Tản mạn chuyện ăn uống, dưỡng sinh tốt cho sức khỏe ngày Tết

(PLO) -Theo triết học phương Đông, “nhân thân vi tiểu thiên địa”, tức con người với thiên nhiên là một chỉnh thể thống nhất, liên kết chặt chẽ với nhau. Đạo dưỡng sinh theo tứ thời, thuận theo sự biến hóa âm dương (âm dương là đạo của thiên địa) ứng với học thuyết “thiên nhân hợp nhất”. Mùa xuân là khởi đầu một năm, là lúc trời đất chuyển mình thay thổi, ảnh hưởng đến sinh lý, bệnh lý của con người, vì vậy, cần có chế độ dưỡng sinh mùa xuân để giúp tăng cường sức khỏe, phòng tránh bệnh tật và thọ mệnh trời cho.
TS.Lương y Phùng Tuấn Giang
TS.Lương y Phùng Tuấn Giang

Tết đến xuân về là thời điểm bắt đầu của sự âm tiêu dương trưởng, vạn vật hồi sinh, khí trời ấm áp, khí đất phát sinh, vì vậy mùa xuân cần phải dưỡng “sinh” (mùa xuân chủ về sinh, mùa hạ chủ về trưởng, mùa thu chủ về thu liễm, mùa đông chủ về tàng).

Cổ nhân có câu “Trị vị bệnh” với ý nghĩa thực tiễn chỉ đạo dưỡng sinh bảo kiện: Phòng bệnh trước khi bị bệnh, có bệnh thì phòng biến chứng và bệnh cũ thì phòng tái phát.

Dưỡng sinh phòng chống bệnh tật mùa xuân bao gồm các phương pháp: Chế độ sinh hoạt khởi cư, ẩm thực, điều tiết tinh thần, phòng bệnh cũ tái phát sao cho thích hợp với quy luật tự nhiên, hòa với âm dương, thuật số và hợp với đạo “xuân hạ dưỡng dương, thu đông dưỡng âm”.

1.    Chế độ sinh hoạt khởi cư

Theo Hoàng đế nội kinh (Tố vấn – Tứ khí điều thần đại luận), đạo dưỡng sinh vào mùa xuân là nên đi ngủ muộn và thức dậy sớm (dưỡng dương), đi dạo bộ trong sân, dáng điệu hòa hoãn, điều này làm cho cái chí được sinh ra, hấp thụ tinh hoa xuân khí của thiên địa. Xuân khí là sinh mà không sát, nên cho mà không nên chiếm đoạt, nên thưởng thức (thưởng hoa, du ngoạn) mà không nên sát phạt. Nếu nghịch lại, sẽ làm tổn thương đến Can, đến mùa Hạ sẽ bị bệnh hàn, đó là vì xuân khí không “phụng” đủ khí “hạ trưởng” cho mùa hạ.

Nên đi ngủ muộn và thức dậy sớm (dưỡng dương), đi dạo bộ trong sân, dáng điệu hòa hoãn
Nên đi ngủ muộn và thức dậy sớm (dưỡng dương), đi dạo bộ trong sân, dáng điệu hòa hoãn

Mùa xuân đến, dương khí phát sinh, hoạt động của ngũ tạng tăng lên. Theo y học hiện đại thì đây là lúc tăng sự chuyển hóa cơ sở, tăng tiết hormone sinh dục vì vậy nhu cầu phòng dục cũng tăng lên. Chính vì lẽ đó mà vào mùa xuân không nên kiềm chế quá mức mà nghịch với tính thăng phát tự nhiên của dương khí. Cứ mỗi dịp tết là lúc có nhiều lễ hội, ăn uống, nhậu rượu say sưa, thức ngủ thất điều làm dễ dẫn đến tình trạng phóng túng quá độ, gây tổn hại đến tinh khí, vì vậy, tốt nhất không nên phòng dục khi cơ thể mệt mỏi, say rượu.

Khí hậu vào mùa xuân tuy ấm hơn nhưng khí lạnh vẫn còn (do dương khí mới phát sinh), ẩm thấp (ảnh hưởng của tiết Thủy vũ), nhiều gió (phong là chủ khí của mùa xuân). Mộc khí thịnh phản vũ phế kim, phế khí suy yếu, các huyệt đạo mở, phong, hàn, thấp tà dễ dàng thừa cơ thâm nhập vào cơ thể làm phát sinh ngoại cảm. Vì vậy, hạn chế tiếp xúc với phong, hàn, thấp cần mặc đủ ấm, nhất là lúc sáng sớm và buổi tối.

Mùa đông là lúc thời tiết lạnh, việc tập luyện thể lực cũng thường bị hạn chế, nên mùa xuân là lúc nên ra ngoài, chọn nơi có không gian thoáng đãng để đi dạo bộ, tập luyện những bài tập dưỡng sinh nhẹ nhàng như Thái cực quyền, yoga…  để giúp điều tiết âm dương thông qua điều tiết khí huyết, kinh lạc, tạng phủ làm tăng cường công năng của ngũ tạng, bớt tư lự, giảm ham muốn, điềm đạm hư vô mà đạt được sự sung mãn của tinh để hóa khí, khí sung mãn để hóa thần, thần sung mãn để hoàn hư.

