Tạm dừng thanh toán đất dự án BT: Không nên gây sốc...

Bộ Tài chính ra công văn tạm dừng nhưng không có văn bản hướng dẫn cho địa phương hay doanh nghiệp thực hiện. Chắc chắn sẽ bị sốc.

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được Quốc hội ban hành năm cuối 2017 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018, thay thế Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước 2008. Tuy nhiên, đến nay, nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT vẫn chưa ra đời. Để xử lý khoảng trống pháp lý, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các Bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 01/01/2018 cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT có hiệu lực thi hành. Sự việc nói trên đã khiến cho nhiều địa phương lúng túng, khi các dự án đang trong giai đoạn vận hành lại không thể tiến hành thủ tục thanh toán. TS Phạm Sỹ Liêm – Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, quyết định dừng các dự BT để rà soát là cần thiết song việc hãm phanh đột ngột là bắt cả nền kinh tế phải dừng lại, chờ đợi anh sửa sai. Việc này thể hiện sự yếu kém, thụ động của cơ quan quản lý nhà nước.

Nút giao thông trung tâm quận Long Biên, Hà Nội - công trình được đầu tư bằng hình thức BT

PV:- Đứng trên góc độ của Bộ Tài chính thì quy định trên cần được hiểu thế nào và băn khoăn của các tỉnh có hợp tình hợp lý hay không và vì sao, thưa ông? Trong trường hợp các dự án bị chậm tiến độ, những hệ lụy kéo theo sẽ thế nào?

TS Phạm Sỹ Liêm:- Tôi cho rằng, từ góc độ của các địa phương và doanh nghiệp đều hiểu rằng, việc điều chỉnh một văn bản pháp luật chưa phù hợp với thực tế là bình thường nhưng phải có sự chuyển tiếp để doanh nghiệp và địa phương chuẩn bị.

Ở đây, Bộ Tài chính ra công văn tạm dừng nhưng rõ ràng đã không có được văn bản hướng dẫn cho địa phương hay doanh nghiệp sẽ thực hiện việc chuyển tiếp từ quy định cũ sang quy định mới thế nào? Việc này không khác một chiếc xe đang chạy với tốc độ ổn định bỗng bị phanh đột ngột vậy. Chắc chắn sẽ bị sốc.

Do đó, quan điểm của tôi trong trường hợp này là chỉ nên dừng những dự án chưa được phê duyệt, hoặc đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai bắt đầu từ khi ban hành công văn chỉ đạo của bộ Tài chính.

Các dự án đã được phê duyệt và đã triển khai vẫn tiếp tục cho thực hiện nhưng sẽ phân nhóm dự án cụ thể đồng thời, giám sát quá trình thanh toán, đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư cũng như tránh thất thoát tài sản của nhà nước.

Với nhóm dự án này sẽ xem xét tiếp với những dự án đã thực hiện được từ 20% tổng khối lượng dự án trở lên, nếu thực hiện dưới 20% có thể tạm dừng để chờ hướng dẫn.

Việc dừng đột ngột một dự án đã và đang triển khai có thể sẽ gây ra nhiều hệ lụy, bởi đi cùng với một dự án đang được triển khai là hàng loạt máy móc, công nhân, vật liệu đã được chuẩn bị, tập kết với số tiền hàng tỷ, thậm chí hàng nghìn tỷ đã được bỏ ra. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải trả lãi ngân hàng từng ngày, những thiệt hại đó không chỉ doanh nghiệp chịu mà còn cả xã hội cũng phải gánh chịu. Vì thế, yêu cầu rà soát, xem xét lại từng dự án để quyết định cho tiếp tục triển khai hay phải dừng lại là rất cần thiết.

Tôi nhắc lại, sự thiếu sót của Bộ Tài chính chính là thiếu một văn bản hướng dẫn thực hiện chuyển tiếp khiến địa phương lúng túng, doanh nghiệp than phiền thì Bộ Tài chính phải chịu trách nhiệm cả về mặt hành chính lẫn trách nhiệm trong bồi thường nếu có những hệ lụy, thiệt hại từ quy định của mình gây ra.

Nên nhớ, dự án nào sai, dự án nào có tiêu cực thì phải điều tra, xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực nhưng không có nghĩa một dự án sai thì phải dừng tất cả các dự án khác. Anh làm không đúng, không nghiêm lại quay sang gây khó nhà đầu tư là không ổn.

PV:- Dù vậy, tại cuộc họp báo mới đây, Bộ Tài chính phải thừa nhận, việc xây dựng nghị định về thanh toán tài sản công cho nhà đầu tư BT rất khó vì liên quan nhiều quy định pháp luật khác nhau dẫn tới phải tạm dừng thanh toán. Theo Bộ này, Bộ đang hướng dẫn các địa phương thực hiện quy định pháp luật. Đây có được coi là một tín hiệu tích cực? Nếu đúng như vậy, quá trình này nên diễn ra như thế nào để tránh những trì hoãn và thiệt hại không cần thiết?

TS Phạm Sỹ Liêm:- Yêu cầu dừng sử dụng đất để đổi lấy hạ tầng là không sai, tuy nhiên, thực hiện, chấn chỉnh như thế nào là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước. Một nền kinh tế đang vận hành, một con tàu đang đi bình thường không thể tự nhiên lại tháo đường ray, bắt nó phải dừng lại. Do đó, tôi không ủng hộ cách làm của Bộ Tài chính.

