Cụ thể, ông Biden đã ký các sắc lệnh để giải quyết một loạt các vấn đề cấp bách, từ kinh tế, dịch bệnh, tới môi trường như liên quan đến vấn đề nhập cư, biến đổi khí hậu, bình đẳng sắc tộc và xử lý đại dịch Covid-19.
"Tôi tự hào về những hành động điều hành của mình ngày hôm nay. Tôi sẽ bắt đầu thực hiện những cam kết mà tôi đã đưa ra với người dân Mỹ”, tân Tổng thống Biden cho biết như vậy ngay sau lễ nhậm chức.
Tân Tổng thống Biden đã ký sắc lệnh chấm dứt việc đầu tư cho dự án xây bức tường biên giới, hủy bỏ lệnh cấm đi lại đối với người Hồi giáo, đưa Mỹ quay trở lại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đưa Mỹ tham gia trở lại Thỏa thuận Khí hậu Paris và bãi bỏ việc phê chuẩn dự án đường ống dầu khí Keystone XL.
Dưới thời chính quyền tiền nhiệm, Tổng thống Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia ở biên giới phía nam để tập trung nguồn ngân sách xây dựng một bức tường ở biên giới. Vào tháng 1/2017, chính quyền Tổng thống Trump lần đầu tiên áp dụng một lệnh cấm đến Mỹ đối với người nước ngoài đến từ 7 quốc gia có đa số là người Hồi giáo bất chấp việc tòa án nhiều lần yêu cầu chính quyền sửa đổi lệnh cấm này.
Ngay những giờ phút đầu trở thành tân Tổng thống, ông Biden đã ký sắc lệnh dừng dự án xây dựng bức tường ở biên giới giữa Mỹ và Mexico đồng thời hủy bỏ luôn cái gọi là “lệnh cấm đi lại đối với người Hồi giáo” của chính quyền ông Trump.
"Điều thứ ba tôi thực hiện ngay khi các bạn đang có mặt ở cả đây là cam kết chúng ta sẽ quay trở lại Thỏa thuận Khí hậu Paris bắt đầu từ ngày hôm nay”, ông Biden phát biểu.
Chính quyền của tân Tổng thống Biden cũng nhanh chóng đưa ra quyết định để Mỹ quay trở lại tham gia vào WHO sau khi ông Trump hồi tháng Năm năm ngoái bất ngờ rút Mỹ ra khỏi tổ chức này và ngừng không cấp ngân sách cho các sáng kiến về y tế cộng đồng khác. Cựu Tổng thống Trump cáo buộc WHO giúp Trung Quốc che giấu thông tin về nguồn gốc của Covid-19.
Ngay sau khi nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ, ông Biden đã ký đến 17 sắc lệnh tổng thống để hủy bỏ một loạt chính sách trước đây của ông Trump, trong đó có cả việc dừng dự án đường ống Keystone XL và hủy bỏ dự án phát triển dầu mỏ, khí đốt trên các vùng đất hoang dã.
Bên cạnh đó, ông chủ mới của Nhà Trắng cũng ra lệnh đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội tại mọi tòa nhà liên bang và khu vực liên bang, đồng thời sẽ chấm dứt tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia - vốn là cơ sở để chuyển một số khoản ngân sách liên bang sang dự án xây dựng bức tường dọc biên giới với Mexico.
Các nước lạc quan về triển vọng hợp tác với Mỹ
Trong ngày Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức, nhiều quốc gia đã lên tiếng bày tỏ về sự lạc quan trong triển vọng hợp tác với chính quyền mới tại Nhà Trắng.
Liên minh châu Âu EU dành những lời mạnh mẽ, nói rằng EU sau 4 năm thì đã có "một người bạn trong Nhà Trắng". Các lãnh đạo EU đang chờ đợi sự chuyển biến mới trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Ông Joe Biden cũng đã được mời tới dự một hội nghị thượng đỉnh ở Brussels ngay khi ông sẵn sàng.
Nga thì quan tâm tới việc hạn chế một viễn cảnh hai siêu cường chạy đua vũ trang, nên đang hy vọng thỏa thuận Kiểm soát Vũ khí Chiến lược (New START) sẽ được gia hạn.
Iran đang hối thúc ông Joe Biden quay trở lại với thỏa thuận hạt nhân, đồng thời từ bỏ chính sách gây sức ép tối đa.