Tầm quan trọng của 'mảnh ghép' chữa lành sang chấn

(PLO) - Sang chấn tâm lý nếu không được hàn gắn có thể gây hậu quả suốt đời – đó là nhấn mạnh của bà Tô Thị Hạnh – Trưởng Nhóm hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn của Haga Việt Nam. Theo bà Hạnh, những hậu quả đó tác động lên cả thể chất, tâm lý lẫn hành vi xã hội. Vì thế, cần có hiểu biết về sang chấn để tăng cường hiệu quả hỗ trợ cho nạn nhân của mua bán người, xâm hại, bạo lực giới. 
Hình minh họa
Hình minh họa

Trang sinh ra trong một gia đình không hạnh phúc. Cha em làm việc ở một tỉnh khác và chỉ về nhà một, hai lần một tháng, nhưng những lần về thăm nhà của cha em không mang lại điều gì vui vẻ. Trang chứng kiến cha đánh đập mẹ tàn tệ và em cho rằng mình là nguyên nhân của sự bất hạnh cho gia đình. Từ suy nghĩ này em rất sợ bị bỏ rơi và luôn cố trở nên hoàn hảo. Em bị người chú xâm hại tình dục, nhưng em cũng chỉ tự trách mình chứ không dám nói ai vì sợ mọi người thêm lý do để chê trách, bỏ rơi mình. “Mình phải ngoan, phải ổn để không bị bỏ rơi” – Trang tự nhủ.

Tình trạng này kéo dài cho đến khi cha em ra tù trở về nhà và bắt đầu quát mắng em. Trang hoảng loạn đến mức không thể thở được và em đã liên lạc với Haga (là tổ chức phi chính phủ thành lập năm 1994 để đáp ứng nhu cầu của nhóm phụ nữ và trẻ em dễ bị tổn thương, năm 2009 Haga Việt Nam thành lập để cung cấp dịch vụ chăm sóc và bảo vệ phụ nữ từng trải qua bạo lực, xâm hại) qua đường dây nóng.

Tại Haga, Trang đã có thể chia sẻ câu chuyện của mình và sau 12 phiên tham vấn tâm lý, Trang đã hiểu bạo lực gia đình đã gây tổn thương và nỗi đau cho em. Bây giờ Trang đã có thể chấp nhận bản thân mình với tất cả các tổn thương và mảnh vỡ.

“Chỉ đến khi tôi có thể chấp nhận sự thật rằng tôi đã bị tổn thương, tôi mới có thể trân trọng chính con người mình. Tôi đang được hàn gắn” – Trang nói. Không chỉ thế, nhờ vượt qua sang chấn tâm lý, mối quan hệ giữa Trang và mẹ đã tốt hơn, thay vì áp lực em phải chịu khi phải đồng tình với mẹ im lặng trước bạo lực như trước đây.

Câu chuyện của Trang là một câu chuyện của trong rất nhiều câu chuyện của những người phụ nữ đã và đang được Haga hỗ trợ để chữa lành sang chấn tâm lý sau nỗi đau mà họ phải chịu từ việc mua bán người, xâm hại, bạo lực trên cơ sở giới.

Theo bà Trần Thị Bích Loan – Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới – Bộ LĐTB&XH, việc chưa có mô hình chuẩn dịch vụ cho nạn nhân bị bạo lực giới và quan niệm rằng bạo lực giới chủ yếu là bạo lực thể chất là những khoảng trống đang hiện hữu trong các chương trình can thiệp ở Việt Nam hiện nay. 

Sang chấn tâm lý nếu không được hàn gắn có thể gây hậu quả suốt đời – đó là nhấn mạnh của bà Tô Thị Hạnh – Trưởng Nhóm hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn của Haga Việt Nam. Theo bà Hạnh, những hậu quả đó tác động lên cả thể chất, tâm lý lẫn hành vi xã hội. Vì thế, cần có hiểu biết về sang chấn để tăng cường hiệu quả hỗ trợ cho nạn nhân của mua bán người, xâm hại, bạo lực giới. 

Được biết từ khi thành lập đến nay, Haga Việt Nam đã hỗ trợ người trải qua sang chấn trên 30 tỉnh, thành ở Việt Nam và vẫn đang tiếp tục với các địa phương khác. Nhiều cán bộ địa phương sau khi được tập huấn đã cho biết họ đã nhận ra hành vi và hành động của mình vô tình gây tái sang chấn cho nạn nhân. 

Có thể nói việc hàn gắn tâm lý qua hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn là một trong những “mảnh ghép” để lấp đầy dần khoảng trống về “việc chưa có mô hình chuẩn dịch vụ cho nạn nhân bị bạo lực giới” ở Việt Nam hiện nay.