Tới thời điểm hiện tại, địa phương và doanh nghiệp đang phải dừng lại 8-9 tháng rồi, nếu thời gian tới Bộ Tài chính vẫn không có được giải pháp thì có phải doanh nghiệp sẽ tiếp tục phải chờ đợi thêm nữa hay không?. Khi chưa đưa ra được hướng dẫn mới nhưng lại vội vàng "ách" quy định cũ là "vô duyên", khó chấp nhận.

Bộ Tài chính muốn dừng phải có hướng dẫn cụ thể, không thể hãm phanh đột ngột, bắt cả nền kinh tế phải dừng lại, chờ đợi anh sửa sai. Như vậy, là thể hiện sự yếu kém, thụ động của cơ quan quản lý nhà nước.

PV:- Nếu vậy theo ông, trước những động thái mới này, các nhà đầu tư nên phản ứng như thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình? Nhiều người lo ngại, nếu sự trì hoãn của cơ quan quản lý gây ảnh hưởng tới tính toán kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp, nó sẽ là một tiền lệ rất xấu trong khi chúng ta đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh? Quan điểm của ông như thế nào?

TS Phạm Sỹ Liêm:- Theo tôi, doanh nghiệp phải lên tiếng, phải có ý kiến đề đạt với Quốc hội và Chính phủ xem xét. Về phía Quốc hội cũng phải có ý kiến để Chính phủ kịp thời chấn chỉnh.

Đây là vấn đề cấp thiết, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đã có nhiều nỗ lực cải thiện thể chế kinh tế, môi trường kinh doanh với mong muốn giúp nền kinh tế bước vào quỹ đạo phát triển cao hơn.

Trong đó có nhấn mạnh nhiều tới yêu cầu cải thiện mối quan hệ giữa nhà nước và doanh nghiệp, mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường. Như vậy, việc trì hoãn của cơ quan quản lý sẽ là một tiền lệ rất xấu, gây ảnh hưởng lớn tới môi trường kinh doanh trong nước, gây mất lòng tin với các nhà đầu tư.

PV:- Để chủ trương đầu tư theo hình thức BT mang lại hiệu quả nhưng cũng có thể bịt được lỗ hổng thất thoát, lãng phí trong quá trình thực hiện triển khai dự án theo hình thức "đổi đất lấy hạ tầng" thì theo ông chúng ta phải làm gì? Cần bịt lỗ hổng pháp lý như thế nào?

TS Phạm Sỹ Liêm:- Để bịt được lỗ hổng thất thoát, lãng phí trong quá trình thực hiện triển khai dự án theo hình thức BT thì trước hết phải hiểu cho đúng, phải uốn nắn lại cách làm thô thiển theo kiểu đầu tư BT là mang đất ra để đổi lấy hạ tầng. Như vậy, làm đúng ở đây nghĩa là phải mang dự án ra đấu thầu và mang đất ra để đấu giá.

Giá trị đất quy đổi được tính toán dựa mức giá bỏ thầu dự án của nhà đầu tư đưa ra giá thấp nhất. Nếu làm được như vậy sẽ không còn phải lo có những lỗ hổng gây thất thoát, tạo cơ hội cho nhóm lợi ích trục lợi nữa.

PV:- Xin cảm ơn ông!

Không vì sai sót 1-2 dự án mà dừng đầu tư BT

Đầu tư theo hình thức BT hay dùng đất công để thanh toán cho nhà đầu tư được coi là một phương án tích cực để giải quyết vấn đề phát triển hạ tầng. Vì vậy, khi xem xét công văn chỉ đạo của Bộ Tài chính, tôi cho rằng còn nhiều vấn đề cần phải nhìn nhận lại.

Việc ban hành văn bản tạm dừng của Bộ Tài chính nhằm chấn chỉnh lại cơ chế thu hút đầu tư theo hình thức BT là cần thiết. Tuy nhiên, cách thực hiện như thế nào để tránh gây "sốc", gây khó cho các địa phương và nhà đầu tư cũng là việc Bộ Tài chính phải cân nhắc trước khi quyết định. Vì một dự án đã được triển khai mà phải dừng đột ngột sẽ gây thiệt hại rất lớn cho cả doanh nghiệp và xã hội. Nếu tất cả đều làm đúng thì không có cớ gì Bộ Tài chính phải yêu cầu tạm dừng một chủ trương đúng.

Do đó, giải pháp tháo gỡ rất quan trọng tại thời điểm này là Bộ Tài chính phải khẩn trương tổ chức gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với địa phương và nhà đầu tư để tránh việc tiếp tục phải trì hoãn, gây thiệt hại không đáng có.

Bên cạnh đó, cũng phải có cách nhìn đầy đủ và đúng đắn về câu chuyện đổi đất lấy hạ tầng hiện nay. Điều quan trọng là Bộ Tài chính phải đánh giá được dự án BT nào tốt, dự án BT nào chưa tốt, không nên đánh đồng các dự án, vì lo ngại sai sót ở 1-2 dự án để rồi phải dừng tất cả.

Đối với những dự án không có vết, tạm nói là dự án sạch thì cần phải có giải pháp để cho nhà đầu tư tiếp tục triển khai dự án.

Còn với những dự án có dấu hiệu tiêu cực, sai phạm phải quyết tâm điều tra, làm rõ, và phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc. Kể cả việc yêu cầu dừng dự án, thậm chí có thể buộc phải thu hồi nếu dự án chưa triển khai.

  • TS Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng bộ môn Luật đất đai, Đại học Luật Hà Nội

Đọc thêm