Tại sao các ông bầu bỏ bóng đá?

(PLVN) -Bóng đã Việt Nam đã chứng kiến nhiều ông bầu chi mạnh tay cho bóng đã. Có người trụ lại được như bầu Đức, bầu Hiển, nhưng cũng có người vội vàng dứt áo ra đi.
Bầu Đức và bầu Thắng được đánh giá có nhiều đóng góp cho bóng đá Việt Nam.
Bầu Đức và bầu Thắng được đánh giá có nhiều đóng góp cho bóng đá Việt Nam.

Mới đây, bầu Đệ của Thanh Hóa đã nói lời chia tay CLB mà ông vin vào lý do “tuổi tác và sức khỏe”.

Theo giới chuyên môn, việc các ông bầu chia tay bóng đá vì họ thấy: bóng đá Việt Nam có phát triển nhưng vẫn còn nhiều vấn nạn như trọng tài, tiêu cực,...

Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng tựu chung lại thì vì các nguyên nhân chính như sau:

Chán bóng đá: Các ông bầu bỏ mỗi năm cả trăm tỷ vào bóng đá với mục đích để quảng bá thương hiệu và cũng mong có thành tích để ghi dấu ấn trong lịch sử bóng đá nước nhà. Nhưng nhiều ông bầu chán nản bỏ bóng đá mà dứt áo ra đi, nhiều ông bầu không còn động lực chỉ muốn đội bóng đá cho vui, giữ suất ở V-League chứ không có tham vọng vô địch vì bất lực.

Không phục các điều hành của VFF và VPF: Một số ông bầu không phục cách điều hành của trọng tài, vì bị xử ép hoặc không chấp nhận việc bị VPF trừ điểm nên vĩnh viễn bỏ bóng đá.

Cầu thủ tiêu cực: Sau khi các cầu thủ Vissai Ninh Bình bán độ ở AFC Cup, bầu Trường đã bỏ giải V-League nhưng vẫn tham gia hết vòng bảng AFC Cup để giữ danh dự cho bóng đá Việt Nam.

Chuyển hướng kinh doanh: Một số ông bầu chuyển hướng kinh doanh khi bóng đá không thể nuôi bóng đá.

Bầu Đệ vừa tuyên bố rời bỏ CLB Thanh Hóa
Bầu Đệ vừa tuyên bố rời bỏ CLB Thanh Hóa 

Sự có mặt của các ông bầu đứng sau tài trợ cho các CLB đã để lại nhiều dấu ấn rõ nét, và khi họ ra đi, nhiều CLB đã chấp nhận tan rã, chuyển giao.

Bầu Thọ đã tạo nên Navibank Sài Gòn (N.SG) một làn sóng mới. Đội bóng này đã giành được chức vô địch Cúp quốc gia năm 2011 với các ngôi sao Almeida, Quang Hải, Phan Văn Tài Em, Nguyễn Thành Long Giang, Phan Văn Santos...

Bầu Thụy, bầu Thủy của CLB XM Xuân Thành Sài Gòn với cách chi tiền bạo tay đã tạo nên dấu ấn cho CLB Xuân Thành Sài Gòn. V-League mùa 2012, Xuân Thành Sài Gòn đã suýt vô địch với các ngôi sao như Huỳnh Kesley, Tấn Trường, Phước Tứ, Đình Luật…

Đến cuối năm 2012, bầu Thụy nhường chức Chủ tịch CLB cho em trai là ông Nguyễn Xuân Thủy. Chỉ 8 tháng sau, bầu Thủy đột ngột tuyên bố bỏ giải và giải tán CLB khi V-League chỉ còn 2 vòng đấu. Nguyên nhân được ông bầu này đưa ra là do bức xúc với án phạt trừ 4 điểm của BTC V-League.
Phản ứng trước động thái này, VFF đã công bố quyết định kỷ luật CLB và hủy toàn bộ kết quả thi đấu của CLB trong mùa giải này.

CLB Hòa Phát Hà Nội được xem là một trong những đội bóng được đầu tư hoàng tráng bậc nhất làng bóng đá Việt. Hai ông bầu Nguyễn Mạnh Tuấn (bầu Tuấn) và Trần Đình Long (bầu Long) không ngần ngại đổ tiền xây dựng hẳn khu liên hợp thể thao hoành tráng rộng gần 3 ha nằm dọc trên quốc lộ 5 với các trang thiết bị máy móc tối tân như sân tập, khu hồi phục, giải trí…

Tuy nhiên sau 8 năm làm bóng đá đến hết mùa giải 2011, hai ông bầu tuyên bố không làm bóng đá nữa. Lý do là vì đội bóng này bị xử ép trắng trợn trong trận đấu với Hải Phòng trên sân Lạch Tray ở cuối V-League mùa giải đó. Sau khi chia tay bóng đá, toàn bộ cơ ngơi của HP.HN được bầu Tuấn, bầu Long bán cho ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên).

Ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) là ông bầu danh tiếng và có nhiều ấn tượng với bóng đá Việt. Ông từng có bài phát biểu đanh thép, chấn động dư luận trong cuộc họp của VFF và là 1 trong những người tiên phong trong việc thành lập VPF - Công ty cổ phần bóng đá Việt Nam, thay VFF điều hành các giải đấu của bóng đá nước nhà.

Sự chia tay bóng đá của bầu Kiên đến khi ông bầu đầu bạc này bị bắt giữ và điều tra do kinh doanh phạm pháp. Không còn bầu Kiên, CLB Bóng đá Hà Nội buộc phải giải thể vào năm 2013.

Ngay trước khi V-League 2013 khởi tranh, ông bầu Lê Tiến Anh - đại diện cho Khánh Việt, nhà tài trợ đội bóng đã tuyên bố xóa sổ K.Khánh Hoà. Điều này thật sự gây bất ngờ khi đội bóng thành phố biển vừa thành công trụ hạng tại mùa giải trước. Theo lý giải của những người trong cuộc, Khatoko Khánh Hòa bỏ V-League vì Tổng công ty Khánh Việt thực hiện tái cơ cấu, nên không được đầu tư tiếp cho bóng đá. Tuy nhiên, lý do này không làm hài lòng người hâm mộ.

Tính đến nay, vụ tiêu cực 11 cầu thủ CLB Vissai Ninh Bình bán độ được xem là một trong những scandal lớn của bóng đá Việt Nam.

Năm 2014 là mùa giải đầu tiên Ninh Bình giành quyền chơi ở đấu trường châu lục, cúp AFC. Tuy nhiên, 11 cầu thủ Ninh Bình được triệu tập lấy lời khai đã thừa nhận có tham gia bán độ hoặc nhận tiền từ trận thắng Kelantan 3-2 trên sân khách.

Ngay sau đó, ông bầu Hoàng Mạnh Trường đã quyết định rút khỏi giải quốc nội V.League với lý do CLB đã mất hầu hết các trụ cột. Đến đầu năm 2015, bầu Trường chính thức ra quyết định giải thể CLB và bàn giao đội U13, U15 và U19 cho địa phương.

Sau khi đoạt 2 chức vô địch V-League và 1 cup Quốc gia cùng Đồng Tâm Long An và tài trợ cho Kienlongbank Kiên Giang lên chơi ở V-League, bầu Thắng đã chia tay bóng đá vì không chấp nhận cách điều hành của các nhà quản lý bóng đá Việt Nam./.