Khoảng 16h hôm đó, 26 học sinh trường tiểu học Dairyland tại thành phố Chowchilla, bang California hào hứng nhảy lên xe bus để được tới bể bơi. Ngồi sau tay lái là Edward Ray, tài xế lâu năm của trường.
Ray lái được một đoạn thì gặp chướng ngại vật và buộc phải dừng xe trên con đường bụi bặm. Lúc này, trước mặt xe bus là chiếc xe van chặn giữa đường, phần nắp capo bị chống lên, có vẻ như bị hỏng động cơ. Vốn bản tính tốt bụng, tài xế Ray dừng lại để xem có giúp được gì hay không.
Như chỉ chờ có vậy, ba gã đàn ông bịt mặt bằng quần tất phụ nữ bất ngờ xuất hiện từ sau chiếc xe van. Chúng cầm súng trường chiếm quyền kiểm soát xe bus cùng sinh mạng của 27 con người. Một tên đuổi Ray xuống cuối, một tên khác lái xe bus, tên còn lại chạy xe van đi phía sau.
Dường như để tránh bị chú ý, ba kẻ bắt cóc lái xe cắt ngang qua bụi tre. Mỗi lần thân cây quệt vào thành xe, tiếng động phát ra đều khiến 26 học sinh giật nảy mình. "Cây tre cao ngang nóc xe, chúng tôi ai nấy đều run rẩy", Carrejo Labendeira, lúc này mới học lớp bốn, vẫn nhớ rõ cảnh tượng khi ấy.
Trạng thái này cứ thế kéo dài cho tới khi xe bus dừng lại trước đoạn mương ít người qua lại, nơi một chiếc xe van khác đã chờ sẵn. Ba kẻ bắt cóc tiếp tục dồn tài xế Ray và nhóm học sinh lên hai chiếc xe van.
Đối với 27 con tin trên xe, những giờ tiếp theo tưởng như kéo dài tới vô tận vì hai chiếc xe van được lái đi vòng quanh. Cửa sổ xe bị sơn đen phủ kín nên không ai biết mình đang đi đâu. Nhiệt độ trong xe lên tới hơn 37 độ C nhưng lũ trẻ không được cho uống nước hoặc dừng lại đi vệ sinh. Hy vọng phá cửa kính thoát ra là không khả thi vì kẻ bắt cóc đã dùng gỗ để gia cố thành xe.
Sau hành trình kéo dài 11 tiếng, hai chiếc xe van cuối cùng dừng lại vào lúc rạng sáng tại mỏ đá ở thành phố Livermore, bang California, cách Chowchilla khoảng 100 dặm về phía tây bắc.
Ba kẻ bắt cóc lần lượt hỏi tên, tuổi, địa chỉ và số điện thoại, đồng thời lấy đi một vật dụng như quần áo hoặc đồ cá nhân của từng đứa trẻ. Dù vậy, từ đầu tới cuối, ba gã đàn ông không bao giờ lên tiếng về mục đích của vụ bắt cóc mà chỉ thỉnh thoảng lên giọng nạt nộ bắt lũ trẻ im lặng.
Kẻ bắt cóc yêu cầu 27 nạn nhân di chuyển trong ánh đèn mờ đi tới cầu thang dẫn xuống thùng xe tải cỡ lớn bị giấu trong lòng đất. Cảnh tượng ấy khiến Labendeira cảm giác như đang cùng bạn học bước xuống cỗ quan tài khổng lồ chôn sâu. Sau khi rút cầu thang, kẻ bắt cóc chặn lối vào bằng tấm kim loại nặng và hai ắc-quy công nghiệp với trọng lượng mỗi bình hơn 40 kg.
Buồng giam dưới đất của nhóm học sinh được để kèm chút lương thực như ngũ cốc, bơ lạc, bánh mì, và nước uống nhưng chỉ đủ dùng cho một bữa. Bên cạnh chỗ thức ăn là bồn cầu tự chế dưới dạng chiếc hộp được khoan lỗ. Trên sàn rải rác vài tấm nệm.
Trong những giờ tiếp theo, buồng giam dưới đất dần trở thành địa ngục trần gian khi đám trẻ nôn mửa, đi vệ sinh. Những bé còn nhỏ tuổi khóc thét đòi bố mẹ. Số thực phẩm ít ỏi cũng mau chóng bị ăn hết. Khi hệ thống thông khí dừng hoạt động do hết ắc quy, Brown Hyde, một trong 27 nạn nhân bị bắt cóc, tưởng rằng mình sắp chết.
