Tái khởi động nền kinh tế hậu Covid-19: Phát huy lợi thế của nước đi trước

(PLVN) - Với việc khống chế thành công dịch Covid-19, Việt Nam đang có lợi thế  của nước đi trước. Làm thế nào để tận dụng lợi thế này để khôi phục kinh tế và bứt phá trong bối cảnh thế giới đang có nhiều thay đổi? PLVN giới thiệu ý kiến của các chuyên gia về chủ đề này.

Nương theo bước đi của thế giới để nắm bắt cơ hội

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Chính phủ Việt Nam xác định rất trúng: Chống dịch xong sớm thì sản xuất được khôi phục sớm, nền kinh tế sẽ thoát sớm khỏi điểm sinh tử để hồi phục dần.

 

Chỉ có điều khó khăn là nếu một mình Việt Nam thoát dịch thì vẫn chưa giải quyết được vấn đề. Nền kinh tế Việt Nam có độ liên quan quá lớn vào thị trường thế giới. Nghĩa là Việt Nam phải tính các bước đi phục hồi của kinh tế thế giới, nương theo để nắm bắt cơ hội, để tìm cách bứt phá trước…

Những bài học cho Việt Nam rất rõ: Phải tiếp cận công nghệ hiện đại, tạo lập liên minh, bám sát các tập đoàn công nghệ lớn chứ không chỉ chú trọng đối tác – quốc gia; phải lành mạnh hóa thị trường để doanh nghiệp (DN) trong nước lớn lên, có thực lực hợp tác, cạnh tranh quốc tế. Việt Nam phải giúp các DN nội địa lớn lên, nhất là khối DN của tư nhân. 

Tôi cũng nhấn mạnh đến 2 chiến lược quan trọng, 2 chiến lược “trục” của Việt Nam: Chiến lược khoa học công nghệ và chiến lược phát triển lực lượng DN. Khoa học công nghệ phải là trục của chiến lược phát triển kinh tế, chứ không phải là ngành được xếp vào ngạch VHXH như hiện nay. Còn về phát triển lực lượng DN, có thể nói lâu nay ta chỉ quan tâm phát triển số lượng DN. Ít ai, kể cả Chính phủ, quan tâm đến chất lượng và sức mạnh liên kết của DN với tư cách là một lực lượng…

Mức độ khẩn trương, quyết liệt giữa các bộ, ngành không đồng đều

TS.Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW (CIEM): Thực trạng sản xuất kinh doanh và kinh tế vĩ mô của đất nước đã chuyển sang trạng thái mới và khác nhiều so với trước đây. Chính phủ đã ưu tiên chống dịch, dập dịch, bảo đảm sức khỏe, sinh mạng người dân. Đồng thời tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, từ đó để ổn định tâm lý và thu phục niềm tin thị trường, người tiêu dùng.

 

Chính phủ đã đồng thời thực hiện các gói hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tăng cường sức chống chịu của DN đối phó và vượt qua được thời kỳ đại dịch khó với gói hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ, cứu trợ lao động thất nghiệp, lao động tạm thời thiếu việc làm, nhóm người thu nhập thấp, dễ bị tổn thương… Đi cùng với đó là thực hiện hàng loạt nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh đối phó với đại dịch Covid-19. 

Các gói giải pháp theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đang được triển khai thực hiện. Đây lại là những hỗ trợ hết sức cần thiết để họ cân đối lại nguồn lực, duy trì sức chống chịu trước tác động nghiêm trọng của đại dịch. Nhưng từ thực tế phản ánh mức độ khẩn trương, quyết liệt trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 11 của Thủ tướng giữa các bộ, ngành là không đồng đều; chưa có các khảo sát, đánh giá (dù là sơ bộ) để xác định đối tượng bị thiệt, mức độ thiệt hại, về mức độ chống chịu của các DN, nhất là DN chịu tác động trực tiếp. Điều đó đang làm chậm lại việc triển khai thực hiện nhiều giải pháp và nguy cơ chúng ta bỏ mất cơ hội của nước đi trước trong cuộc chiến chống dịch bệnh…

Đi trước là một lợi thế không nên bỏ lỡ…

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Chúng ta có 270 bệnh nhân lây nhiễm “Covid y tế” nhưng cả gần 800 ngàn DN và hàng triệu hộ kinh doanh, người dân đang gánh đủ hậu quả của “Covid kinh tế”. Rất nhiều DN, hộ kinh doanh đã phải đóng cửa, giải thể hay thu hẹp quy mô sản xuất và không ít đang trong trạng thái “ngủ đông” và “chết lâm sàng”, tình hình rất nghiêm trọng…

 

Mở cửa sớm thị trường, trước hết là thị trường trong nước - không gian kinh tế mà chúng ta có thể chủ động điều tiết trong bối cảnh dịch bệnh đang được kiểm soát tốt như hiện nay, sẽ giúp cho các DN thực hiện tái khởi động mà trong nhiều trường hợp sẽ không cần đến các “máy trợ thở” về tài chính. Đó phải chăng là cơ hội để nền kinh tế Việt Nam đi trước, đón đầu những cơ hội để phục hồi?

Đi trước là một lợi thế không nên bỏ lỡ. Các nền kinh tế trên thế giới dù đang còn chật vật trong phòng chống dịch bệnh và khống chế lây nhiễm nhưng vẫn đang khẩn trương chuyển trạng thái. Đừng để mất cơ hội khi chúng ta đã đi trước trong phòng chống dịch bệnh nhưng có thể lại là “người đến sau” trong tái khởi động và phục hồi nền kinh tế.

Các cuộc vận động sâu rộng trong những tháng cao điểm  như “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam” của gần 100 triệu dân sẽ là niềm tin và bệ đỡ vững chắc cho những nỗ lực “đứng lên” từ thị trường “trước ngõ, trong nhà mình” của cộng đồng DN Việt Nam. 

Đọc thêm