Kusto Group, công ty mẹ của Kusto, là một tổ chức đầu tư dài hạn tại thị trường Việt Nam trong hơn 10 năm qua với nhiều khoản đầu tư lên tới trên 100 triệu USD. Kusto hiện nắm giữ 17.55% cổ phần trong Coteccons.
Theo nhà đầu tư này, Đại hội cổ đông bất thường để cổ đông Coteccons có thể biểu quyết về việc thay đổi Hội đồng quản trị (HĐQT) hiện tại, bầu ra HĐQT mới và thực hiện kiểm toán đặc biệt đối với hoạt động kinh doanh của Coteccons liên quan tới các vấn đề về xung đột lợi ích, các giao dịch với các bên liên quan, đặc biệt là các giao dịch giữa Coteccons và các công ty còn lại trong cái gọi là “Coteccons Group” từ thời điểm năm 2017.
Đại diện Kusto cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng cùng môi trường đầu tư lành mạnh của Việt Nam. Đối với Coteccons, chúng tôi đã đầu tư và hỗ trợ cho sự phát triển của công ty trong suốt 8 năm qua. Tuy nhiên, các hành vi quản trị, quản lý và điều hành liên quan tới xung đột lợi ích của đội ngũ lãnh đạo Coteccons giữa các công ty trong “Coteccons Group” đã gây thiệt hại cho khoản đầu tư của chúng tôi khi giá cổ phiếu giảm đáng kể và quyền cổ đông của chúng tôi bị vi phạm nghiêm trọng”.
Căn cứ khoản 3 Điều 114 Luật doanh nghiệp và khoản 3 Điều 11 của Điều lệ Coteccons, Kusto đã gửi yêu cầu bằng văn bản ngày 23/4/2020 tới HĐQT và Ban kiểm soát (BKS) của Coteccons vào ngày 24 tháng 4 năm 2020 để yêu cầu tổ chức một cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường để các cổ đông của Coteccons có thể đưa ra quyết định cho các vấn đề được nêu trên. Tuy nhiên, HĐQT đã không tổ chức ĐHĐCĐBT theo yêu cầu của cổ đông trong thời hạn quy định.
Đại diện Kusto cho biết, mặc dù BKS đã xác nhận HĐQT không tổ chức ĐHĐCĐ bất thường theo yêu cầu của cổ đông trong thời hạn quy định và đồng thời cũng xác nhận nghĩa vụ của BKS trong việc tổ chức ĐHĐCĐBT theo yêu cầu của cổ đông, nhưng BKS đã quyết định không tự tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường do không nhận được sự hợp tác, thậm chí là còn bị HĐQT và Ban Giám đốc (BGĐ) cản trở.
“Vì vậy, Kusto có toàn quyền hợp pháp để thay mặt Coteccons triệu tập cuộc họp ĐHĐCĐBT theo quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều 136 Luật doanh nghiệp và khoản 4 Điều 13 của Điều lệ Coteccons” – Kusto cho biết. Vì lý do đó, vào ngày 1/6/2020, Kusto đã gửi thông báo đến Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam yêu cầu cung cấp danh sách cổ đông của Coteccons tại ngày 22/6/2020 để tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường như đã yêu cầu. Kusto cũng công bố các thông tin liên quan tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM, nơi Coteccons niêm yết.
Động thái này được thực hiện sau nhiều năm Kusto nỗ lực đối thoại với HĐQT hiện tại của Coteccons để giải quyết các vấn đề một cách nội bộ nhưng không thành công.
|
Nhà đầu tư đặt câu hỏi, lãnh đạo Coteccons bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp như thế nào khi vừa là lãnh đạo của Coteccons vừa là lãnh đạo của doanh nghiệp đối thủ? |
Trong những năm qua, Kusto đã nhiều lần đặt ra câu hỏi cho HĐQT và BGĐ về các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến xung đột lợi ích, giao dịch với các bên liên quan, việc sử dụng tài nguyên và uy tín của Coteccons cho lợi ích của các công ty khác trong cái gọi lại “Coteccons Group” mà các thành viên có liên quan của HĐQT và BGĐ có các lợi ích liên quan, và yêu cầu HĐQT và BGĐ tôn trọng nghĩa vụ của người nhận ủy thác đối với Coteccons và cổ đông, nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Bên cạnh đó, các nỗ lực hợp pháp của Ban kiểm toán để thực hiện việc kiểm toán độc lập trên các hoạt động kinh doanh của Coteccons đã không nhận được bất kỳ sự hợp tác nào từ HĐQT và Ban điều hành.
Kusto đưa ra ví dụ, một số thành viên của HĐQT và BGĐ hiện đồng thời nắm giữ các chức vụ quản lý quan trọng tương tự tại Cty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons (Ricons), bao gồm cả vị trí chủ tịch và đại diện theo pháp luật. Như vậy, họ và những người liên quan có sở hữu số cổ phần đáng kể trong Ricons trong khi đồng thời là những người có quyền quyết định các hoạt động hàng ngày tại Coteccons.
Trên thực tiễn hoạt động, Ricons vừa là nhà thầu phụ của Coteccons vừa là đối thủ cạnh tranh của Coteccons. Ricons cung cấp dịch vụ tổng thầu, thiết kế, thi công - cũng là những hoạt động kinh doanh chính của Coteccons, và cạnh tranh trong cùng phân khúc thị trường. Lợi nhuận ròng sau thuế của Ricons năm 2015 mới chỉ bằng 11% lợi nhuận ròng sau thuế của Coteccons và đã tăng lên thành 51% trong năm 2019.
Từ điều này, Kusto đặt ra câu hỏi về xung đột lợi ích của một số lãnh đạo Coteccons: Các lãnh đạo cấp cao của Coteccons quyết định chọn công ty nào đấu thầu cho dự án nào khi họ đồng thời quản lý cả hai công ty cạnh tranh trực tiếp với nhau? Các lãnh đạo cấp cao của Coteccons và Ricons quyết định phân bổ lợi nhuận cho từng bên như thế nào trong các hợp đồng giữa hai bên?
Bởi, nếu lãnh đạo cấp cao của Coteccons hành động vì lợi ích tốt nhất của Coteccons, thì họ đã không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình đối với cổ đông của Ricons, và ngược lại.
“Do các lý do nêu trên, Kusto không thể tiếp tục đặt niềm tin vào HĐQT và BGĐ hiện tại, đặc biệt là các thành viên điều hành chủ chốt bao gồm ông Nguyễn Bá Dương (Chủ tịch và đại diện pháp luật của Coteccons), ông Nguyễn Sỹ Công (thành viên HĐQT và Tổng giám đốc Coteccons), và ông Trần Quang Quân (Phó Tổng Giám đốc). Chúng tôi yêu cầu họ ngay lập tức từ chức khỏi tất cả các vị trí trong Coteccons” – Kusto bày tỏ quan điểm.
Kusto khẳng định, đây không phải là sự mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông mà là mâu thuẫn giữa tất cả các cổ đông của Coteccons và đội ngũ quản lý cấp cao hiện tại của Coteccons. Đại diện Kusto cho biết, nhà đầu tư này đang thực hiện quyền của mình theo đúng Điều lệ của Coteccons và pháp luật Việt Nam để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các cổ đông trong và ngoài nước tại Coteccons.