Tái cơ cấu EVN: Loạt doanh nghiệp dịch vụ mới sắp “chào sân”…

(PLO) - Khối doanh nghiệp dịch vụ điện khi đi vào hoạt động sẽ làm cho thị trường điện thêm phần “xôm tụ”. Ngành này vì thế sẽ thêm nguồn thu, còn khách hàng thì có nhiều sự lựa chọn…
Đến thời điểm này, EVN đã thành lập được 3 công ty dịch vụ điện tại EVNNPT, EVNHANOI, EVNHCMC
Đến thời điểm này, EVN đã thành lập được 3 công ty dịch vụ điện tại EVNNPT, EVNHANOI, EVNHCMC

Hiện tại, EVN đang rốt ráo để 3 Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Trung và Nam tới đây sẽ tách bạch hoạt động dịch vụ ra khỏi hoạt động sản xuất, kinh doanh điện năng.

“Xóa” tên Công ty Lưới điện cao thế?

Đơn vị đi đầu trong việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành Điện được nhắc tới đó là Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), khi giữa năm ngoái đã chính thức loan báo về sự hiện diện của Công ty Dịch vụ Kỹ thuật truyền tải điện trong bộ máy tổ chức của “Tổng” này.

Người trong ngành Điện gọi tắt doanh nghiệp đó là NPTS, nhưng thực tế đơn vị này phải cung cấp nhiều dịch vụ cho cả hệ thống truyền tải điện như: Lắp đặt, thí nghiệp, sửa chữa, hiệu chỉnh, xử lý sự cố….

Sự tách giữa bạch khâu dịch vụ và khâu vận hành lưới điện lúc đầu cũng đối mặt không ít khó khăn, do người lao động chưa được đã thông về tư tưởng, quyền lợi…, nhưng sau một thời gian vận hành, NPTS đã chứng minh sự xuất hiện của mình là cần thiết trong quá trình tái cơ cấu lại lĩnh vực truyền tải điện như đã nêu.

“Sự rạch ròi giữa hai khối này góp phần nâng cao chất lượng công tác vận hành của hệ thống truyền tải điện Quốc gia, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động cho tổng công ty”, Chủ tịch EVNNPT Đặng Phan Tường nói khi NPTS bắt đầu cho “ra lò” những sản phẩm đầu tiên.

Đối với khối kinh doanh, phân phối điện năng - tức các Tổng công ty Điện lực miền, việc sắp xếp tổ chức và lựa chọn mô hình cho sự ra đời các Công Dịch vụ Điện lực có phần phức tạp hơn, nhưng tất cả cũng đều vì “đích ngắm” cuối cùng là nâng cao hiệu quả kinh doanh trước những đỏi hỏi mới của thị trường bán buôn điện cạnh tranh.   

Trao đổi với PLVN về vấn đề này, Chủ tịch EVN Dương Quang Thành nói, hiện 3 Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Trung và Nam đều đang có các Công ty Lưới điện cao thế; dự kiến, trong tương lai đây sẽ là lực lượng nòng cốt hình thành nên các Công ty Dịch vụ Điện lực trực thuộc các tổng công ty miền trong thời gian tới.

“Tập đoàn đã giao cho 3 tổng công ty nghiên cứu mô hình hoạt động theo hướng đổi tên các Công ty Lưới điện cao thế thành Công ty Dịch vụ Điện lực, sau khi chuyển phần việc liên quan công tác vận hành lưới điện cho các Công ty Điện lực ở địa phương”, lời ông Thành.

Ngoài ra, người đứng đầu ngành Điện cũng kỳ vọng việc tái cơ cấu, sắp xếp lại hoạt động của các doanh nghiệp lần này sẽ là tiền đề quan trong để Tập đoàn “gọn, nhẹ” bộ máy trong vòng 3 - 5 năm tới, với mục tiêu giảm hàng ngàn lao động.

Chủ tịch EVN Dương Quang Thành: "Đầu năm 2019, Công ty Dịch vụ Điện lực miền Bắc sẽ ra mắt và hoạt động"
Chủ tịch EVN Dương Quang Thành: "Đầu năm 2019, Công ty Dịch vụ Điện lực miền Bắc sẽ ra mắt và hoạt động"

Sẽ thi tuyển lãnh đạo

Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) là đơn vị đang xúc tiến các thủ tục cần thiết để hình thành Công ty Dịch vụ Điện lực miền Bắc, với kế hoạch doanh nghiệp này sẽ chính thức “ra sân” từ ngày 1/1/2019.

Cách làm của EVNNPC cũng như định hướng của Tập đoàn, đó là chuyển nhiệm vụ quản lý lưới điện 110 kV từ Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc về 27 Công ty Điện lực địa phương. Một bộ phận còn lại sẽ tham gia hoạt động của Công ty Dịch vụ Điện lực miền Bắc, với các nhiệm vụ chính như: phát triển công tơ mới, các dịch vụ điện sau công tơ; tư vấn thiết kế, xây lắp điện, đại tu, sửa chữa lớn…

“Trước đây, 80% khối lượng sửa chữa lớn liên quan đường dây 110 kV như sơn cột, sửa các thiết bị hỏng hóc đều phải thuê ngoài thông qua đấu thầu. EVNNPC chỉ làm được những việc nhỏ liên quan sửa chữa thường xuyên. Tới đây, khi tách khối dịch vụ ra thành lập công ty hoạt động trong lĩnh vực này, thì chắc chắn 80% công việc trên sẽ thuộc về Công ty Dịch vụ Điện lực miền Bắc”, ông Thiều Kim Quỳnh - Chủ tịch EVNNPC khẳng định.

Cũng theo vị dại diện EVNNPC, sự ra đời khối dịch vụ không chỉ tạo nên sự bài bản, chuyên nghiệp trong hoạt động của các khối khác nhau trong tổng công ty mà quan trọng là sẽ gia tăng được nguồn thu cho đơn vị.

 “Đến khi đó, yếu tố dịch vụ thực sự phải là dịch vụ. Bởi những sản phẩm mà doanh nghiệp này cung cấp ra thị trường sẽ nhiều hơn, và thị trường chính là người “cho điểm” đơn vị cung cấp dịch vụ trong tương lai”, ông Quỳnh nói.

Theo đó, EVNNPC dự kiến bộ khung ban đầu của công ty này sẽ là 20 người, trong đó sẽ có một vị trí Phó Giám đốc được lựa chọn thông qua hình thức thi tuyển.

“Khi đã tính có doanh thu từ việc làm dịch vụ, thì cần phải có chỗ cho những người tài và nhiều kinh nghiệm. Các Trưởng phòng cũng phải chọn từ những người trẻ, có trình độ để khi ráp vào là có thể “chạy” được ngay”, lời ông Quỳnh.

Hàng ngàn công nhân lưới điện cao thế sẽ về đâu?

Với đặc thù của đơn vị, trước đó trao đổi với PLVN, Chủ tịch EVNNPC Thiều Kim Quỳnh cho hay, để phục vụ việc ra đời của doanh nghiệp dịch vụ, “Tổng” này dự kiến đề xuất phương án chuyển 300/2.400 lao động từ Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc về 2 Ban quản lý dự án của EVNNPC sau khi điều tiết thêm khối lượng công việc cho 2 đơn vị này.

Hơn 2.000 người còn lại tại 27 Chi nhánh Lưới điện cao thế ở các địa phương sẽ được nhập vào các Công ty Điện lực các tỉnh, làm nhiệm vụ phụ trách lưới điện 110 kV ở địa phương.

Đọc thêm