Tai nạn lao động 'treo lơ lửng' trên đầu

(PLO) - Theo báo cáo của 63 Sở LĐTB&XH, 06 tháng đầu năm 2016 toàn quốc đã xảy ra 323 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) chết người. Mới đây ngày 13/10, tại Hà Nội, giàn giáo công trình xây dựng tổ hợp văn phòng và nhà ở, tên thương mại Eco Green Tower (quận Hoàng Mai) bị sập khiến 2 người chết, 4 người bị thương. 
Doanh nghiệp  và người lao động có ý thức đảm bảo an toàn lao động sẽ hạn chế các nguy cơ gây tai nạn lao động.
Doanh nghiệp và người lao động có ý thức đảm bảo an toàn lao động sẽ hạn chế các nguy cơ gây tai nạn lao động.

Đáng nói đây là công trình này có quy mô xây dựng dự kiến 28 tầng nhưng đang thi công đến tầng 6 thì gặp sự cố, nghĩa là TNLĐ có thể xảy ra trong bất kỳ quá trình sản xuất, thi công nào khi có sự bất cẩn hay không chấp hành đầy đủ các quy định về an toàn lao động. Và thực tế, điều này vẫn đang diễn ra dù đã có các quy định đảm bảo an toàn lao động và nỗ lực tuyên truyền.

TNLĐ là tại “cả đôi bên” 

Hàng năm, theo báo cáo thống kê số vụ TNLĐ với số người chết không nhỏ nhưng thực tế những vụ TNLĐ không được vào sổ sách còn cao hơn nhiều vì tình trạng người sử dụng lao động (NSDLĐ) “ỉm” thông tin để tránh những rắc rối và trách nhiệm, trừ khi đó là tai nạn gây hậu quả lớn, chết người. Còn người lao động (NLĐ) thì phần lớn không biết đường nào mà yêu cầu bồi thường và nếu biết nhiều khi cũng đành chấp nhận những thỏa thuận bồi thường của người sử dụng lao động (NSDLĐ) để giữ “cần câu cơm”, nhất là những lao động không được ký hợp đồng. 

Hậu quả của TNLĐ rất rõ ràng và chia đều cho cả NLĐ và NSDLĐ. Tổn hại nhìn thấy là tính mạng, sức khoẻ, thu nhập của NLĐ. Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương, thiệt hại về vật chất do TNLĐ xảy ra trong 06 tháng đầu năm 2016 (chi phí tiền thuốc men, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương,...) là 46,42 tỷ đồng, thiệt hại về tài sản là 3,4 tỷ đồng. Tổng số ngày nghỉ do TNLĐ lên đến 43.407 ngày.

Nếu người bị TNLĐ là trụ cột gia đình thì mức độ tổn hại còn gấp nhiều lần, thậm chí có thể đẩy gia đình vào tình trạng đói nghèo và gây ra những hệ lụy xã hội, mà trước hết là cho hệ thống an sinh xã hội. Còn NSDLĐ cũng phải chịu các chi phí y tế, giám định thương tật, bồi thường, trợ cấp cho người bị TNLĐ… Nghiêm trọng hơn thì có thể phải gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh để phục vụ hoạt động điều tra nguyên nhân tai nạn, khắc phục hậu quả…

Qua 74 biên bản điều tra (76 người chết) 6 tháng đầu năm, Bộ LĐTB&XH nhận định những lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều TNLĐ chết người là xây dựng (chiếm 21,6% tổng số vụ tai nạn và 22,3% tổng số người chết); khai thác khoáng sản (chiếm 18,3% tổng số vụ và 17,6% tổng số người chết); cơ khí chế tạo (chiếm 13,5 % tổng số vụ và 11,8% tổng số người chết); nông, lâm nghiệp (chiếm 12,8,% tổng số vụ tai nạn và 11,8% tổng số người chết); dệt may, da giầy (chiếm 9,4% tổng số vụ và 10,5% tổng số người chết).

Các nguyên nhân chủ yếu để xảy ra TNLĐ chết người đã được chỉ ra từ rất lâu song đến nay vẫn chưa có sự cải thiện. Nguyên nhân do người sử dụng lao động (chiếm 47,2%), cụ thể: không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm 24,3% tổng số vụ; không huấn luyện an toàn lao động cho NLĐ chiếm 8,1% tổng số vụ; Thiết bị không đảm bảo an toàn lao động chiếm 10,8% tổng số vụ; do tổ chức lao động chiếm 4,0% tổng số vụ. Cùng với đó là nguyên nhân từ NLĐ (chiếm 22,9%) vi phạm quy trình, nội quy an toàn lao động chiếm 18,9% tổng số vụ; không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân chiếm 4,0% tổng số vụ. Còn lại 29,9% xảy ra do các nguyên nhân khách quan khác nhau.

“Nói không nghe thì phải dùng biện pháp mạnh”

Công tác tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và NLĐ luôn được tiến hành thường xuyên. Tuy nhiên, từ 3 nguyên nhân chủ yếu của NSDLĐ để xảy ra TNLĐ 6 tháng đầu năm cho thấy, phần lớn các chủ doanh nghiệp, nhất là các chủ doanh nghiệp nhỏ lẻ vẫn chưa thực hiện nghiêm túc vấn đề an toàn lao động vì một lý do là “tiết giảm chi phí” và các khoản bảo hiểm, trách nhiệm cho NLĐ chứ không hẳn là không hiểu biết quy định pháp luật về vấn đề này. 

