Tách thành 2 luật có giải quyết được vấn đề an toàn giao thông?

(PLVN) - Nhìn chung, Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 như đã nêu trong Tờ trình, nhưng một số ý kiến đề nghị cân nhắc rất kỹ vấn đề tách luật Giao thông đường bộ thành 2 luật để đảm bảo tính thống nhất, tổng thể trong hệ thống pháp luật. 
Ảnh minh họa: Cần có pháp luật đồng bộ, chặt chẽ để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.
Ảnh minh họa: Cần có pháp luật đồng bộ, chặt chẽ để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.

Trình bày tờ trình dự án Luật tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội  (UBTVQH) chiều nay (15/9), Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, “So với Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) năm 2008, dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi) có sự thay đổi như sau: quy định về đăng ký, cấp thu hồi biển số phương tiện GTĐB; quản lý đào tạo, sát hạch lái xe; cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về GTĐB không còn được quy định trong dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi)”.

Nhìn chung, UBTVQH tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi Luật GTĐB năm 2008 như đã nêu trong Tờ trình. Riêng về phạm vi điều chỉnh liên quan đến dự án Luật Đảm bảo trật tự an toàn GTĐB, UBTVQH sẽ cho ý kiến vào sáng 16/9. 

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc rất kỹ vấn đề tách luật GTĐB thành 2 luật để đảm bảo tính thống nhất, tổng thể trong hệ thống pháp luật. 

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đề nghị ban soạn thảo giải trình rõ hơn về việc tách thành 2 dự án Luật như vậy. Còn Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga bày tỏ băn khoăn về việc tách vấn đề giao thông với đảm bảo trật tự, ATGT. 

Cùng với đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đặt vấn đề, thời gian quan, do dịch Covid-19, số vụ tai nạn có giảm nhưng vẫn còn những hạn chế, những vấn đề mất trật tự ATGT, tai nạn giao thông nghiêm trọng, những hạn chế liên quan đến vận tải đường bộ, BOT, thu phí không dừng… “Lỗi có phải do không tách 2 luật này hay không, tách ra có giải quyết được các vấn đề đó hay không?”, bà Nga đặt câu hỏi. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, theo quan điểm cá nhân bà thì không nên tách mà để trong 1 luật để đảm bảo kết cấu tổng thể để điều chỉnh cho dễ và thông suốt từ khi làm luật. Còn việc phân công trách nhiệm của từng bộ, ngành, đề nghị Chính phủ đề xuất và QH có thể chấp nhận chứ không nhất thiết phải tách ra.

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, việc tách hay không tách 2 luật đã được Chính phủ đã bàn rất kỹ. Về mặt thực tiễn, bảo đảm trật tự ATGT thuộc nội dung bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội nhằm bảo đảm tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, bảo vệ quyền con người. 

Còn việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, quản lý kết cấu hạ tầng, tức giao thông tĩnh thuộc các lĩnh vực về kỹ thuật nhiều hơn để bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất cho hoạt động giao thông. 

Thứ trưởng Bộ tư pháp khẳng định, để 1 luật hay 2 luật, kỹ thuật lập pháp không thực sự có vấn đề vì đến nay 2 Bộ là Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an đã thống nhất và các điều khoản của 2 dự thảo luật có tách bạch, dù còn 1 số giao thoa giữa giao thông tĩnh và động, nhưng giữa những lĩnh vực giao thoa đó đã có các biện pháp kỹ thuật để quy định. Ngoài ra, về kinh nghiệm quốc tế, Hàn Quốc có 10 luật khác nhau quy định về lĩnh vực GTĐB.

Còn “việc có đặt ra vấn đề sửa đổi hay tách các luật khác (luật về giao thông đường thủy, đường hàng không, đường sắt... - PV) phải dựa trên cơ sở tổng kết đánh giá thực tiễn thi hành, còn đối với luật GTĐB, mục tiêu của Luật Bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ là để bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ”, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nói.

Sáng mai, UBTVQH sẽ cho ý kiến vào dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB. Để đảm bảo tính hệ thống nhất, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ đề nghị, sau khi cho ý kiến đối với cả 2 dự án luật này, UBTVQH sẽ quyết định vấn đề này có tách thành 2 luật hay không.

Đọc thêm