Tận dụng mọi cơ hội để đẩy mạnh “trụ cột xuất khẩu”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Năm 2024, bối cảnh thế giới được dự báo tiếp tục có những chuyển biến lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Trong đó cần nhận diện một số xu hướng chính có tác động lớn đến phát triển công nghiệp và thương mại của Việt Nam, để từ đó có các “bài toán” xoay chiều cục diện, đẩy mạnh “trụ cột xuất khẩu”, nhằm đạt được những mục tiêu đã đề ra.
Ngay năm đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sầu riêng vào thị trường Trung Quốc đã có kết quả tốt. (Nguồn ảnh: baodaklak.vn)
Ngay năm đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sầu riêng vào thị trường Trung Quốc đã có kết quả tốt. (Nguồn ảnh: baodaklak.vn)

Nhận diện những áp lực từ toàn cầu

Theo Bộ Công Thương, kinh tế toàn cầu năm 2024 được dự báo tiếp tục đối mặt với những thách thức từ tăng trưởng yếu và lạm phát tăng cao, tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại chủ yếu do việc thắt chặt chính sách tiền tệ được thực hiện trong hai năm qua.

Báo cáo Triển vọng Kinh tế của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) cho thấy, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 dự kiến sẽ chậm lại ở mức 2,7% và sau đó tăng nhẹ lên 3% vào năm 2025, thấp hơn so với mức tăng trưởng của năm 2023 (đạt 2,9%) và thấp hơn nhiều so với mức bình quân 3,3%/năm của thập kỷ trước đại dịch. Trong đó, các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc… vẫn tiếp tục đối diện với những khó khăn, thách thức sẽ tác động trực tiếp đến triển vọng của các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam bởi đây là những đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam.

Bộ Công Thương nhận định, kết quả phát triển thời gian tới của Việt Nam sẽ phụ thuộc đáng kể vào khả năng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu (XK), gắn với tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), xử lý các rủi ro gắn với cạnh tranh thương mại - công nghệ giữa các nước lớn, khả năng ứng phó hiệu quả với các chính sách quốc tế có tác động mạnh mẽ đến các ngành, lĩnh vực như việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, các quy định cao về môi trường, lao động của EU, Hoa Kỳ đối với hàng XK.

Đáng chú ý, theo Bộ Công Thương, sản xuất và thương mại của Việt Nam sẽ bị tác động mạnh mẽ bởi nhiều xu hướng, trong đó, cần nhắc đến đầu tiên là xu hướng dịch chuyển nguồn cung về gần thị trường tiêu thụ để giảm thiểu các rủi ro gián đoạn nguồn hàng đang ngày càng rõ nét. Các tập đoàn đa quốc gia đang thực hiện chiến lược chuyển dịch chuỗi cung ứng, sản xuất đến gần với thị trường tiêu thụ và đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất (thay vì chỉ tập trung nhà máy sản xuất ở một số nước như Trung Quốc, Việt Nam). Hiện các tập đoàn đa quốc gia đang tập trung đầu tư các nhà máy sản xuất ở một số nước như Ấn Độ, Mexico, Braxin… làm gia tăng đối thủ cạnh tranh tại các thị trường XK chính của Việt Nam và ảnh hưởng trực tiếp đến thị phần của Việt Nam tại các thị trường này.

Bên cạnh đó, xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số ngày càng rõ nét. Chuyển dịch kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế phát thải carbon thấp đang định hình lại các hình thức, loại hình dự án đầu tư nước ngoài (FDI) trên toàn cầu, theo hướng giảm dần các dự án FDI tranh thủ thu lợi từ sự lỏng lẻo trong chính sách bảo vệ môi trường tại các nước đang phát triển. Việc các nước đang tiến tới áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu có thể ảnh hưởng nhất định đến dòng vốn đầu tư trực tiếp toàn cầu và chính sách thu hút FDI của mỗi nước.

Do đó, theo Bộ Công Thương, áp lực bên ngoài đối với sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024 đến từ cả 3 kênh, gồm kênh thương mại quốc tế khi nhiều nền kinh tế là đối tác lớn của Việt Nam tăng trưởng chậm, dẫn đến tổng cầu khó phục hồi mạnh, từ đó tác động đến kết quả XK; kênh đầu tư quốc tế khi mặt bằng lãi suất thế giới nhìn chung còn neo ở mức cao, khó thu hút vốn cho đầu tư nói chung và trực tiếp tạo áp lực không nhỏ trong việc giữ vốn đã đầu tư ở lại Việt Nam cũng như thu hút thêm vốn đầu tư mới; kênh tài chính tiền tệ với áp lực mất giá đồng nội tệ so với đồng USD, tuy thuận lợi phần nào cho XK, nhưng sẽ khiến chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao và làm tăng quy mô thanh toán của các khoản nợ nước ngoài.

