Tại sao Trung Quốc công bố video đụng độ đẫm máu với Ấn Độ?

(PLVN) - Hôm qua – 19/2, Trung Quốc lần đầu tiên công bố video về vụ đụng độ đẫm máu giữa binh lính Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực biên giới hai nước hồi tháng 6/2020.
Hình ảnh binh lính hai nước, được cắt ra từ video.
Hình ảnh binh lính hai nước, được cắt ra từ video.

[Clip] Trích đoạn video về cuộc đụng độ đẫm máu giữa binh lính Trung Quốc và Ấn Độ ngày 15/6/2020 tại thung lũng Galwan (nguồn: Global Times):


Theo truyền thông Trung Quốc, vụ đụng độ gây thương vong xảy ra tại thung lũng Galwan hồi tháng 6/2020, đúng thời điểm xung đột biên giới Trung-Ấn đang trong tình trạng căng thẳng nhất sau hơn 4 thập kỷ.

Trong video, Trung Quốc tố cáo “quân đội nước ngoài” khi đó vượt ranh giới xây dựng đường xá, cầu cống, cố tình gây chuyện, hòng đơn phương thay đổi hiện trạng biên giới và tấn công bạo lực quân đội Trung Quốc. Vũ khí sử dụng tại cuộc đụng độ được miêu tả là các ống sắt, gậy gộc và đá, trong khi số lượng binh lính của phía Ấn Độ gấp nhiều lần Trung Quốc.

Sau khi quân cứu viện của nước này ập tới, “quân đội nước ngoài” đã bị đánh tan tác, tháo chạy và bỏ lại “số lượng lớn người vượt ranh giới và thương vong”, thiệt hại nặng nề.

Đáng chú ý là video nói trên sử dụng "quân đội nước ngoài" để chỉ quân đội Ấn Độ, một động thái cho thấy sự kiềm chế của Trung Quốc trong việc không kích động tình cảm của công chúng đối với bối cảnh hiện tại quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã rút quân dọc khu vực biên giới.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc chính thức công khai số lượng, danh tính và chức vụ của các binh sĩ thiệt mạng trong cuộc đụng độ với quân đội Ấn Độ hồi giữa năm 2020.

Theo đó, 4 sĩ quan và binh lính thiệt mạng gồm 1 tiểu đoàn trưởng và 3 binh sĩ, trong đó có người mới 19 tuổi. Đây là 4 trong 5 người vừa được Trung Quốc phong tặng danh hiệu anh hùng và huân chương chiến công hạng nhất.

Phía Trung Quốc có 1 sĩ quan và 4 binh sĩ thiệt mạng, trong đó Chen Xiangrong (thứ 2, từ trái qua) mới chỉ 19 tuổi. Nguồn ảnh: Gobal Times.
 Phía Trung Quốc có 1 sĩ quan và 4 binh sĩ thiệt mạng, trong đó Chen Xiangrong (thứ 2, từ trái qua) mới chỉ 19 tuổi. Nguồn ảnh: Gobal Times.

Được biết, Ấn Độ và Trung Quốc có lịch sử tranh chấp biên giới kéo dài, nhưng vụ việc hôm 15/6/2020 tại thung lũng Galwan là lần đầu tiên có thương vong kể từ năm 1975. 

Hồi tháng 6/2020, Trung Quốc từng xác nhận có thương vong sau đụng độ biên giới với Ấn Độ nhưng không nói rõ con số, đồng thời bác bỏ thông tin về việc ít nhất 40 binh lính nước này thiệt mạng trong các cuộc đụng độ này. Vụ giao tranh nói trên khiến tổng cộng 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Truyền thông Ấn Độ từng nói rằng quân đội Trung Quốc thiệt mạng nhiều hơn.

Sau vụ ẩu đả chết người, Ấn Độ và Trung Quốc điều nhiều khí tài và binh sĩ lên tăng viện cho khu vực biên giới.

Ấn Độ và Trung Quốc sau đó tổ chức nhiều cuộc đàm phán quân sự cùng ngoại giao để tháo gỡ căng thẳng biên giới. Quân đội hai nước hồi đầu tháng 2 rút binh sĩ, xe tăng và trang thiết bị khỏi khu vực ven hồ Pangong Tso, một trong các điểm nóng tại khu vực biên giới.

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, việc báo chí nước này lần đầu công bố thông tin về các binh lính thiệt mạng trong cuộc đụng độ tại khu vực biên giới Trung-Ấn hồi tháng 6/2020 là nhằm “làm rõ chân tướng” trước những thông tin sai lệch của phía Ấn Độ.

Đồn Biên phòng Trung Quốc. Ảnh: Bộ Quốc phòng Trung Quốc/GT
 Đồn Biên phòng Trung Quốc. Ảnh: Bộ Quốc phòng Trung Quốc/GT

Trong phát biểu đăng trên tài khoản WeChat chính thức của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường cho rằng, mặc dù Trung Quốc đã thúc đẩy hạ nhiệt tình hình và “kiềm chế cao độ”, song phía Ấn Độ vẫn nhiều lần thổi phồng các vụ việc thương vong, “bóp méo sự thật”, khiến dư luận hiểu sai. 

Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, việc báo chí Trung Quốc công khai đăng tải là xuất phát từ trách nhiệm của truyền thông trong việc “thông tin khách quan sự thật”, giúp “làm rõ chân tướng”, khiến thế giới hiểu rõ đúng sai.

Ông Nhậm Quốc Cường cũng tái khẳng định việc Bắc Kinh sẽ giải quyết tranh chấp với Ấn Độ thông qua đối thoại đàm phán, nhanh chóng hạ nhiệt làm dịu tình hình, nhằm sớm khôi phục hòa bình an ninh tại khu vực biên giới Trung-Ấn.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Ánh trong cuộc họp báo hôm 19/2 cũng nói rằng, trách nhiệm của sự cố ở Thung lũng Galwan thuộc về phía Ấn Độ, nhưng Ấn Độ đã thổi phồng thương vong để bóp méo sự thật và gây hiểu lầm cho cộng đồng quốc tế. Bà Hoa Xuân Ánh cho biết, lập trường của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề biên giới là nhất quán và luôn muốn giải quyết tranh chấp thông qua các cuộc đàm phán để bảo vệ sự ổn định của khu vực biên giới, duy trì hòa bình trong khu vực và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của các mối quan hệ song phương, phù hợp với lợi ích của người dân hai bên.

Đọc thêm