Tái hiện Văn hóa Trầu cau Việt Nam

Bảo tàng Lịch Sử Quốc gia phối hợp với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và nhà sưu tập Thành Hải Dương hôm qua khai mạc triển lãm “Văn hóa Trầu cau Việt Nam” tại số 1 Tràng Tiền.

Bảo tàng Lịch Sử Quốc gia phối hợp với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và nhà sưu tập Thành Hải Dương hôm qua khai mạc triển lãm “Văn hóa Trầu cau Việt Nam” tại số 1 Tràng Tiền.

Với mục đích gìn giữ những nét đẹp truyền thống của văn hóa dân tộc, Bảo tàng Lịch sử Quốc tổ chức trưng bày chuyên đề "Văn hóa Trầu cau Việt Nam" với 3 chủ đề chính: Tục ăn trầu và giá trị của văn hóa trầu cau ở Việt Nam với các nội dung: Nguồn gốc tục ăn trầu của Việt Nam; Tục ăn trầu của một số dân tộc ít người tại Việt Nam và Bảo tồn giá trị văn hóa Trầu cau Việt Nam.

Khoảng 100 hiện vật, tài liệu, hình ảnh tiêu biểu đuợc lựa chọn giới thiệu trong trưng bày. Những hiện vật có niên đại từ Thời Lý trở về sau gồm: bình vôi, ống vôi, ống nhổ, dảo bổ cau, têm trầu, khay trầu, cơi trầu, âu trầu, giỏ trầu, túi trầu, hộp trầu thuốc, cỗi giã trầu, xà tích….

Bộ đồ ăn trầu của tầng lớp quý tộc thuộc bộ sưu tập cung đình triều Nguyễn là những cổ vật quý với các chất liệu vàng, bạc, ngọc… được tạo dáng, trang trí độc đáo, cầu kỳ, tinh xảo, bồ đồ ăn trầu bình dân lại được tạo tác đơn giản, bằng những chất liệu dễ kiếm như tre, gỗ, đồng, gốm, vải…

Bình vôi quai buồng cau
Bình vôi quai buồng cau

Một số hình ảnh, video, bài viết về nguồn gốc tục ăn trầu ở Việt Nam, về các tiêm trầu, nhai trầu và những nét đẹp của văn hóa trầu cau trong giao tiếp ứng xử, trong việc hiếu nghĩa, trong tình yêu đôi lứa, tình nghĩa vợ chồng, trong các nghi lễ cưới hỏi, thờ cúng… sẽ giúp du khách hiểu rõ hơn những khía cạnh văn hóa của tục ăn trầu ở Việt Nam.

Trưng bày “Văn hóa Trầu cau Việt Nam” kéo dài đến hết tháng 1/2013.

Ăn trầu là một tập tục truyền thống có từ lâu đời và phổ biến ở nhiều quốc gia châu Á và châu Đại Dương, trong một khu vực địa lý rộng lớn từ Nam Á về phía đông sang Thái Bình Dương, từ Đông Nam Á lên phía bắc tới Đài Loan, Nam Trung Quốc.

Tại Việt Nam, tương truyền tục ăn trầu có từ thời Hùng Vương và gắn liên với câu chuyện cổ tích nổi tiếng: Chuyện Trầu Cau. Với người Việt Nam, ăn trầu không chỉ đơn thuần chỉ là một thói quen, một tập tục mà còn là yếu tố cấu thành nên những giá trị văn hóa truyền thống. Trầu cau vừa là biểu hiện phong cách Việt Nam, vừa thể hiện tình cảm dân tộc độc đáo.

Miếng trầu là đầu câu chuyện, là sự khơi mở tình cảm khiến người với người gần gũi, cở mở với nhau hơn. Trầu cau không chỉ là lễ vật khởi đầu trong các nghi lễ truyền thống như: tế tự, tang ma, cưới hỏi…mà còn là biểu tượng của tình yêu đôi lứa, vợ chồng…

T.A.