Mọi sản phẩm đưa ra thị trường đều phải bảo đảm
Tại khoản 7 Điều 1 Dự thảo, liên quan đến hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại, dùng để khuyến mại, Dự thảo bổ sung hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại, dùng để khuyến mại, trong đó quy định “sữa cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi và các hàng hóa, dịch vụ khác theo quy định của pháp luật không được sử dụng để khuyến mại”.
Theo các chuyên gia pháp luật của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tập hợp ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, thì quy định này có nhiều điểm bất hợp lý. Thứ nhất, không rõ tại sao lại cấm sử dụng sữa cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi để khuyến mại?
VCCI phân tích, đối với những hàng hóa như rượu, xổ số, thuốc lá, thuốc chữa bệnh, thuốc kê đơn – là những loại hàng hóa tác động đến sức khỏe, tính mạng con người hoặc ảnh hưởng đến trật tự xã hội, không khuyến khích tiêu thụ và/hoặc có sự kiểm soát chặt chẽ khi sử dụng, thì việc cấm sử dụng dùng để khuyến mại là hợp lý, phù hợp với các chính sách đang áp dụng đối với các loại hàng hóa, sản phẩm này. Riêng đối với sữa cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi thì hoàn toàn khác, đây là một loại hàng hóa không hạn chế tiêu dùng, không thuộc tính chất của các loại sản phẩm trên, do đó việc cấm đối với sản phẩm này là chưa rõ về mục tiêu chính sách.
“Mặc dù đây là sản phẩm có thể ảnh hưởng tới sức khỏe trẻ em, cần bảo đảm chất lượng và cách thức sử dụng nghiêm ngặt nhưng mọi sản phẩm đưa ra thị trường, dù là bán hay khuyến mại, đều phải bảo đảm các yêu cầu liên quan và đã được kiểm soát bởi các quy định khác rồi. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ loại sản phẩm này khỏi nhóm “không được sử dụng để khuyến mại”. Trường hợp vẫn giữ, phải giải trình đầy đủ hơn về quy định cấm sản phẩm này” – văn bản của VCCI gửi Bộ Công Thương nêu rõ.
Đồng thời, cộng đồng doanh nghiệp cũng yêu cầu hoặc liệt kê đầy đủ “Các hàng hóa, dịch vụ khác theo quy định của pháp luật” hoặc dẫn chiếu tới các văn bản có quy định, nếu không đề nghị bỏ cụm từ này, vì nói chung chung như thế chưa rõ về các loại hàng hóa, quy định có liên quan và sẽ khiến cho thương nhân không nhận biết được đầy đủ các loại hàng hóa không được dùng khuyến mại.
Về tổng thời gian thực hiện chương trình khuyến mại quy định tại khoản 10 Điều 1 Dự thảo sửa đổi khoản 4 Điều 9 Nghị định 37, Dự thảo đưa ra hai phương án. Phương án 1: Tổng thời gian thực hiện chương trình khuyến mại bằng cách giảm giá đối với một loại nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ không được vượt quá 90 ngày trong một năm; một chương trình khuyến mại không được vượt quá 45 ngày. Phương án 2: Bỏ khoản này. Theo VCCI, Phương án 2 là hợp lý, vì bỏ quy định khống chế trần tổng thời gian thực hiện chương trình khuyến mại sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Khi nào chấm dứt thực hiện chương trình khuyến mại?
Khoản 20 Điều 1 Dự thảo sửa đổi Điều 19 Nghị định 37 quy định về chấm dứt thực hiện chương trình khuyến mại, theo đó “1. Thương nhân thực hiện khuyến mại không được chấm dứt việc thực hiện chương trình khuyến mại trước thời hạn đã công bố hoặc đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận, trừ trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật;
2. Thương nhân thực hiện khuyến mại hết số lượng đã công bố hoặc đã được cơ quan quản lý nhà nước xác nhận về hàng hóa, dịch vụ khuyến mại hoặc hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại và đảm bảo đầy đủ quyền lợi khách hàng đã tham gia chương trình”.
Liên quan đến ngoại lệ về bất khả kháng, vừa để thuận lợi cho doanh nghiệp vừa bảo vệ được lợi ích người tiêu dùng, nhiều ý kiến cho rằng cần giữ quy định về việc phải thông báo công khai cho khách hàng việc dừng/chấm dứt khuyến mại vì lý do bất khả kháng.
Còn về ngoại lệ mới “hết hàng khuyến mại”, quy định trên chưa giải quyết cho trường hợp, thương nhân thực hiện khuyến mại sử dụng cả hai yếu tố thời gian và số lượng hàng khuyến mại, trong đó có đưa ra điều kiện: khuyến mại sẽ chấm dứt khi một trong hai yếu tố thời gian hoặc số lượng hàng khuyến mại đến trước.
Từ các lý do trên, các chuyên gia từ VCCI đề xuất sửa đổi Điều 19 này theo hướng quy định lại như sau: “Thương nhân thực hiện khuyến mại không được chấm dứt việc thực hiện chương trình khuyến mại trước thời hạn đã công bố hoặc đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận, trừ các trường hợp quy định dưới đây:
1. Trong trường hợp bất khả kháng, thương nhân có thể chấm dứt chương trình khuyến mại trước thời hạn nhưng phải thông báo công khai tới khách hàng.
2. Thương nhân thực hiện khuyến mại hết số lượng đã công bố hoặc đã được cơ quan quản lý nhà nước xác nhận về hàng hóa, dịch vụ khuyến mại hoặc hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại và đảm bảo đầy đủ quyền lợi khách hàng đã tham gia chương trình”.