Sách nhiều, nhưng đọc ít
Hướng tới Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), nhiều người đặt câu hỏi làm sao để người Việt chăm đọc sách hơn cũng như cách nào để thay đổi thói quen đọc của người Việt?
Nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/2/2014 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 284/QĐ-TTg chọn ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam. Quyết định này nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách, nâng cao nhận thức của cộng đồng về ý nghĩa to lớn cũng như tầm quan trọng của việc đọc sách đối với phát triển kiến thức, kỹ năng, tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.
Thế nhưng, sau gần 10 năm - thói quen đọc sách của người Việt rất ít tiến triển dù lượng sách phát phát hành năm sau cao hơn năm trước. Số liệu năm 2019 khi kỷ niệm 5 năm Ngày Sách Việt Nam cho thấy, có gần 160.000 xuất bản phẩm với gần 1,9 tỉ bản sách. Lấy con số này chia cho hơn 90 triệu dân thì trung bình mỗi người Việt Nam hưởng thụ hơn 4,2 bản sách/năm.
Tuy nhiên, trong số đó đã hơn 3 cuốn là sách giáo khoa, sách tham khảo, nghĩa là người Việt chỉ đọc 1 cuốn sách/năm. Số liệu tổng kết mới đây của Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết, tỉ lệ đọc của người Việt tăng từ 4,1 đầu sách/người/năm (năm 2014) lên 6,02 bản sách/người/năm (2022).
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ TT&TT, cơ cấu tỉ lệ sách còn thiên về sách giáo khoa, sách tham khảo (khoảng 40%) trong khi ở các nước phát triển con số này chỉ khoảng 30%. Bởi vậy, cần thúc đẩy thói quen đọc sách để tiếp cận tri thức theo cách tự nhiên chứ không chỉ dừng lại ở chương trình học bắt buộc.
Nhiều chuyên gia khẳng định, thực trạng lười đọc hiện nay là hệ quả của việc thiếu quan tâm, nuôi dưỡng thói quen đọc sách từ nhỏ cho trẻ. Trường học không có tiết đọc sách chính thức, gia đình không quan tâm xây dựng và phát triển thói quen đọc sách cho con từ sớm.
Nhà nghiên cứu dịch giả Nguyễn Quốc Vương bày tỏ, người Việt thực dụng theo thói “ăn xổi ở thì”: Nhiều người không chỉ thắc mắc đọc sách để làm gì, mà còn hỏi đọc sách có ra tiền không? Câu trả lời rất dễ mà lại khó - cái khó ở Việt Nam là mọi thứ đều “quy ra thóc”, mà “thóc” không phải bao giờ cũng là thứ có thể gặt ngay.
Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, nếu bảo người Việt không đọc sách hoặc rất ít người đọc sách thì người ta in sách ra để làm gì? Hãy vào bất kỳ một nhà sách nào, phải nói là “trên trời, dưới sách”. Không thiếu bất kỳ một chủng loại nào…
Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận định, một tác phẩm đặc sắc gây được sự chú ý đặc biệt của công chúng thế giới thì ngay lập tức đã được dịch ở Việt Nam. Có cuốn còn có nhiều bản dịch khác nhau ở nhiều nhà xuất bản. Vì thế, ở Việt Nam hiện nay, ngay cả một người không biết ngoại ngữ, cũng không hề lạc hậu.
“Ở nước ngoài, nhìn đâu cũng thấy người đọc sách. Người ta đọc sách ở phòng chờ sân bay, trên các bến xe hay trong tầu điện ngầm. Người Việt không có thói quen như thế”, nhà thơ Trần Đăng Khoa bày tỏ.
