Thoái vốn trong lĩnh vực nhạy cảm được bao nhiêu?
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, theo kế hoạch CPH, năm 2018 phải hoàn thành CPH ít nhất 85 DN, bao gồm 21 DN thuộc danh mục năm 2017 và 64 DN thuộc danh mục năm 2018. Tuy nhiên, tính đến tháng 11/2018 mới CPH được 12 DN, trong đó CPH 11 DNNN và 01 đơn vị sự nghiệp. Trong đó tổng giá trị DN là 29.747 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 15.413 tỷ đồng.
Tổng vốn điều lệ theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt là 18.348 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 11.158 tỷ đồng; bán cho nhà đầu tư chiến lược 2.289 tỷ đồng; đấu giá công khai 4.791 tỷ đồng, số còn lại bán cho người lao động là 99 tỷ đồng và tổ chức công đoàn 5 tỷ đồng.
Về thoái vốn, theo kế hoạch, năm 2017 có 135 DN, năm 2018 có 181 DN phải thực hiện thoái vốn, tuy nhiên tính đến tháng 11/2018 mới thoái vốn nhà nước tại 18 đơn vị thuộc Quyết định 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó chỉ có 02 đơn vị thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2018, còn lại 16 đơn vị thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2017.
Tổng số vốn các DN đã thoái được 5.067 tỷ đồng, thu về 10.499 tỷ đồng, trong đó: Thoái vốn nhà nước tại 17 đơn vị thuộc Quyết định 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 1.308 tỷ đồng, thu về 2.511 tỷ đồng.
Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 3.758 tỷ đồng, thu về 7.987 tỷ đồng, trong đó: Thoái vốn tại các lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, tài chính – ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, các quỹ đầu tư) được 2.416 tỷ đồng, thu về 2.794 tỷ đồng; Thoái vốn tại các lĩnh vực khác được 1.129 tỷ đồng, thu về 2.548 tỷ đồng; SCIC thực hiện thoái vốn tại 08 DN với giá trị 212 tỷ đồng, thu về 2.644 tỷ đồng.
Tăng cường thanh tra chống thất thoát tài sản
Về hoạt động bàn giao các DN có vốn nhà nước góp về SCIC, trong 11 tháng đầu năm 2018, SCIC đã tiếp nhận được 07 DN với tổng giá trị vốn nhà nước tiếp nhận là 206 tỷ đồng. Ngoài ra, SCIC còn tiếp nhận 04 DN ngoài danh sách tại Quyết định 1232/QĐ-TTg, trong đó có 03 DN trong kế hoạch tiếp nhận vốn của SCIC, 01 DN ngoài kế hoạch tiếp nhận vốn (Công ty cổ phần Quản lý và xây dựng đường bộ Quảng Nam – Đà Nẵng) với tổng giá trị vốn nhà nước tiếp nhận là 802 tỷ đồng.
Theo Bộ Tài chính, việc chậm bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chậm quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần của các DN CPH đã chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, làm ảnh hưởng đến công tác bàn giao và thu nộp các khoản về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN.
Mặt khác, nhiều DN chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường, chậm đổi mới công tác quản trị DN sau cổ phần theo thông lệ và chuẩn mực của các DN trên thị trường chứng khoán, cũng như hạn chế công tác giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động của các DN này.
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN, Bộ Tài chính đã đưa ra 9 giải pháp, trong đó nhấn mạnh giải pháp tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, CPH, thoái vốn và quản lý, sử dụng vốn nhà nước.
Bổ sung nội dung kiểm tra, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong việc chấp hành kỷ luật hành chính khi thực hiện kế hoạch CPH và thoái vốn nhà nước tại DN; trách nhiệm trong việc tổ chức, hoàn thành kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh hàng năm. Bổ sung danh mục thanh tra đối với các DN chậm quyết toán tại thời điểm chuyển từ DN nhà nước sang công ty cổ phần.
Bộ Tài chính cũng đề xuất định kỳ công bố công khai thông tin về CPH, thoái vốn DNNN làm cơ sở để theo dõi, đánh giá tiến độ CPH, thoái vốn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện…