Phí trước bạ lần đầu – chỉ thu một lần
Khoản 7 và khoản 8 Điều 7 của Dự thảo bổ sung trường hợp để xác định mức lệ phí trước bạ đối với tài sản đã được miễn lệ phí trước bạ và tài sản tịch thu.
Cụ thể, Dự thảo bổ sung khoản 7 như sau: “Tổ chức, cá nhân đã được miễn hoặc không phải nộp lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sở hữu ô tô, xe máy, nếu chuyển nhượng cho các tổ chức, cá nhân khác hoặc chuyển mục đích sử dụng mà không thuộc diện được miễn lệ phí trước bạ theo quy định thì tổ chức, cá nhân đăng ký quyền sở hữu ô tô, xe máy nộp lệ phí trước bạ với mức thu lần đầu”.
Dự thảo cũng bổ sung khoản 8: “Tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng tài sản tịch thu là ô tô, xe máy theo quy định của pháp luật mà ô tô, xe máy tịch thu có đăng ký quyền sở hữu trước đó thì tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng khi đăng ký quyền sở hữu ô tô, xe máy nộp lệ phí trước bạ với mức thu lần thứ 2 trở đi.
Tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng tài sản tịch thu là ô tô, xe máy theo quy định của pháp luật mà ô tô, xe máy tịch thu không có đăng ký quyền sở hữu trước đó thì tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng khi đăng ký quyền sở hữu ô tô, xe máy nộp lệ phí trước bạ với mức thu lần đầu”.
Theo các chuyên gia, đây là quy định hết sức cần thiết nhằm giải quyết những trường hợp phát sinh trên thực tế. Tuy nhiên, các quy định này vẫn chưa thực sự xử lý hết được các vấn đề.
Ví dụ, một chiếc xe được công ty A đăng ký lần đầu và đã nộp lệ phí trước bạ 10%. Công ty A bán xe cho ông B là trường hợp được miễn lệ phí trước bạ. Ông B lại bán xe cho bà C là trường hợp phải nộp lệ phí trước bạ. Lúc này, nếu theo quy định của khoản 7 Điều 7 Dự thảo thì bà C sẽ phải nộp lệ phí trước bạ lần đầu, mức 10%. Như vậy, cùng một chiếc xe đã phải nộp lệ phí trước bạ hai lần ở mức 10%.
Còn khoản 8 Điều 7 đã phân biệt theo hướng, xe đã đăng ký lần đầu thì khi bị tịch thu rồi bán lại thì sẽ nộp ở mức lần thứ 2, xe chưa đăng ký lần đầu thì phải nộp ở mức thu lần đầu. Tuy nhiên, quy định này lại chưa nói rõ làm thế nào để xác định được một chiếc xe đã đăng ký lần đầu hay chưa, điều này có thể gây tranh chấp giữa cơ quan thuế và người nộp lệ phí.
“Đề nghị cơ quan soạn thảo thiết kế quy định theo hướng nguyên tắc như sau: “Mỗi ô tô, xe máy chỉ chịu lệ phí trước bạ với mức thu lần đầu một lần duy nhất”. Đi kèm với đó, cũng cần bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan đăng ký phương tiện trong việc thông báo cho cơ quan thuế về việc phương tiện đăng ký lần đầu hay lần thứ 2 trở đi” – văn bản của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gửi Bộ Tài chính góp ý Dự thảo này nêu rõ.
Những trường hợp cần miễn lệ phí trước bạ
Trong số các ý kiến chuyên gia góp ý dự thảo đã được VCCI tổng hợp, cũng như ý kiến của nhiều bạn đọc chia sẻ với PLVN thì cơ quan soạn thảo cần xem xét nghiên cứu bổ sung một số trường hợp miễn lệ phí trước bạ. Cụ thể, xe buýt nói chung hiện là loại hình giao thông công cộng cần được khuyến khích, không chỉ xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch. Do đó, đề nghị miễn toàn bộ lệ phí trước bạ đối với xe buýt.
Đối với lệ phí trước bạ liên quan đến việc đăng ký sở hữu căn hộ mới trong dự án cải tạo chung cư cũ, nhiều người cho rằng, hiện nay, việc cải tạo các chung cư cũ đang được Nhà nước khuyến khích, tuy nhiên một trong những vấn đề khó khăn là các chủ căn hộ tại các chung cư cũ chưa đồng thuận về việc thực hiện các dự án này. Đối với những trường hợp này, căn hộ cũ đã bị phá huỷ để phục vụ cho việc xây căn hộ mới, do đó, cần nghiên cứu miễn lệ phí trước bạ khi chủ sở hữu cũ đăng ký sở hữu căn hộ mới.
Tương tự, liên quan đến thanh lý xe hết hạn, Nghị định 86/2014/NĐ-CP hiện nay quy định ô tô sử dụng để kinh doanh phải có niên hạn xác định. Hết thời hạn đó, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải buộc phải chuyển nhượng xe cho người khác để sử dụng vào các mục đích không kinh doanh. Đây là trường hợp pháp luật bắt buộc phải chuyển nhượng, chứ không phải theo ý muốn của chủ sở hữu, do đó, không nên thu lệ phí trước bạ.