4 giờ đồng hồ để đi xuống núi với cái chân đau nhưng mọi người trong đoàn đều thấy hạnh phúc khi vượt qua được những thử thách trong chuyến “săn” mây Tà Chì Nhù.

Chàng trai người H’mong dẫn đường giải thích về xuất xứ tên gọi Tà Chì Nhù: “Trong tiếng H’mông, Nhù tức là con trâu, Chì là vết chân. Gộp 3 từ Tà Chì Nhù có nghĩa là “Núi Chân Trâu”. Nguyên do là người dân nơi đây thường thả rông những con trâu trên đỉnh núi này cho chúng tự do ăn cỏ,uống nước. Đến khi cần sử dụng làm nương mới bắt về”.