2.    Ẩm thực hữu tiết

Mùa Xuân ứng với tạng Can, thuộc mộc, chủ về vị toan (chua), vì vậy, nếu ăn nhiều vị chua vào mùa xuân sẽ làm mộc khí càng vượng, khắc Tỳ thổ quá mạnh. Theo Thiên kim yếu phương (Tôn Tư Mạo) thì vào mùa xuân nên hạn chế ăn quá chua, tăng vị cay (tân) để ôn ấm cơ thể, chế át mộc khí để cân bằng ngũ hành ứng với ngũ tạng, hạn chế những thứ khó tiêu để dưỡng Tỳ Vị.

Theo yếu chỉ “xuân hạ dưỡng dương” vì vậy trong ẩm thực nên chọn những đồ có tác dụng trợ dương (những thực phẩm có vị cay, ấm). Không nên ăn các món giàu chất béo và đạm động vật mà nên chuyển thành các món ăn thanh đạm, hạn chế uống rượu, ít ăn bánh chưng bánh nếp (theo Ẩm thiện chính yếu).

Trong ẩm thực nên chọn những đồ có tác dụng trợ dương (những thực phẩm có vị cay, ấm).
Trong ẩm thực nên chọn những đồ có tác dụng trợ dương (những thực phẩm có vị cay, ấm).

Những món ăn quen thuộc của ngày Tết như bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, chả giò, nem rán, bánh kẹo ngọt… đó là nét văn hóa truyền thống của dân tộc ta tuy nhiên đó đều là những món giàu chất béo, ngọt, nhiều calo và không tốt cho sức khỏe nếu ăn quá nhiều (đồ béo ngọt gây nê trệ làm ảnh hưởng đến công năng vận hóa của tỳ vị, dưa hành có chứa nhiều muối gây ảnh hưởng đến tạng thận). Vì vậy, những ngày Tết nên ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, các loại gia vị cay ấm (gừng, rau mùi…), thay rượu bia, nước có gas bằng các loại trà thảo dược dưỡng sinh, nước ép trái cây tươi.      

3.    Điều tiết tinh thần

Theo định nghĩa về sức khỏe của WHO thì: Sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tinh thần và xã hội và không phải chỉ bao gồm có tình trạng không có bệnh hay thương tật. Chính vì vậy, để có được sức khỏe toàn diện, chúng ta không chỉ quan tâm đến tình trạng bệnh tật mà cần phải quan tâm đến cả vấn đề tinh thần. Theo y học cổ truyền phương Đông, sức khỏe bao gồm: Khí huyết hòa (khí huyết vận hành hòa sướng, cơ thể hoạt động bình thường), ý chí hòa (tinh thần hoạt động bình thường), hàn ôn hòa (có khả năng thích ứng với ngoại cảnh).

Điều tiết tinh thần cũng là pháp dưỡng sinh quan trọng giúp tăng sức khỏe và phòng tránh bệnh tật, nhất là thuận theo tứ thời để đạt được trạng thái tinh thần tốt nhất. Tạng Can (thuộc mộc, ứng với mùa xuân) chủ về sơ tiết, nếu chức năng tạng Can bị ảnh hưởng sẽ dễ bị kích động, phát sinh nộ khí. Cần phải giữ tinh thần thoải mái, lạc quan, vui vẻ để ứng với trạng thái tươi tốt, bừng tỉnh của mùa xuân.                 

4.    Phòng cựu bệnh tái phát                                                                                                                                                                                                                                                                                     

Ngoài việc dưỡng sinh nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật mùa xuân (ôn bệnh, dịch lệ) cần phải chú ý phòng chống bệnh cũ (cựu bệnh) tái phát hoặc ngăn ngừa làm nặng thêm những bệnh mãn tính.

Chú ý phòng bệnh cũ tái phát
Chú ý phòng bệnh cũ tái phát

Cứ mỗi khi xuân về, cổ nhân thường dùng 3 – 5 thang thuốc  “Tiểu tục mệnh ” để phòng bệnh, nâng cao sức khỏe. Hoặc theo “Thọ thế bí điển”, tháng 3 hái hoa đào, ngâm với rượu làm giao lễ uống dần, vừa trừ được bách bệnh vừa làm đẹp dung nhan. Đó là những phương thuốc, kinh nghiệm quý báu mà người xưa để lại giúp phòng chống bệnh tật mùa xuân.

-       Tiểu tục mệnh thang: Ma hoàng 6g, Phòng kỷ  10g, Nhân sâm 6g, Hoàng cầm 10g, Quế tâm 6g, Cam thảo 6g, Thược dược 10g, Phụ tử 6g, Phòng phong 10g, Sinh khương  6g, Xuyên khung 10g, Hạnh nhân 10g. Sắc uống ngày 1 thang. Tác dụng: Khu phong tán hàn, ích khí hoạt huyết.

TS.Lương y Phùng Tuấn Giang (Thọ Xuân Đường)

Đọc thêm