Tái cơ cấu doanh nghiệp hàng hải: Bán tàu lỗ, cổ phần hóa doanh nghiệp yếu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đang tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ khi lên các kế hoạch bán nhiều tàu biển trong bối cảnh vận tải biển làm ăn thua lỗ. Ngoài ra, đơn vị này sẽ cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp thành viên; đồng thời đầu tư trọng tâm vào hai lĩnh vực “ăn nên làm ra” là cảng biển và dịch vụ hàng hải.
Cảng biển - lĩnh vực kinh doanh chủ lực của VIMC. (Ảnh minh họa)
Cảng biển - lĩnh vực kinh doanh chủ lực của VIMC. (Ảnh minh họa)

Vận tải biển đang là gánh nặng đối với VIMC khi hoạt động này liên tục thua lỗ trong thời gian qua. Bên cạnh đó, VIMC đang muốn cổ phần hóa càng nhanh càng tốt đối với một số đơn vị thành viên do làm ăn kém hiệu quả. Những “râu ria” này đang được VIMC cắt bỏ dần để doanh nghiệp tinh gọn và hoạt động hiệu quả hơn.

Chiến lược tái cơ cấu này được VIMC thể hiện rõ khi trước thềm Đại hội cổ đông thường niên năm 2021, đơn vị này công bố sẽ tiếp tục bán 10 tàu biển, trong đó có 4 tàu thuộc công ty mẹ và 6 tàu thuộc các công ty thành viên. Tổng trọng tải 10 tàu này hơn 244.500 DWT. Trong đó, các tàu bán, thanh lý chuyển tiếp từ kế hoạch năm 2020 là 5 tàu, các tàu bán, thanh lý năm 2021 là 5 tàu.

Theo quan sát của PLVN, việc thanh lý tàu của VIMC diễn ra trong bối cảnh khối vận tải biển của đơn vị này chìm đắm trong thua lỗ. Cụ thể, năm 2020, nếu như khối cảng biển thu về lợi nhuận hơn 1.300 tỷ đồng, khối dịch vụ hàng hải đạt doanh thu hơn 1.600 tỷ đồng thì khối vận tải biển ghi nhận mức lỗ tới hơn 684 tỷ đồng.

Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nếu vẫn giữ số lượng tàu biển lớn thì khả năng thua lỗ của loại hình kinh doanh này được dự báo sẽ tiếp tục. Do đó, việc bán bớt các loại tàu cũ, kém hiệu quả được cho là bước đi khôn ngoan của VIMC.

Được biết, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến lĩnh vực vận tải biển của VIMC thua lỗ, ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh thì còn do đội tàu này đã cũ, được đầu tư từ giai đoạn 2006-2009. Đến nay, các tàu này không còn phù hợp về kỹ thuật, khấu hao tàu lớn, điểm hòa vốn cao so với mặt bằng giá cước, khó cạnh tranh trên thị trường cung cấp dịch vụ.

Một nội dung quan trọng khác trong chiến lược tái cơ cấu của VIMC là tiếp tục thoái vốn tại các công ty vận tải biển thành viên. Cụ thể, theo kế hoạch năm 2021, VIMC hoàn thiện hồ sơ thoái 2,8 triệu cổ phần, giảm tỷ lệ sở hữu từ 51% xuống 49% tại Công ty CP Vận tải biển Việt Nam; thoái 3 triệu cổ phần, giảm tỷ lệ sở hữu từ 51% xuống 36% tại Công ty CP Vận tải biển Vinaship.

Ngoài ra, VIMC cũng thoái toàn bộ gần 30 triệu cổ phần (tương ứng tỷ lệ sở hữu 49%) tại Công ty CP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam; thoái toàn bộ hơn 1,3 triệu cổ phần (tương ứng hơn 26,4%) tại Công ty CP Vận tải biển Hải Âu; thoái toàn bộ hơn 9,8 triệu cổ phần (tương ứng 49%) tại Công ty CP Vận tải biển và TM Phương Đông và rút khỏi Công ty CP Hàng hải Đông Đô với tỷ lệ thoái vốn gần 49% (tương ứng gần 6 triệu cổ phần).

Về kế hoạch kinh doanh năm 2021, Tổng Công ty lên kế hoạch doanh thu hợp nhất 10.828 tỷ đồng, giảm 3%; lợi nhuận trước thuế 944 tỷ đồng, tăng 88%. Riêng với công ty mẹ, doanh thu đạt 1.368 tỷ đồng. Ngoài ra, do nhu cầu hoạt động kinh doanh năm 2021, VIMC dự kiến sẽ đầu tư 2 tàu container dung tích 1.700-2.200 TEU đã qua sử dụng với số tiền khoảng 474 tỷ đồng.

Trao đổi với PLVN, ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban Tuyên giáo, Truyền thông VIMC cho biết, kế hoạch kinh doanh trên sẽ được các cổ đông thảo luận, quyết định trong chương trình Đại hội đồng cổ đông thường niên dự định được tổ chức vào ngày 24/4 tới đây.

Sau kiểm toán, VIMC chuyển từ lỗ sang lãi

Lợi nhuận sau thuế của VIMC có kiểm toán năm 2020 đạt gần 209 tỷ đồng, chênh lệch lớn so với con số lỗ gần 181 tỷ đồng trên báo cáo tự lập. Theo VIMC, chênh lệch 389 tỷ đồng này do công ty mẹ điều chỉnh hồi tố hạch toán các khoản dự phòng trong giai đoạn cổ phần hóa và thực hiện hoàn nhập toàn bộ tại thời điểm chuyển sang công ty cổ phần, thực hiện các khoản dự phòng tại thời điểm cuối năm 2020.

Đọc thêm