Địa phương muốn mô hình đô thị sân bay
Theo Quyết định số 236/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, cảng hàng không Quảng Trị là một trong 28 cảng hàng không nội địa đưa vào khai thác giai đoạn từ năm 2020 - 2030 với quy mô hàng không dân dụng cấp 4C, diện tích sử dụng đất 312ha. Tuy nhiên đến nay, quy hoạch sân bay này vẫn chưa được thực hiện xong.
Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã gửi Tờ trình số 2946 lên Bộ GTVT về việc phê duyệt quy hoạch cảng hàng không Quảng Trị giai đoạn đến năm 2030. Sau khi xem xét tờ trình này, Bộ GTVT cho biết, diện tích quy hoạch tổng thể cảng hàng không Quảng Trị là hơn 594ha, trong đó bao gồm diện tích quy hoạch công trình hàng không là hơn 316ha, diện tích đất dự phòng cho phát triển sau năm 2030 là hơn 278ha.
Bộ GTVT nhận thấy, việc Cục Hàng không Việt Nam đề xuất phạm vi và diện tích đất dự phòng cho phát triển cảng hàng không sau năm 2030 là chưa đủ cơ sở xem xét, phê duyệt. Do vậy, Bộ GTVT đề nghị Cục Hàng không VN rà soát, nghiên cứu và xem xét lại nội dung đề xuất diện tích đất dự phòng cho phát triển cảng hàng không cho phù hợp.
Theo tìm hiểu của PLVN, nguyên nhân Bộ GTVT cho rằng phạm vi, diện tích đất dự phòng cho phát triển cảng hàng không Quảng Trị sau năm 2030 là chưa đủ cơ sở là vì diện tích đề xuất quá rộng, gần bằng diện tích xây dựng sân bay.
Trao đổi với PLVN, ông Lê Đức Tiến - Giám đốc Sở GTVT Quảng Trị - cho biết, quan điểm lúc đầu của địa phương là ngoài việc xây dựng hạ tầng sân bay, Quảng Trị muốn xây dựng mô hình đô thị sân bay, tức phát triển sân bay thành trung tâm thương mại lớn, nơi triển lãm các sản phẩm quốc gia; trung tâm hội nghị, văn phòng đại diện… “Mô hình này ở nước ngoài đã có, tuy nhiên ở Việt Nam thì chưa”, ông Tiến nói và cho biết, đây là ý tưởng để phát triển cho tương lai sau này, tuy nhiên hiện nay ở Việt Nam vấn đề này chưa đưa vào Luật Hàng không nên đề xuất trên chưa có cơ sở. “Bởi vậy, Bộ GTVT đề nghị phần đất dự phòng trên giao lại cho chủ đất, để địa phương quản lý” - lời ông Tiến.
Cũng theo ông Tiến, nội dung chính Bộ GTVT yêu cầu rà soát lại quy hoạch sân bay Quảng Trị là giảm diện tích đất dự phòng. Lãnh đạo Sở GTVT Quảng Trị cho biết thêm, khu vực được quy hoạch làm sân bay thuộc diện tích hai xã Gio Quang và Gio Mai (huyện Gio Linh). Khu vực này không có dân cư, chỉ là đất trồng cây, cằn cỗi.
Diện mạo sân bay Quảng Trị thế nào?
Theo Cục Hàng không Việt Nam, Cục này đã đề xuất quy hoạch sân bay Quảng Trị cách TP Đông Hà khoảng 7km, quy mô cảng hàng không nội địa cấp 4C, dùng chung dân dụng và quân sự. Đường cất, hạ cánh tại đây sẽ có kích thước 2.400m, rộng 45m, kết cấu đường đảm bảo khai thác tàu bay A320, A321 và tương đương. Cùng đó, sẽ xây dựng đồng bộ hệ thống đường lăn song song, đường lăn nối và sân đỗ máy bay đảm bảo cho 5 vị trí đỗ tàu bay.
Nhà ga hành khách được quy hoạch tại khu vực phía Nam sân đỗ tàu bay dân dụng, có 2 cao trình, công suất 1 triệu khách/năm, có đất dự trữ mở rộng quy hoạch xây thêm khi có nhu cầu. Đối với nhà ga hàng hoá, do khối lượng hàng hoá vận chuyển giai đoạn đầu chưa cao nên khi xây dựng nhà ga hành khách sẽ tính toán và bố trí mặt bằng xử lý hàng hoá, hành lý trong khu vực nhà ga hành khách. Tuy nhiên, vẫn dự trữ đất để xây dựng nhà ga hàng hoá khi nhu cầu tăng cao.
Quy hoạch cũng đã tính đến các công trình bảo đảm hoạt động bay cũng như các công trình hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ khác. Dự kiến, tổng mức đầu tư triển khai sân bay là hơn 8.000 tỷ đồng. Hiện nay, khách đến Quảng Trị bằng đường hàng không sẽ phải bay một chuyến trung gian đến sân bay Phú Bài (Huế) hoặc sân bay Đồng Hới (Quảng Bình), sau đó mới tiếp tục đi đường bộ về Quảng Trị. Sân bay Quảng Trị cách sân bay Đồng Hới khoảng 93km về phía Bắc và cách sân bay quốc tế Phú Bài khoảng 88km về phía Nam.
Nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư sân bay Quảng Trị
Sân bay Quảng Trị dự kiến được xây dựng theo mô hình PPP. Hiện có ít nhất khoảng 3 tập đoàn kinh tế lớn muốn được đầu tư sân bay Quảng Trị. Cụ thể, Tập đoàn FLC đã đề xuất phê duyệt chủ trương nghiên cứu, đầu tư dự án Cảng hàng không Quảng Trị. Một nhà đầu tư lớn nữa đó là tập đoàn TPI của Thái Lan. Ngoài ra, Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet cũng từng đặt vấn đề nghiên cứu phát triển cảng hàng không tại Quảng Trị.