Giỏ quà đầu tiên của một đứa trẻ là sách
|
Hãy gieo mầm đọc sách cho mỗi người từ bé thơ. (Ảnh: PV) |
Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, ngành Giáo dục phải có những chiến lược thiết thực để dạy cho trẻ biết yêu sách từ nhỏ, ham đọc sách từ nhỏ. Nhà trường cần có quy định lớp nào thì phải đọc hết những cuốn sách nào, hướng dẫn cách đọc. “Nên dành thì giờ cho các em đọc sách. Hãy làm cho nhà trường trở thành nơi đầu tiên, cùng với gia đình, tạo cho con người ý niệm về sự cao quý của chữ nghĩa, sách vở, tập thói quen, nhu cầu và niềm say mê đọc”.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét, tại những quốc gia tiên tiến và có một nền giáo dục lành mạnh, văn hóa đọc bao giờ cũng có một vị trí xứng đáng. Theo ông, nền giáo dục ở Phần Lan hiện nay được công nhận là chuẩn mực vào bậc nhất thế giới và khi một đứa bé vừa được sinh ra ở đất nước đó thì quà tặng đầu tiên dành cho nó là một giỏ sách.
Và thực tế, trong cuộc sống nhanh ngày hôm nay, khi ông bà, cha mẹ không có thói quen đọc sách thì con cũng không được nuôi dưỡng thói quen đọc sách từ nhỏ. Thường người ta đọc sách cho bé trước khi đi ngủ để vừa truyền kiến thức và nuôi dưỡng tình yêu với sách.
Ông Bùi Xuân Đức, Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp TP HCM chia sẻ: “Thời đầu những năm 1980, tivi hầu như không có gì coi nên tôi phải đọc sách, chủ yếu là sách lịch sử. Thậm chí không dám đọc hết, phải để dành hôm sau đọc tiếp… Ngày nay nhu cầu và cách thức đọc sách của bạn đọc đã khác nên thư viện cũng cố gắng tạo ra không gian đọc phù hợp, đọc sách kết hợp với vẽ tranh, sân khấu hóa để thu hút trẻ em”...
Theo nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên, trẻ con cũng cần đến một sự vun bồi thói quen giản dị là được “tắm” trong không gian của sách, trao đổi sách vở với những bạn bè mê đọc, để học hỏi thay vì ngồi một mình trong căn phòng buồn tẻ và chìm đắm vào những clip xao lãng, nhạt nhẽo thời thượng của TikTok, YouTube.
Phòng đọc thư viện thành phố, thư viện một số quận bây giờ đã có góc cho thiếu nhi. Không khí thoải mái, cởi mở, các cô thủ thư giờ đây cũng đã hết mang những khuôn mặt ảm đạm như trong ký ức về những thư viện nhà nước ở vào thời các phụ huynh còn ấu thơ.
Các cô xếp sách khoa học, bày cho các con cách hệ thống hóa một kệ sách, tổ chức những nhóm sinh hoạt trao đổi kỹ năng, mở rộng kỹ năng đọc... Tất cả đều miễn phí ở mức... chiều chuộng. Và quan trọng nhất là tạo cho những độc giả trẻ một nếp sinh hoạt, thói quen văn minh, hiện đại trong thế giới sách vở, tri thức.
“Thằng con của bạn có thể ngủ gật trong một, hai buổi đầu vì nó đã quen mắt với những kênh YouTube sống động, nó có thể mất tập trung bởi quen coi video TikTok dài 60 giây. Nhưng cũng đừng quá lo. Trẻ con sẽ thích ứng từ từ nếu bạn một ngày cũng bước vào thế giới thư viện và ngồi xuống bên cạnh nó, cùng tìm hiểu về một cuốn truyện tranh, một tập sách kiến trúc hay cuốn sách ảnh về lịch sử thành phố nơi mình sống được biên soạn theo phong cách họa báo... Những chân trời mới sẽ được mở ra từ thói quen đến thư viện, cha mẹ và con cái cùng ngồi lại bên những cuốn sách”, nhà văn Vĩnh Nguyên chia sẻ.
