Tai biến khó lường khi bị đa ối lúc mang thai

(PLVN) - Chứng đa ối có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, tuy nhiên, căn bệnh này hết sức nguy hiểm cho cả mẹ và con trong thai kỳ, trong quá trình chuyển dạ cũng như chăm sóc trẻ sau này. Không những vậy, nó có thể là nguyên dẫn đến tử vong thai nhi…
Thai phụ mắc chứng đa ối cần thăm khám thường xuyên nhằm tránh tai biến thai sản xảy ra
Thai phụ mắc chứng đa ối cần thăm khám thường xuyên nhằm tránh tai biến thai sản xảy ra

Nguy hiểm nhưng quá nhiều người chủ quan

Đa ối hay dư ối khi mang thai là tình trạng có quá nhiều nước ối bao quanh thai nhi trong tử cung. Nước ối được hình thành vào khoảng ngày thứ 12 sau khi thụ thai và thay đổi theo từng giai đoạn của thai kỳ. Bình thường lượng ối tiêu chuẩn khoảng 1 lít, nhưng khi nước ối vượt qua mức 2 lít, có nghĩa là thai phụ đang bị thừa nước ối. Tình trạng này rất hiếm gặp, chỉ có 1% mẹ bầu phải đối mặt với bệnh lý này trong thai kỳ. Căn bệnh này cũng khó phát hiện, nhất là đối với những trường hợp nhẹ. Đây có thể là hệ quả của tình trạng thai dị dạng, gai đôi cột sống... hay một số bệnh của mẹ.

Nước ối bao gồm nước tiểu, dịch tiết từ phổi thai nhi, dịch tiết từ hệ thống tuần hoàn của mẹ, từ nội sản mạc và dịch được khuếch tán qua dây rốn. 

Bác sỹ Phạm Thị Thanh Hiền, Khoa điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết: “Đối với những sản phụ bị đa ối thì khi khám bệnh, bác sĩ thấy tử cung to hơn dự kiến, sờ nắn khó xác định được thai và các phần của thai, khó nghe tim thai, thai bập bềnh dễ dàng. Từ đó, quá trình xác định cũng như theo dõi sức khỏe của mẹ và bé trong thai kỳ là điều rất khó khăn, gây nguy hiểm cũng như rất khó kiểm soát thai nhi”.

“Trường hợp đa ối mà thai nhi vẫn phát triển bình thường, bác sĩ có thể chỉ định bảo tồn bằng cách cho sản phụ nghỉ ngơi, dùng thuốc an thần và đôi khi phải chọc tháo bớt nước ối để làm giảm nhẹ các triệu chứng. Thai đa ối đủ tháng khi chuyển dạ dễ có ngôi không bình thường, dễ sa dây rau, băng huyết... Tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ có quyết định đẻ thường hay mổ”, bác sỹ Thanh Hiền chia sẻ thêm.

Đa ối có thể không gây nguy hiểm khi được bác sĩ theo dõi cẩn thận và chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, nếu quá nhiều nước ối cũng có thể ẫn đến vỡ màng ối sớm dẫn đến sinh sớm, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của bé và có thể gây dị tật xương. Đồng thời, đa ối còn dễ dẫn đến nguy cơ thai chết lưu và xuất huyết sau khi sinh con.

Theo đó, các bác sỹ chẩn đoán nguyên nhân của đa ối có thể là: Thai dị dạng, gai đôi cột sống, teo thực quản, phù thai và song thai đơn noãn; hoặc có thể do mẹ mắc một số bệnh như đái tháo đường, những thể nặng của bệnh tim và tiền sản giật... Nếu thai nhi có biểu hiện phát triển không bình thường, bác sĩ có thể gây chuyển dạ để kết thúc thai kỳ.

 

Làm sao để nhận biết chứng đa ối?

Chứng đa ối có những biểu hiện nhận biết khá rõ rệt nhưng rất muộn vì hiện tượng này thường xảy ra ở tuần thứ 30 của thai kỳ. Khi đó, dấu hiệu đầu tiên các sản phụ tự nhận biết được đó là bụng to hơn so với tuổi thai, số đo vòng bụng (qua rốn) lớn hơn 100 cm, bụng căng bóng, đau bụng, khó thở, ăn uống khó tiêu, giãn tĩnh mạch có khi dẫn đến mắc bệnh trĩ. Quá trình khám thai định kỳ sẽ khó nghe được nhịp tim thai, điều này rất khó khăn cho việc theo dõi sức khỏe của em bé trong bụng. Thường gặp ở thai non tháng, đa thai, bệnh lý về đường tiêu hóa hoặc hệ thần kinh.

Đa ối được chia làm hai loại đó là: Đa ối cấp và đa ối mạn. Trong đó, chứng đa ối cấp thường xảy ra vào kỳ tam cá nguyệt thứ 2, bụng mẹ lớn lên rất nhanh, khó vận đông, cử động khó khăn và nhanh chóng lâm vào tình trạng khó ở. Biểu hiện là bụng căng cứng và đau, tức thở. Thông thường bác sĩ sản khoa sẽ phải xử trí bằng cách chọc ối và cho mẹ đẻ non.

Đối với đa ối mạn là lượng ối tăng lên từ từ trong những tháng cuối thai kỳ. Vì diễn biến chậm nên tuy bụng thai phụ có to và căng hơn bình thường nhưng họ vẫn chịu đựng được. Thai nhi do bị ối chèn ép nên dễ dị dạng hoặc mắc các tật bẩm sinh trong nội tạng. Trọng lượng của trẻ sơ sinh có mẹ bị đa ối mạn thường nhẹ hơn các trẻ khác.

Sau khi sinh, bà mẹ bị đa ối dễ bị băng huyết do tử cung căng giãn quá mức, sau đẻ không co lại như bình thường được nữa. Điều đó cũng ảnh hưởng rất lớn đến lần sinh nở tiếp theo.

Khi bị đa ối, mẹ bầu nên đến thăm khám bác sĩ thường xuyên để được theo dõi cụ thể và lên lịch điều trị. Theo đó, bác sĩ có thể sẽ chỉ định mẹ bầu chọc ối để lấy ra bớt lượng chất lỏng dư thừa. Biện pháp này cũng chỉ giúp mẹ bầu giảm bớt các triệu chứng về hô hấp, nhưng đây chỉ là tạm thời. Ngoài ra, sản phụ cần thường xuyên thăm khám để theo dõi, thậm chí có thể phải nằm viện và can thiệp ngay khi cần thiết khi xuất hiện các triệu chứng rầm rộ như khó thở, tức ngực nhiều; bụng to lên nhanh và rõ rệt, đau tức đột ngột.

Bên cạnh đó, có thể dùng thuốc để giảm tình trạng sản xuất nước ối. Tuy nhiên, phương pháp này không thể làm ở tuần thai thứ 32 vì nó có thể gây nguy hiểm. Trong một số trường hợp có dấu hiệu sinh non, mẹ bầu có thể sẽ phải nhập viện trước kỳ hạn hoặc được chỉ định mổ đẻ để đảm bảo an toàn.

Trên thực tế, tai biến thai sản là một trong những tình trạng nguy hiểm gây ra bởi chứng đa ối. Mẹ bầu nên hết sức cảnh giác và theo dõi đều đặn tình trạng nước ối trong thai kỳ. Các biến chứng do đa ối gây ra không những ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn gây nguy hiểm cho thai nhi trong bụng mẹ. Vì vậy, việc khám thai định kỳ hay làm xét nghiệm sàng lọc trước sinh nhằm phát hiện các dị tật có nguy cơ gây nên đa ối là điều rất cần thiết.

Đọc thêm