Tại sao nghệ thuật đỉnh cao “chết yểu” trong Nhà hát lớn?

(PLO) - Những năm gần đây, các “đặc sản” nghệ thuật đỉnh cao liên tiếp trình làng tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) những mong luôn rộn ràng bước chân du khách tới thưởng thức. Nhưng thực tế, chỉ sau một vài tháng đỏ đèn, lần lượt chương trình nghệ thuật đỉnh cao bị “chết yểu”..
"Thánh đường" Nhà hát Lớn ngày càng ít các buổi biểu diễn nghệ thuật đỉnh cao
"Thánh đường" Nhà hát Lớn ngày càng ít các buổi biểu diễn nghệ thuật đỉnh cao

Những năm gần đây, việc đưa các chương trình nghệ thuật đỉnh cao vào “thánh đường nghệ thuật” - Nhà hát Lớn luôn được ngành Văn hóa chú trọng. Mùa thu năm 2016, ngành Văn hóa đã nỗ lực để hỗ trợ việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống đỉnh cao qua việc hỗ trợ kinh phí 100 đêm diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội. 12 nhà hát nghệ thuật thuộc ngành Văn hóa cùng hân hoan đem đến những “đặc sản” nghệ thuật của mình… đãi du khách.

Cùng thời gian đó, Nhà hát Lớn cũng ra mắt sản phẩm du lịch, khai thác chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ khách du lịch tại Nhà hát Lớn. Ngoài được ngắm các kiến trúc hơn 100 tuổi, du khách còn được thưởng thức các tiết mục văn hóa truyền thống.

Cách đây 6 năm, một chương trình nghệ thuật đặc sắc mang tên “Hồn Việt” đã ra đời tại Nhà hát Lớn giới thiệu những điệu múa, lời hát… đặc trưng của cả ba miền. Thông qua các công ty lữ hành, “Hồn Việt” mong muốn đón được nhiều du khách trong và ngoài nước đến thưởng thức. 

Với việc các “đặc sản” nghệ thuật đỉnh cao liên tiếp trình làng như vậy, tưởng như “thánh đường nghệ thuật” sẽ luôn đỏ đèn. Nhưng thực tế, việc đưa du khách nội địa và quốc tế tới đây lại không hề đơn giản. Bằng chứng là chỉ sau một vài tháng. chương trình nghệ thuật “Hồn Việt” đặc sắc đã “chết yểu” vì hiu hắt du khách, khán giả. Thu không bù nổi chi, lỗ hàng tỷ đồng - “Hồn Việt” âm thầm một đi không trở lại.

Cũng tương tự số phận ấy là dự án, 100 đêm diễn nghệ thuật đỉnh cao tại Nhà hát Lớn Hà Nội do 12 nhà hát nghệ thuật trình diễn sống ngắc ngoải. Đáng buồn là, dù chất lượng rất hay,  dù giá vé đã rất thấp chỉ từ 200.000 đồng đến 700.000 đồng - mà mỗi chương trình chỉ bán được vài chục vé, thậm chí có suất chỉ dăm, ba người khách vãng lai vào xem.

"Không phải là nhà hát không cố gắng phát hành vé mà vì lâu nay khán giả không muốn mua vé vào rạp!” - ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam than. Với số vé bán đếm trên đầu ngón tay, hàng ghế trống tan hoang, làm sao có thể có doanh thu để duy trì tốt cho một loạt chương trình biểu diễn thường xuyên?

Bắt đầu từ đầu tháng 1/2018, Dự án “100 đêm diễn nghệ thuật đỉnh cao tại Nhà hát Lớn Hà Nội” không còn xuất hiện trên lịch biểu diễn của website Nhà hát Lớn Hà Nội. Thay vào đó là những chương trình nghệ thuật của các cá nhân, đơn vị đơn lẻ thuê chỗ biểu diễn. Trước những việc như vậy, nhiều người không khỏi lo lắng, liệu Nam An Show có trụ vững, trụ lâu dài để du khách được thưởng thức những nét đẹp văn hóa đặc trưng của 54 dân tộc. 

Thiết nghĩ, để Nhà hát Lớn luôn đỏ đèn với những chương trình đỉnh cao, nên chăng, Ban tổ chức cần tư duy về một  cách tiếp cận  hiệu quả hơn./.