Khi dần hết hy vọng, tài xế Ray và một số học sinh bàn kế thoát ra ngoài. Lợi dụng chính những thứ mà kẻ bắt cóc cung cấp, Ray cùng các em xếp những tấm đệm chồng lên cao để với tới lối vào trên trần thùng xe. Sau nhiều giờ cố gắng, Ray và nam sinh lớn tuổi nhất (14 tuổi) đã có thể lấy mảnh gỗ cứng làm khối nêm để tạo được khe hở dưới tấm kim loại chặn miệng hầm và dùng sức bẩy được bình ắc quy.
Sau khi thay nhau đào đất để tạo lỗ hổng đủ lớn, tài xế và các học sinh lần lượt kéo nhau trốn khỏi thùng xe. 27 con tin trốn thoát sau 16 tiếng kể từ khi bị ép xuống hầm. Cách miệng hầm không xa, Ray và nhóm học sinh tìm được đồn bảo vệ của mỏ đá và kêu cứu. "Người ta biết đích xác chúng tôi là ai trước khi chúng tôi kịp lên tiếng", Labendeira nhớ lại thời khắc được giải cứu.
Con tin đã an toàn, nhà chức trách lập tức tập trung tìm kiếm kẻ bắt cóc. Frederick Woods, con trai 24 tuổi của chủ mỏ đá, mau chóng rơi vào diện tình nghi vì là một trong số ít người có chìa khóa vào khu mỏ và có thể chôn chiếc xe tải cỡ lớn dưới đất. Đặc biệt, Woods cùng hai anh em James Schoenfeld (24 tuổi) và Richard Schoenfeld (22 tuổi) trước đó từng bị kết tội Ăn trộm ô tô nhưng được cho quản chế tại địa phương.
Khám nhà Woods, cảnh sát tìm được khẩu súng trường giống loại được dùng trong vụ bắt cóc, cùng bản thảo tờ giấy đòi tiền chuộc. 8 ngày sau vụ bắt cóc, Richard Schoenfeld tự nguyện đầu thú. Thêm 6 ngày nữa, Woods và James Choenfeld lần lượt bị bắt giữ tại thành phố Vancouver, Canada và thành phố Menlo Park, bang California.
Theo lời khai, dù xuất thân từ gia đình giàu có, ba thanh niên này vẫn rơi vào cảnh nợ nần. "Chúng tôi cần nhiều nạn nhân để đòi được nhiều triệu USD", James Schoenfeld khai. Chúng chọn trẻ em trẻ vì nghĩ có thể vừa tống được tiền lại vừa không bị chống trả.
Tuy nhiên, sau khi bắt cóc 27 con tin, ba kẻ này lại không thể gọi cho Phòng Cảnh sát thành phố Chowchilla như dự định vì đường dây điện thoại bị nghẽn do báo chí và gia đình nạn nhân gọi tới hỏi thăm tin tức quá nhiều.
Sau một ngày bắt cóc mệt nhọc, chúng không canh chừng các con tin mà đi ngủ. Khi vừa tỉnh dậy vào tối 16/7/1976, nhóm bắt cóc bỗng thấy truyền thông đưa tin 27 nạn nhân đã tự giải thoát.
Ba tên sau đó bị kết tội Bắt cóc và lãnh án chung thân. Hai anh Richard Schoenfeld và James Schoenfeld sau đó lần lượt được ân xá và phóng thích vào năm 2012 và 2015.
Tháng 10/2019, Frederick Woods bị bác đơn xin ân xá lần thứ 19. Lý do bác bỏ bao gồm không nhận ra đầy đủ mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, vi phạm nội quy trong tù như tàng trữ điện thoại. Cơ hội xin xét ân xá lần tiếp theo của Woods dự kiến vào năm 2024. Năm 2016, Woods phải bồi thường cho 25 nạn nhân. Số tiền không được công bố, nhưng một nạn nhân cho biết "đủ để trả cho nhiều buổi trị liệu tâm lý, nhưng không đủ để mua nhà".
Sau sự việc, tài xế xe bus Edward Ray được nhận bằng khen từ Hội nhân viên các trường học bang California. Từ năm 2015, ngày 26/2 hàng năm trở thành "Ngày Edward Ray" tại thành phố Chowchilla.