Chỉ trong 2 ngày 16 - 17/3, trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã xảy ra 2 vụ tai nạn đường sắt làm 2 người tử vong. Thông tin từ Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), trong quý I/2024, cả nước đã xảy ra 46 vụ tai nạn đường sắt, làm chết 21 người và bị thương 25 người. Trong đó, 1 vụ tai nạn rất nghiêm trọng, 18 vụ tai nạn nghiêm trọng và 27 vụ tai nạn ít nghiêm trọng. So sánh cùng kỳ 2023, tai nạn đường sắt giảm cả về số vụ, số người chết, số người bị thương; tuy nhiên các nguyên nhân cố hữu dẫn tới tai nạn vẫn lặp lại.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tai nạn là do người băng qua đường sắt không chú ý tín hiệu cảnh báo khi tàu hoả. Nhiều người còn cố tình băng qua đường sắt trong khi tàu hỏa đang đến gần. Thống kê cũng cho thấy tai nạn tại các lối đi tự mở chiếm đa số (24 vụ tại lối đi tự mở, 8 vụ tại đường ngang có cảnh báo, 1 vụ tại đường ngang có người gác, 13 vụ dọc 2 bên đường sắt).
Theo Cục Đường sắt Việt Nam, có tới gần 50% vụ tai nạn đường sắt liên quan đến các lối đi tự mở, trong đó có nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Xác định xóa bỏ lối đi tự mở là giải pháp căn cơ để hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để đôn đốc các địa phương, doanh nghiệp.
Trước tình trạng gia tăng các vụ tai nạn giao thông đường sắt, Bộ Giao thông vận tải đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua đề nghị triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt, góp phần phòng ngừa, hạn chế tai nạn giao thông đường sắt; Bố trí kinh phí làm hàng rào, đường gom, xóa lối đi tự mở để bảo đảm tiến độ thực hiện Đề án bảo đảm trật tự hành lang an toàn giao thông và đến năm 2025 xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt theo Quyết định số 358 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế, việc hoàn thành theo đúng lộ trình là rất khó, khi nguồn kinh phí ở các địa phương chưa được khai thông, gỡ khó, cũng như còn tồn tại nhiều vấn đề.
Trả lời trước truyền thông về lộ trình đến năm 2025 sẽ xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở, ông Trần Thiện Cảnh - Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho biết: “Đến thời điểm này, tôi đánh giá chắc chắn không thể thực hiện được. Gần đây Bộ Giao thông vận tải đã báo Chính phủ tiếp tục xin kéo dài thời gian thực hiện. Có một số nguyên nhân, trước hết là do nguồn kinh phí trung hạn 2021 - 2025 bố trí xây dựng đường gom, hàng rào dọc đường sắt, xóa bỏ được lối đi tự mở rất ít, hiện Bộ đang bố trí lồng ghép vào các dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt; còn về phía các địa phương gần như không bố trí được kinh phí thực hiện, nên không triển khai được”.
Số liệu từ Cục Đường sắt Việt Nam cho thấy, toàn mạng lưới đường sắt hiện nay có gần 5.000 vị trí giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt, trong đó đường ngang có cảnh báo (người gác, cần chắn tự động hoặc biển báo, đèn hiệu) chỉ chiếm hơn 30%. Gần 70% còn lại là các lối đi do người dân tự mở. Mặc dù qua 3 năm triển khai Đề án 358 của Thủ tướng Chính phủ đã xóa được gần 2.000 lối đi tự mở, nhưng hiện vẫn còn gần 3.500 vị trí. Con số trên là thách thức không nhỏ trong việc kiểm soát xoá bỏ đường ngang, lối mở dân sinh.
Để giảm thiểu tai nạn đường sắt, ngoài việc đóng những lối đi này lại, cần có các giải pháp đồng bộ từ cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và nhất là ý thức tự giác chấp hành của mỗi người dân.
Theo Nghị định số 65/2018/NĐ-CP của Chính phủ, đến năm 2025 cả nước phải xóa bỏ toàn bộ lối đi tự mở qua đường sắt. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 tập trung giải quyết 3 nội dung: Giải tỏa hành lang vi phạm, xây dựng hàng rào đường gom và xóa bỏ các lối đi tự mở.