Đại diện nhiều Sở LĐTB&XH cùng nhận định, để tình trạng NSDLĐ trốn tránh thực hiện các quy định về an toàn lao động, gây TNLĐ là do công tác quản lý nhà nước về an toàn lao động chưa phát huy hết hiệu quả, đặc biệt là số cuộc thanh tra, kiểm tra còn quá ít. Nhiều chuyên gia đã nhận định, công tác thanh kiểm tra về an toàn lao động chỉ như “muối bỏ bể” vì lực lượng chức năng quá mỏng so với quy mô và tần suất hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay. Cơ chế kiểm tra, giám sát không theo kịp thực tế; biện pháp xử lý vi phạm không đủ mạnh, doanh nghiệp xem thường công tác bảo hộ lao động, huấn luyện định kỳ về an toàn lao động sơ sài, mang tính đối phó...

Bên cạnh đó, NLĐ, nhất là những NLĐ thời vụ, không ký hợp đồng chưa được huấn luyện một cách có hệ thống về an toàn lao động, chưa được đào tạo bài bản về nghề nghiệp, chủ quan… nên thường bỏ qua việc thực hiện các quy định về an toàn lao động.

TNLĐ gây hậu quả nghiêm trọng nhưng đa số có thể phòng, tránh nếu thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các quy định về an toàn lao động. Như vậy, ý thức của NSDLĐ và NLĐ trong vấn đề này là rất quan trọng. Do vậy, nhiều chuyên gia quyết liệt kiến nghị các ngành chức năng tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để chấn chỉnh việc thực hiện quy định an toàn vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp để hạn chế số vụ TNLĐ, bảo vệ được quyền lợi của NLĐ nếu chẳng may có tai nạn xảy ra. Đồng thời, kiểm tra công tác huấn luyện an toàn lao động cho NLĐ. 

Mỗi NLĐ cũng phải tự giác chấp hành các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, nhất là với những công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại hoặc tiếp cận với các loại máy, thiết bị, vật tư, kiên quyết từ chối làm việc nếu thấy điều kiện làm việc không bảo đảm an toàn. Ngoài ra, cần chế tài mạnh và xử lý kiên quyết những doanh nghiệp không chấp hành các quy định về an toàn lao động, nhất là những NSDLĐ chạy theo lợi nhuận mà vô trách nhiệm với tính mạng, sức khỏe của NLĐ, che giấu TNLĐ, để xây dựng ý thức chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, giảm những nguy cơ tiềm ẩn xảy ra TNLĐ và bệnh nghề nghiệp.

Để chủ động phòng ngừa và hạn chế TNLĐ trong thời gian tới, Bộ LĐTB&XH đề nghị các bộ, ngành chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc ngành và lĩnh vực quản lý chủ động kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động; phối hợp với Bộ LĐTB&XH tiến hành rà soát, kiểm tra, thanh tra các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động. Đặc biệt chú ý các doanh nghiệp có nguy cơ cao xảy ra TNLĐ, sự cố nghiêm trọng như: xây dựng, khai thác khoáng sản, hóa chất...

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương điều tra và xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ TNLĐ, đặc biệt là những vụ nghiêm trọng theo đúng quy định của pháp luật để kịp thời giải quyết chế độ cho NLĐ bị TNLĐ cũng như có biện pháp khắc phục những nguyên nhân xảy ra TNLĐ. Khẩn trương triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động theo Luật An toàn, vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn; tăng cường tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với từng lĩnh vực và ngành nghề, cụ thể ưu tiên việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động cho NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động. Tổ chức hướng dẫn UBND cấp xã, cấp huyện trong việc thống kê, báo cáo TNLĐ đối với người làm việc không theo hợp đồng lao động.

Các doanh nghiệp tăng cường triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động, chú trọng đến các hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm có hại tại doanh nghiệp; bố trí, tổ chức bộ phận làm công tác an toàn, vệ sinh lao động là những người có kinh nghiệm, hiểu biết về an toàn, vệ sinh lao động; xây dựng nội quy, quy trình làm việc bảo đảm an toàn của thiết bị và nơi làm việc; trang bị đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ; kiểm định máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động theo quy định.

TNLĐ là nỗi đau lớn nhất, để lại hậu quả cho cả NLĐ và xã hội. Vì thế, phòng chống TNLĐ là việc cần làm của các cơ quan chức năng, NSDLĐ và cả NLĐ để có môi trường lao động an toàn và đẩy lùi vấn nạn gây nhiều hệ lụy này.

Theo báo cáo của 63 tỉnh, TP trên cả nước trong 06 tháng đầu năm 2016, ngoài một số vụ TNLĐ nghiêm trọng làm chết, bị thương nhiều người đang trong quá trình điều tra nên chưa có hình thức xử lý, có 05 vụ được chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra và Viện kiểm sát nhân dân đề nghị khởi tố; trong đó có 03 vụ đã khởi tố vụ án, cụ thể:

- Đoàn điều tra TNLĐ tỉnh Quảng Ninh đã chuyển hồ sơ vụ TNLĐ do sạt lở tầng xảy ra vào 11h00 ngày 8/5/2016 làm 02 người chết tại công trường khai thác 2, Công ty Cổ phần Than Cao Sơn, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra TP Cẩm Phả xem xét khởi tố vụ án hình sự do đã vi phạm quy định về an toàn lao động, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với vụ tai nạn theo quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự.

- Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với vụ tai nạn sập giàn giáo xảy ra vào 18h30 ngày 09/01/2016 làm 04 người chết tại công trường thi công Suối Quanh, bản Tà Pán, xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa do “Vi phạm các quy định về an toàn lao động gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 227 Bộ luật Hình sự.

- Vụ tai nạn do sạt lở vách đá xảy ra vào 10h30 ngày 22/01/2016 làm 08 người chết tại mỏ đá của Doanh nghiệp TNHH Tuấn Hùng, xã Yên Lâm, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án hình sự đối với vụ tai nạn theo quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự.

Đọc thêm