Lễ kỷ niệm được diễn ra từ ngày 12-14/10 (nhằm ngày 10, 11 và 12/9 Âm lịch). Đây là hoạt động thường niên không chỉ tưởng nhớ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực mà còn góp phần giới thiệu hình ảnh khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo (Long An).
AHDT Nguyễn Trung Trực có tên thật là Nguyễn Văn Lịch, lúc nhỏ ông có tên là Chơn, từ năm 1859 đổi tên là Lịch, do tính tình ngay thẳng nên thầy dạy học đặt tên cho ông là Nguyễn Trung Trực. Ông sinh năm 1838 ở Xóm Nghề - một địa danh khá lâu đời ở phủ Tân An xưa, xóm làm nghề chài lưới nhỏ ven bờ sông Vàm Cỏ Đông (nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An).
Đền tưởng niệm AHDT Nguyễn Trung Trực |
“Cụ Nguyễn” xuất thân là dân chài, lại giỏi võ nghệ, quả cảm, ông đã cùng với hàng ngàn nghĩa quân đứng lên, lấy sức trẻ và lòng yêu nước, dựng cờ khởi nghĩa và lập nhiều chiến công.
Lúc bấy giờ, đứng trước cảnh đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, Nguyễn Trung Trực tham gia vào nghĩa quân Trương Định. Được sự giúp đỡ của hương chức làng Nhựt Tảo, ông xây dựng một kế hoạch thông minh, táo bạo đốt chiến hạm Hy Vọng đang hoạt động tại Vàm Nhựt Tảo.
Người dân khắp nơi về dự lễ giỗ AHDT Nguyễn Trung Trực |
Ngày 10/12/1861, Nguyễn Trung Trực đã cùng 59 nghĩa quân lên 5 ghe nguỵ trang thành ghe buôn lúa tiến sát tàu địch. Trong lúc trình giấy thông hành, ông bất ngờ giết tên lính gác rồi cùng nghĩa quân tràn lên tấn công quân Pháp trên tàu L’ Esperance. Không kịp trở tay, đa số địch trên tàu bị tiêu diệt (chỉ có 5 tên chạy thoát).
Sau trận Nhựt Tảo, danh tiếng Nguyễn Trung Trực vang dội khắp nơi. Ngày 16/12/1862, ông cùng nghĩa quân tấn công một tiểu hạm của Pháp đậu ở rạch Tra (xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa), diệt đại úy Thouroude và một số lính Pháp.
Nhiều hoạt động tại lễ kỷ niệm 156 năm ngày AHDT Nguyễn Trung Trực hy sinh |
Đêm 16/6/1868, “Cụ Nguyễn” chỉ huy 100 nghĩa quân trang bị gươm giáo, dùng ghe biển từ Hà Tiên lên Rạch Giá. Đến khoảng 4 giờ sáng 17/6, nhân lúc trời mưa, nghĩa quân đột nhập đồn Rạch Giá tiêu diệt 72 tên Pháp, trong đó có viên Chánh chủ tỉnh và trung úy đồn trưởng Sauteme. Sau khi Pháp tái chiếm Kiên Giang, Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân ra đảo Phú Quốc tiếp tục kháng chiến và bị thực dân Pháp bao vây, ông đã hy sinh thân mình để cứu dân và bảo toàn lực lượng.
Sau nhiều lần đem danh lợi ra chiêu dụ ông đầu hàng nhưng không thành, ngày 27/10/1868 (nhằm 12/9 năm Mậu thìn) thực dân Pháp xử chém ông tại Rạch Giá. Nguyễn Trung Trực hy sinh đã để lại cho đời câu nói bất hủ “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”.
Chiến công của AHDT Nguyễn Trung Trực là một trang sử chói lọi |
Để ghi nhớ tấm gương bất khuất của AHDT Nguyễn Trung Trực, năm 1989 tại quê hương Long An, bia lưu niệm ông được dựng tại Xóm Nghề, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức và Đền thờ Nguyễn Trung Trực và bia chiến thắng tại Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo, xã Bình Tân, huyện Tân Trụ.
Lễ giỗ AHDT Nguyễn Trung Trực hàng năm thể hiện chiến công của ông là một trang sử chói lọi được người đời ghi nhớ, cũng khẳng định ý chí quyết tâm tiếp bước cha ông bảo vệ quê hương của thế hệ sau.