Thúc đẩy các quan hệ kinh tế quốc tế theo chiều sâu

Hoạt động XK bắt đầu xuất hiện tín hiệu phục hồi tích cực từ các tháng cuối năm 2023. Sang năm 2024, cùng với việc khai thác tốt các FTA hiện có, việc kết thúc đàm phán, triển khai các FTA với các thị trường mới như Israel, UAE sẽ tiếp thêm cơ hội thúc đẩy thương mại, đầu tư và đặc biệt là XK của Việt Nam… Quan hệ chính trị tốt đẹp, được củng cố, nâng cấp với các đối tác lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU tạo tiền đề để hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư được mở rộng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, dù có những thuận lợi nhất định trong mở rộng thị trường cho hàng hóa Việt thì việc các nước phát triển ngày càng dựng lên những “hàng rào kỹ thuật” mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu sạch, lao động và môi trường... đối với các sản phẩm nhập khẩu. Điều này sẽ tiếp tục tác động bất lợi đến các nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam. Vì vậy, việc thâm nhập và mở rộng thị phần mang tính đột phá tại nhiều thị trường quốc tế thời gian tới sẽ có nhiều khó khăn, thách thức.

Dệt may Việt Nam đã được hưởng lợi từ việc mở rộng thị trường khi đã XK đến hơn 100 quốc gia. (Nguồn ảnh: chinhphu.vn)

Dệt may Việt Nam đã được hưởng lợi từ việc mở rộng thị trường khi đã XK đến hơn 100

quốc gia. (Nguồn ảnh: chinhphu.vn)

Trước tình hình đó, để tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là trụ cột XK, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, cần tiếp tục thực hiện thật tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc tận dụng tối đa các cơ hội, lợi thế từ các FTA đã ký kết; chú trọng khai thác các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng và phù hợp với các ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam.

Đồng thời, sớm xây dựng, ban hành Chiến lược mới về tham gia các thoả thuận thương mại tự do theo hướng chọn lọc đàm phán, ký kết các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới trên nguyên tắc bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc nhằm thúc đẩy các quan hệ kinh tế quốc tế theo chiều sâu, hiệu quả và thực chất. Tiếp tục đẩy nhanh đàm phán các FTA mới với các đối tác còn nhiều tiềm năng ở khu vực Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ… tạo dư địa cho hàng hoá Việt Nam, trong đó có các thị trường Halal (cung cấp sản phẩm dành cho người Hồi giáo).

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, việc thâm nhập thành công thị trường Halal có ý nghĩa rất quan trọng, bởi quy mô thị trường Halal toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới (dự kiến khoảng 10.000 tỷ USD vào năm 2028); cùng với đó, ngành công nghiệp Halal nói chung và thực phẩm Halal nói riêng cũng có quy mô lớn, tiềm năng tăng trưởng cao, trong khi Việt Nam được đánh giá là có thế mạnh trong lĩnh vực này.

Hiện Việt Nam đã ký kết và thực thi 19 FTA với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới; trong đó 16 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ kín các châu lục, chiếm gần 90% GDP toàn cầu, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế, tạo điều kiện thúc đẩy XK và cải thiện cán cân thương mại (chuyển từ thâm hụt sang thặng dư). Năm 2023 là năm thứ 8 liên tiếp Việt Nam có xuất siêu với mức thặng dư kỷ lục gần 30 tỷ USD, góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá hối đoái và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Đẩy mạnh đàm phán ký kết hiệp định thương mại tự do mới

Lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định, bước chạy nước rút về XK trong năm 2023 là kết quả của rất nhiều nỗ lực, từ doanh nghiệp, các thương vụ ở nước ngoài, các Bộ, ngành liên quan… trong đó, việc mở rộng được nhiều thị trường XK, dù chưa đáng kể nhưng sẽ là bước chạy đà tích cực để tạo ra những kỳ tích mới cho trụ cột XK của Việt Nam trong năm 2024 và các năm tới.

Trên cơ sở đó, trong công tác của năm 2024, Bộ luôn nhấn mạnh đến việc tập trung khai thác hiệu quả các FTA đã có hiệu lực và ký kết, triển khai các Hiệp định mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng; tăng cường khai thác các thị trường lân cận, còn tiềm năng, chuyển mạnh sang XK chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy XK bền vững. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, ký kết các FTA với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (như UAE, khối thị trường chung Nam Mỹ - MERCOSUR...) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh XK…

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường XK cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam; nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang XK chính ngạch.

Tiếp tục chú trọng công tác phòng vệ thương mại (PVTM) trước xu hướng gia tăng vụ việc điều tra PVTM đối với hàng hóa XK của Việt Nam. Trong đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả các đề án lớn về PVTM để tạo thuận lợi cho hàng hóa XK. Đồng thời, tập trung triển khai kịp thời, thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án 1335 “Thúc đẩy công tác đề nghị Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường trong các vụ việc PVTM”, góp phần tạo thuận lợi cho hàng hóa XK sang thị trường Hoa Kỳ.

Đọc thêm