Khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, đây là 2 Hiệp định quan trọng với nhiều nội dung mới, phát triển hơn so với các hiệp định tương tự trên thế giới. Vì vậy, việc tổ chức Hội thảo được kỳ vọng là cơ hội tốt để đánh giá các tác động về pháp lý của việc ký kết và thực hiện 2 Hiệp định này đối với Việt Nam.
Theo Thứ trưởng, Việt Nam đã có những bước đi rất dài trong quá trình hội nhập vào đời sống kinh tế quốc tế, bắt đầu bằng việc ký kết những hiệp định có nội dung đơn giản vào những năm 80, 90 rồi hội nhập ASEAN. Dấu mốc lớn nhất đầu tiên của nước ta là Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ đem lại tác động lớn trong quá trình hội nhập. Tiếp đến là quá trình hội nhập toàn cầu, toàn khu vực, trong đó có gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
“Trong bối cảnh trên, việc ký kết, thực hiện 2 Hiệp định có thể nói là nằm trong kế hoạch chiến lược của Việt Nam về hội nhập quốc tế” – Thứ trưởng Ngọc khẳng định.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu khai mạc |
Thứ trưởng cho biết, Việt Nam ngày nay được biết đến là một nền kinh tế có độ mở vào loại cao trên thế giới, ký kết nhiều hiệp định thương mại, đầu tư với mục tiêu đem lại cơ hội phát triển cho đất nước. Đồng thời, trong quá trình hội nhập, Việt Nam cũng đặc biệt quan tâm đến việc rà soát, đánh giá các quy định pháp luật trong nước để bảo đảm điều kiện thuận lợi vừa hoàn thiện pháp luật trong nước được đồng bộ, thống nhất vừa thực hiện các cam kết quốc tế, dần dần tiến tới những chuẩn mực quốc tế.
Về phía Bộ Tư pháp Việt Nam, Thứ trưởng cho biết Bộ được Chính phủ giao nhiệm vụ rà soát pháp luật đối với các hiệp định thương mại lớn. Điều đáng mừng là trong quá trình rà soát pháp luật để thực hiện cam kết trong hiệp định thương mại tự do, các hiệp định quốc tế khác, Bộ Tư pháp luôn thấy có sự đồng hành với những định hướng nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong hoàn thiện khung khổ pháp luật, cải cách tư pháp trong nước phục vụ phát triển. Chính sự phù hợp này làm cho quá trình rà soát pháp luật của các cơ quan Việt Nam có những thuận lợi nhất định.
Toàn cảnh Hội thảo |
“Điều đó cho chúng ta niềm tin là những công việc chúng ta làm đều có định hướng, mục đích rõ ràng. Và trong quá trình rà soát, chúng ta đã học hỏi, đạt những bước tiến quan trọng về tư duy, nhận thức trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật, hiểu rõ hơn những nghĩa vụ, quy định pháp lý, những vấn đề đặt ra cho Việt Nam, kể cả xử lý những vấn đề pháp luật quốc tế, tranh chấp quốc tế đặt ra trong quá trình hội nhập quốc tế” – Thứ trưởng chia sẻ,
Từ những gợi ý của Thứ trưởng Bộ Tư pháp, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã giúp Bộ nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, chính xác hơn về các tác động pháp lý, từ đó đề ra những giải pháp, kiến nghị để hoàn thiện pháp luật, thi hành 2 Hiệp định được hiệu quả, tận dụng được những cơ hội đem lại từ 2 Hiệp định cho sự phát triển của đất nước. Cụ thể, các chuyên gia đã đánh giá tác động, kiến nghị hoàn thiện pháp luật chung, pháp luật tố tụng; đánh giá yếu tố nguồn nhân lực về mặt pháp lý; đánh giá, kiến nghị hoàn thiện các thiết chế tư pháp, giải quyết tranh chấp.
TS Nguyễn Ngọc Hà nêu một số điểm mới trong EVFTA và IPA với pháp luật đầu tư Việt Nam |
TS Nguyễn Ngọc Hà (chuyên gia Ngân hàng Thế giới) nêu một số điểm mới trong EVFTA và IPA với pháp luật đầu tư Việt Nam như thành lập cơ quan tài phán thường trực (tòa đầu tư) thay thế cho cơ chế trọng tài đầu tư; các quy định mới về thời gian của quy trình tố tụng, về tăng cường tính minh bạch trong giải quyết tranh chấp, về thi hành phán quyết; bên thứ ba tài trợ cho vụ kiện; cơ chế giải quyết tranh chấp thay thế ngoài tài phán…
Một khuyến nghị đáng chú ý của ông Hà là Việt Nam có thể không cần phải sửa đổi, bổ sung ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật trong nước để thực thi Hiệp định mà cân nhắc áp dụng trực tiếp các cam kết trong IPA liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và nước tiếp nhận đầu tư.
Còn GS Jurgen Kurtz thì lưu ý Việt Nam một số khác biệt cần cân nhắc giữa các nghĩa vụ của Việt Nam với EVFTA và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) liên quan đến đảm bảo thị trường cho thương mại, nhà cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư, về nghĩa vụ thể chế, giá trị pháp lý/xã hội – chính trị.
Ông cũng chỉ ra một số khó khăn đến từ các khiếu kiện cố ý sẽ đem đến những rủi ro lớn hơn một cách đáng kể cho Việt Nam theo IPA. Cụ thể là thông qua lựa chọn người tham gia xét xử, sự khác biệt về kỹ năng giữa hội đồng trọng tài, cơ quan phúc thẩm.