Tạm dừng hay tiếp tục xuất khẩu gạo?

(PLVN) - Đó là băn khoăn của nhiều người dân lẫn doanh nghiệp cũng như giới chuyên gia khi có thông tin về việc đề xuất tạm dừng xuất khẩu (XK) gạo rồi sau đó lại kiến nghị Thủ tướng cho rà soát lại số liệu gạo tồn kho trong dân và doanh nghiệp để đưa ra quyết định cuối cùng.
Thủ tướng Chính phủ sẽ có quyết định cuối cùng về việc tạm dừng hay tiếp tục xuất khẩu gạo.

Không lo thiếu gạo!

Ngày 17/3, báo cáo Chính phủ về kế hoạch sản xuất lúa gạo năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, dự kiến 6 tháng đầu năm, toàn bộ lúa vụ Đông Xuân cả nước sẽ được thu hoạch, sản lượng dự kiến đạt  20,1 triệu tấn thóc. Trong 6 tháng cuối năm, toàn bộ lúa vụ Hè Thu, Mùa, Thu Đông cả nước được thu hoạch với sản lượng dự kiến 23,4 triệu tấn thóc. 

Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, cho hay, ông đã họp với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường về tình hình sản xuất lúa gạo và khẳng định: “Sản lượng, diện tích đều đảm bảo như năm ngoái, không có gì thay đổi!”. Chia sẻ về vụ Đông Xuân của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang cho thu hoạch, đại diện Cục này nói, mặc dù năm nay  hạn hán, xâm nhập mặn hoành hành nhưng nhờ bố trí lịch thời vụ hợp lý, chọn giống chất lượng, chủ động nước… nên vụ lúa này người dân ĐBSCL được mùa, bội thu…

Trước đó, trả lời báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rẳng, Việt Nam là một nước gần 100 triệu dân, nhu cầu lương thực, thực phẩm rất lớn. “Tuy nhiên, chúng ta là nước nông nghiệp nên đảm bảo chắc chắn cung cấp đủ trong mọi hoàn cảnh”, ông Cường khẳng định. 

Bộ trưởng Cường cũng cho biết, hiện ĐBSCL đang chuẩn bị kết thúc vụ Đông Xuân với 1,54 triệu ha, năng suất khoảng 6,9-7 tấn/ha; khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên với 310.000ha lúa, năng suất ước 6,8-7 tấn/ha; còn tại Đông Nam bộ có 77.000ha lúa, phần lớn đã thu hoạch, năng suất khoảng 5,9 tấn/ha.

Bên cạnh đó, từ Trung bộ trở ra phía Bắc, với 1,2 triệu ha lúa đang ở giai đoạn làm đòng, hứa hẹn sẽ cho năng suất cao: “Mặc dù ĐBSCL vừa xảy ra hạn mạn gay gắt trên diện rộng nhưng hiện nay, nguồn nước ngọt đang trở lại. Vì vậy, theo kế hoạch, trong vụ Thu Đông năm nay, toàn vùng ĐBSCL sẽ duy trì diện tích 750.000ha”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT thông tin. 

Chuyên gia nông nghiệp nói gì?

Từ chối đưa ra bình luận về việc tạm dừng XK gạo được phát đi hôm đầu tuần, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho biết, mục tiêu XK gạo năm nay là 6-7 triệu tấn. “Với số lượng XK đó vẫn đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước”, vị này tin tưởng.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, tính đến ngày 15/3, XK gạo của Việt Nam mới đạt gần 1,3 triệu tấn (riêng nửa đầu tháng 3 là hơn 370 nghìn tấn). Trả lời PLVN, TS.Đặng Kim Sơn, chuyên gia nông nghiệp, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược, Bộ NN&PTNT (IPSARD) cho biết, trong bối cảnh hạn hán dọc lưu vực sông Mê Kông, cung gạo trên thế giới, nhất là khu vực Đông Nam Á suy giảm, trong khi cầu gạo sẽ tăng vì dịch Covid-19. Chênh lệch cung - cầu dẫn đến giá gạo đang và sẽ tăng. Việt Nam năm nay đã vượt qua khó khăn, sản xuất lúa ổn định. 

“Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, điều hành của Chính phủ là cần thiết để tránh tình trạng trong một số thời điểm nhất định, nếu để thị trường bên ngoài mua mạnh, giá tăng bất ngờ có thể ảnh hưởng đến lạm phát và tạo ra tâm lý người tiêu dùng lo lắng, mua gạo tích trữ như hồi 2008”, TS Sơn nêu quan điểm.

Nguyên Viện trưởng IPSARD cũng lưu ý, việc tạm dừng XK, nếu có cũng chỉ là biện pháp ngắn hạn mang tính điều hành, còn nhìn chung thì vấn đề an ninh lương thực của Việt Nam là rất đảm bảo. Hiện nông dân đang thu hoạch vụ Đông Xuân và sẽ xuống giống vụ Xuân Hè. Trước tình hình lúa đang được giá, chắc chắn bà con sẽ tăng diện tích và sau hơn 3 tháng, lập tức sẽ có sản lượng vụ mới. “Việt Nam là nước XK gạo với lượng gạo dư thừa trên 6 triệu tấn, chúng ta không lo thiếu gạo…”, chuyên gia này khẳng định.

Sẽ mua nhập kho dự trữ quốc gia 190 nghìn tấn gạo

Tổng cục Dự trữ nhà nước (TCDTNN) cho biết, thực hiện kế hoạch dự trữ quốc gia (DTQG) được Thủ tướng Chính phủ giao, TCDTNN đang triển khai đấu thầu rộng rãi theo quy định của Luật Đấu thầu để mua 190.000 tấn gạo, loại 15% tấm, theo tiêu chuẩn nhập kho DTQG; dự kiến hoàn thành việc nhập kho trước ngày 15/6/2020.

Tuy nhiên, theo phản ánh của một số Cục dự trữ khu vực, các nhà thầu cho rằng do ảnh hưởng của Covid-19, nên nhu cầu mua tạm trữ lương thực của các DN và người dân tăng, dẫn đến tâm lý người dân muốn tạm trữ lúa, chưa muốn xuất lúa bán ngay tại thời điểm này; mặt khác, tình trạng XK gạo của Việt Nam đi các nước tại thời điểm này tăng mạnh nên giá thị trường lương thực biến động tăng liên tục.

“Việc chỉ đạo của Thủ tưởng Chính phủ tại cuộc họp ngày 23/3 về đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 là phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để TCDTNN mua đủ số lượng lương thực dự trữ theo kế hoạch được giao, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu đột xuất, cấp bách theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời góp phần bình ổn thị trường lương thực và an ninh lương thực của Việt Nam…”, đại diện TCDTNN thông tin.

Đọc thêm