Thông tin nam diễn viên hài Anh Vũ qua đời đột ngột tại Mỹ sau đêm diễn 1/4 (theo giờ địa phương) đã khiến đông đảo bạn bè, nghệ sĩ, khán giả vô cùng bàng hoàng, tiếc thương.
Nguyên nhân cụ thể khiến Anh Vũ qua đời vẫn chưa được cơ quan chức năng tại quận Cam, bang California, Mỹ thông báo.
Tuy nhiên, mới đây, người nhà của nam diễn viên đã tiết lộ với truyền thông lý do anh ra đi đột ngột vì tắm khuya dẫn đến đột quỵ.
"Anh ấy đi diễn về khuya nhưng vẫn tắm, bị đột quỵ và rồi ra đi lúc nào không ai biết. Cảnh sát đã đưa thi thể anh đến nhà xác. Có lẽ sẽ không khám nghiệm tử thi. Sau khi làm xong các thủ tục, gia đình sẽ đưa thi thể anh về nước", người nhà Anh Vũ nói.
Bác sĩ Lê Cao Phương Duy, trưởng khoa tim mạch can thiệp Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), cho biết có những trường hợp đột ngột gồng người, tím tái, ngưng tim, ngưng thở, tử vong ngay sau khi tắm đêm.
Khi xác định nguyên nhân, hầu hết là do tai biến mạch máu não (đặc biệt là nhồi máu não) hoặc nhồi máu cơ tim cấp.
Nhiều người đã tử vong trước khi đến bệnh viện hoặc tử vong tại bệnh viện dù được điều trị tích cực.
Sau một ngày lao động vất vả, đến tận đêm nhiều người mới có thời gian đi tắm, cũng có những người không bận bịu gì nhưng vẫn có thói quen tắm đêm trước khi đi ngủ vì chỉ như vậy họ mới có cảm giác sạch sẽ.
Bác sĩ Phương Duy nhấn mạnh: dù đi tắm đêm vì lý do gì thì tắm đêm vẫn dễ bị đột quỵ do người tắm bị tai biến mạch máu náo, bị nhồi máu cơ tim cấp hoặc cơn đau thắt ngực.
Ngoài ra, tắm đêm còn có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng phổi, đặc biệt ở những người đang trong thời kỳ dưỡng bệnh, suy giảm miễn dịch.
Nhiệt độ nước tắm không phù hợp với nhiệt độ cơ thể, cơ thể sẽ tự điều chỉnh bằng cách co mạch hoặc giãn mạch để giữ nhiệt hoặc thoát nhiệt. Khi mạch máu não bị co lại đột ngột sẽ dễ gây ra đột quỵ do nhồi máu não hoặc mạch vành (mạch máu cung cấp máu cho tim) co thắt đột ngột, có thể gây ra nhồi máu cơ tim cấp.
Đặc biệt ở những người có bệnh lý đau thắt ngực do co thắt mạch vành, khi tắm đêm rất dễ xảy ra cơn đau thắt ngực do mạch vành co thắt quá mức.
Với những người cơ thể đang nóng nực, lỗ chân lông đang mở để thoát nhiệt nếu tắm đột ngột nước sẽ ngấm vào lỗ chân lông gây ra tình trạng cảm lạnh.
Những người đang suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai, người già yếu tắm như vậy dễ bị viêm phổi, nhiễm siêu vi, cảm cúm...
Khi tắm đêm hoặc để đầu ướt đi ngủ, mạch máu não sẽ có xu hướng giãn, gây nên hiện tượng nhức đầu. Nếu lặp đi lặp lại nhiều lần như vậy có thể dẫn đến bệnh đau đầu mãn tính.
Bác sĩ Phương Duy cho rằng tắm đêm là yếu tố thuận lợi để khởi phát bệnh trên những người đã có sẵn bệnh từ trước như: bệnh mạch vành, bệnh mạch máu não... chứ không phải nguyên nhân gây bệnh.
Tắm đêm không có lợi cho cơ thể, thậm chí là cơ hội gây thêm những bệnh nặng khác, do vậy không nên tắm đêm, không nên tắm trong khoảng thời gian hai giờ trước khi ngủ.
Khi đang ở trong phòng lạnh không nên tắm nước nóng quá, hoặc đang nóng nực lại tắm nước lạnh. Nước tắm khác với nhiệt độ cơ thể sẽ gây rối loạn về vận mạch.
Ngay cả khi tắm vào ban ngày, bác sĩ cũng khuyên không nên có sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ cơ thể và nhiệt độ nước tắm.