Xóc lại đội hình...
Tái cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) là cách nói trong văn bản giấy tờ, còn đối với cấp thấp nhất trong ngành Đường sắt - những công nhân lái máy, nhân viên nhà ga, tuần đường, gác chắn - họ hiểu chủ trương trên sẽ là một cuộc hợp nhất, thu gọn các đơn vị lớn trong lịch sử của ngành.
Các khối đầu máy, vận tải và quản lý dự án sẽ là đối tượng được sắp xếp khi thực hiện phương án cơ cấu lại VNR, với kế hoạch 10 đầu mối đơn vị hiện tại, tới đây rút xuống chỉ còn 5.
Cụ thể, sẽ có 2 trong số 5 cái tên sau (Xí Nghiệp Đầu máy: Yên Viên, Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, Sài Gòn) không còn nữa. Dư luận đồn đoán, nay mai chắc chỉ có 3 đơn vị nằm ở 3 thành phố lớn để thực hiện chức năng quản lý sức kéo phục vụ vận tải?
“Các Xí nghiệp này đang quản 270 đầu máy.“Ông” lớn thì 500 - 600 lao động/Xí nghiệp, “ông” nhỏ thì ít hơn. Nhưng nhìn chung các đơn vị đều thông hiểu chủ trương và sự cần thiết của việc sắp xếp lại bộ máy lần này”, Tổng giám đốc VNR Đặng Sỹ Mạnh nói.
Nhiều người biết Đường sắt trước kia là một ngành lớn cả về tên gọi lẫn quy mô ngoài thực tế nên ở phía dưới, các bộ phận, ban bệ đều được cơ cấu, bố trí đầy đủ khắp các vùng, miền nhằm thay mặt VNR đảm bảo sự ổn định của kết cấu hạ tầng và thông suốt về hoạt động vận tải…
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, các hoạt động xây lắp, sửa chữa hạ tầng đường sắt do VNR đóng vai trò chủ đầu tư đang ngày một ít vì việc này có sự chủ trì, tham gia của các đơn vị quản lý nhà nước và quản lý dự án thuộc Bộ GTVT (Ban quản lý dự án (PMU) Đường sắt và Cục Đường sắt Việt Nam). Thế nhưng, trên thực tế, tại VNR vẫn đang tồn tại ba PMU khu vực 1, 2, 3 ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM, với hơn 70 nhân sự.
“Các PMU khu vực nhiều năm nay rất ít việc, chủ yếu chỉ thực hiện các công việc liên quan tới sửa chữa định kỳ…”, ông Đặng Sỹ Mạnh xác nhận, và khẳng định việc hợp nhất ba PMU này thành một đơn vị là phù hợp, giúp bộ máy bớt cồng kềnh.
Cụ thể, theo văn bản số 303/TTg-ĐMDN của Thủ tướng Chính phủ, sắp tới chuyển nguyên trạng toàn bộ hoạt động, tài sản, con người tại ba PMU đường sắt khu vực 1, 2, 3 về một PMU có các điều kiện tốt nhất về quy mô, kinh nghiệm, thực tế... để thực hiện chức năng đại diện chủ đầu tư, quản lý các dự án đường sắt do VNR làm chủ đầu tư. Đồng thời, chấm dứt hoạt động của hai PMU kia.
Tổng giám đốc Đặng Sỹ Mạnh: “VNR sẽ thuê Tư vấn để hợp nhất 2 Công ty vận tải Đường sắt Hà Nôi và Sài Gòn” |
Tìm lại cảm giác “tốc độ” cho Đường sắt
Trao đổi với PLVN, đại diện VNR cho biết, Đảng ủy và Hội đồng thành viên VNR đã họp bàn vấn đề này, quyết định sẽ thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc thực hiện việc cơ cấu lại Tổng công ty trên cơ sở chỉ đạo trực tiếp từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
“Chúng tôi tin tưởng việc sáp nhập, hợp nhất các đơn vị thuộc khối quản lý dự án và đầu máy sẽ thuận lợi vì nó phù hợp với nhu cầu đổi mới của ngành. Riêng khối vận vận tải sẽ phải thận trọng hơn và mất thời gian hơn vì nó là những doanh nghiệp đã cổ phần hóa”, lời Tổng giám đốc VNR.
Được biết, VNR hiện nắm 91,6% cổ phần tại Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và 78% tại Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn.
Liên quan vấn đề này, trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo VNR khẩn trương thực hiện cơ cấu lại các doanh nghiệp đảm bảo đúng pháp luật, phát huy hiệu quả, tuyệt đối không để thất thoát vốn, tài sản nhà nước.
“VNR sẽ xúc tiến thuê một đơn vị Tư vấn chuyên nghiệp giúp xem xét các khía cạnh về pháp lý, tài sản… tại hai Công ty vận tải trước khi tiến hành hợp nhất”, lời Tổng giám đốc Đặng Sỹ Mạnh.
Cùng với các thủ tục nêu trên, ở đây, còn một vấn đề cần xem xét hợp lý khi cơ cấu lại doanh nghiệp, đó là lao động dôi thừa. Cụ thể, không chỉ những vị trí việc làm đơn giản mà cả những vị trí lãnh đạo tại các đơn vị sắp sáp nhập.
Thực tế, mỗi PMU thuộc VNR đang có một Giám đốc và một số Phó Giám đốc. Nhưng khi tổ chức lại thành một PMU sẽ chỉ có một người đứng đầu. Tương tự, việc thu gọn đầu mối tại các Xí nghiệp đầu máy, Công ty vận tải cũng vậy. Việc này rõ ràng sẽ giảm số đơn vị cấp phòng, bộ máy gọn nhẹ, nhưng sẽ dư ra cả trăm lao động cần chế độ, chính sách phù hợp.
Vì VNR lâu nay đã quen cảnh đông người, thậm chí có thời đi đâu, cũng tự hào “ngành tôi có 3 vạn người”. Điều này đúng và chỉ phù hợp để nói ở thời mà Đường sắt vẫn hoàng kim, còn giờ đây đông “quân” chắc gì đã mạnh. Vì thế, việc quyết liệt làm tinh gọn bộ máy trong bối cảnh hiện nay được nhiều người ví như một sự “giải phóng cơ thể” Đường sắt. Một “cơ thể” nhiều năm nay rất nặng nề chậm chạp, muốn thay đổi để phát triển nhanh hơn.
Nhiều Giám đốc đơn vị sẽ làm gì?
Theo kế hoạch, 5 Xí nghiệp đầu máy thuộc VNR sẽ sắp xếp lại thành 3 Xí nghiệp. Hiện tại, mỗi Xí nghiệp lớn như Hà Nội và Sài Gòn, cơ cấu tổ chức gồm có một Giám đốc và ba Phó Giám đốc (phụ trách:vận tải, kỹ thuật…). Trong mỗi Xí nghiệp này có từ 6 - 7 đơn vị cấp phòng (tổ chức hành chính, tài chính kế toán, kế hoạch vật tư, an toàn bảo vệ…) và nhiều phân xưởng, trạm.
Như vậy, sau khi thu gọn đầu mối, một số Giám đốc Xí nghiệp có thể không còn là Giám đốc, và một số Phó Giám đốc cũng sẽ không có chức dành này… Dù biết sẽ động chạm tới quyền lợi của cá nhân nhưng vì đại cục, VNR sẽ quyết tâm tái cơ cấu.