Kim ngạch xuất khẩu còn lệ thuộc doanh nghiêp FDI
Năm 2022, xuất nhập khẩu đã ghi nhận nhiều cột mốc lịch sử khi lần đầu tiên tổng kim ngạch thương mại vượt 700 tỷ USD, bên cạnh đó là con số xuất siêu khoảng 10 tỷ USD, nhiều ngành hàng bước vào các “câu lạc bộ tỷ USD và chục tỷ USD”. Đáng ghi nhận hơn khi tổng kim ngạch xuất khẩu của nhiều quốc gia giảm mạnh thì tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương), mặc dù kim ngạch xuất khẩu tương đối lớn nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro vì nhiều mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn đều là mặt hàng của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI). Trong khi đó, giá trị gia tăng hay sự tham gia của Việt Nam vào chuỗi cung ứng xuất khẩu của DN FDI tương đối thấp, nhất là về công nghệ mặc dù khi vào đầu tư vào Việt Nam, DN FDI đều cam kết hoạt động đầu tư có hỗ trợ với sự tham gia từ nội địa nhưng tỷ lệ vô cùng thấp.
Dẫn số liệu trong 4 tháng đầu năm 2023, từ sự suy giảm xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI đã kéo giảm xuất khẩu của cả nước, TS Nguyễn Văn Hội cho rằng: “Đã đến lúc nhìn vào con số thực tế kim ngạch xuất khẩu và giá gia tăng trong kim ngạch xuất khẩu đó, cần tập trung vào mặt hàng Việt Nam có giá trị cao, như mặt hàng công nghiệp chế biến, những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế”.
Được biết, tại dự thảo thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Công Thương đang được lấy ý kiến, Bộ Công Thương cũng đã đưa ra mục tiêu “hình thành và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN công nghiệp nội địa, đặc biệt là các DN công nghiệp quy mô lớn trong các ngành công nghiệp có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, đóng vai trò dẫn dắt phát triển ngành. Nâng cao năng khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các DN công nghiệp vừa và nhỏ. Tăng cường kết nối kinh doanh, liên kết giữa các DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ với các DN lớn, đa quốc gia”.
Có thể thấy, việc nhìn nhận vấn đề trong chuyển giao công nghệ giữa khối DN FDI và DN trong nước đã được đưa ra nhiều lần nhưng vẫn chưa có giải pháp cụ thể về vấn đề này. Do đó, lãnh đạo Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương cho rằng, cần xây dựng quy định ràng buộc hơn nữa trong chuyển giao công nghệ và thực hiện các cam kết khi tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam.
Cần hình thành những doanh nghiệp “sếu đầu đàn”
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, tái cơ cấu ngành Công Thương không phải chỉ là việc riêng của ngành Công Thương mà là của cả nền kinh tế. TS Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, cần phải hiểu tái cơ cấu là một trong nhiều cách thức tiến tới mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, do đó, vai trò của các DN “sếu đầu đàn” trong quá trình tái cơ cấu rất quan trọng.
TS.Tô Hoài Nam đánh giá, trong những năm gần đây đã xuất hiện nhiều DN đầu đàn trong ngành ô tô, thủy sản, dệt may… chủ yếu là DN ở khu vực tư nhân nhờ Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân. “Tôi tin rằng trong tương lai gần nếu chúng ta duy trì được điều này sẽ xuất hiện nhiều hơn các DN có vai trò dẫn dắt” - TS Nam nói.
Bên cạnh đó, theo TS Tô Hoài Nam, cần phải lưu ý, nỗi lo của DN hiện nay là tiếp cận vốn và tiếp cận mặt bằng sản xuất vẫn còn muôn vàn khó khăn. Do đó, cần phải đặt trọng tâm các vấn đề cần giải quyết để thực thi hiệu quả, từ đó mới xây dựng được những DN tư nhân lớn, có vai trò dẫn dắt.
TS Nguyễn Văn Hội cũng cho rằng, trong quá trình phát triển phải dựa vào kinh tế tư nhân, tự hình thành DN “sếu đầu đàn”. “Dựa vào “sếu đầu đàn” FDI không khả thi. Cần nhìn nhận rõ ràng điều này để thấy trong quá trình tái cơ cấu cần xây dựng DN tư nhân trong nước thực sự là “sếu đầu đàn” trong nắm bắt khoa học công nghệ để dẫn dắt khối DN trong nước” - TS Hội nói.
TS Hội lưu ý thêm: “Quan điểm của tôi là cần xây dựng các DN “sếu đầu đàn” là DN tư nhân Việt Nam (có thể liên doanh với DN nước ngoài) làm chủ mới bền vững. Đồng thời tái cơ cấu lại DN nhà nước để mang lại sự cạnh tranh bình đẳng với DN khác trong giai đoạn tới”.