Biết trẻ em bây giờ có quá nhiều lựa chọn, nên phòng đọc thiếu nhi thư viện thành phố có những không gian để độc giả nhỏ tuổi có thể nằm dài đọc truyện tranh. Có những căn chòi để một đứa chưa quá mê sách chui vào ngủ và nhất là chúng có thể di chuyển, tìm hứng thú với đủ thể loại sách, tìm góc đọc phù hợp cho tâm trạng của chúng.
Trẻ em sẽ biết phải làm gì khi được đặt vào một thế giới tha hồ sách hay, tha hồ bạn bè và các câu chuyện thú vị từ sách. Thứ tình yêu thuần khiết với sách vở và hiểu biết cần được gieo mầm từ đây, thay vì đi đòi hỏi những kho sách thật to mà bản thân mình chưa từng một lần bước chân đến…
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024 gắn với chuyển đổi số
Năm nay, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam diễn ra từ 15/4 đến hết 1/5 trên phạm vi cả nước với các thông điệp “Sách hay cần bạn đọc”, “Sách quý tặng bạn”, “Tặng sách hay - Mua sách thật”, “Sách hay: Mắt đọc - Tai nghe”. Đặc biệt, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay gắn liền với chuyển đổi số, với mục tiêu đưa sách đến với nhiều người đọc hơn.
Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba năm 2024; Hội Sách chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba năm 2024 sẽ diễn ra tại TP Hà Nội, từ ngày 17 đến ngày 21/4. Các địa phương, các cơ quan, ban, Bộ, ngành tổ chức các chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam từ ngày 15/4.
Chuyển đổi số là một trong những hướng đi quan trọng mà ngành xuất bản, in và phát hành hướng tới trong thời gian tới. Năm nay, các hoạt động liên quan đến chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cũng được chú trọng trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng mới đây đã phát biểu trong Hội nghị Triển khai công tác xuất bản và phát hành xuất bản phẩm năm 2024 cũng nhấn mạnh, một nền tảng số mở sẽ thu hút được nhiều nguồn lực để làm sách, có thể là vô hạn. Xây dựng một nền tảng số làm sách cho các nhà xuất bản, cung cấp các công cụ tự động và thông minh cho người làm sách, từ khâu sáng tác, biên tập, sản xuất, giới thiệu và phân phối đa nền tảng, làm ra nhiều phiên bản đa hình tướng của sách, rồi đến thu thập phản hồi của người đọc, tương tác với người đọc, rồi người đọc cũng tham gia vào các công đoạn của sách, phân tích dữ liệu để phục vụ riêng từng khách hàng theo hướng đối tượng, phân tích dữ liệu để phát hiện xu thế thị trường...
Theo kế hoạch Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, các hoạt động năm nay theo hướng đa dạng, phong phú, kết hợp các hoạt động truyền thống với phương thức tổ chức hiện đại theo xu thế phát triển của các nền tảng công nghệ, chuyển đổi số như: Hội sách trực tiếp; Hội sách trực tuyến trên các nền tảng công nghệ; Hội sách trực tiếp kết hợp với trực tuyến; Hội sách thanh toán không sử dụng tiền mặt; đổi điểm thưởng tích lũy của khách hàng tại một số ngân hàng thương mại lấy quà tặng bằng sách; kết hợp truyền thông, quảng bá sách và văn hóa đọc trên các chuyên mục báo điện tử, mạng xã hội. Các sự kiện giảm giá, khuyến mãi, tri ân khách hàng của các đơn vị xuất bản luôn thu hút đông đảo bạn đọc tham gia.
Năm nay, ngoài các hoạt động truyền thống như tổ chức các tuần lễ sách, hội sách, tháng phát hành sách trọng tâm tri ân khách hàng, các nhà xuất bản, cơ sở in, cơ sở phát hành còn được khuyến khích tổ chức các kênh phát hành trực tuyến, kết hợp với các nền tảng công nghệ, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá sách, song hành cùng các chương trình tặng sách đến các đối tượng yếu thế; các chương trình khuyến mại hỗ trợ bạn đọc, phát triển văn hóa đọc.