TAND Ba Đình “bỏ lọt” tình tiết khi xử một vụ kiện hành chính

(PLO) - Kết thúc phiên xử sơ thẩm của TAND quận Ba Đình về vụ kiện hành chính giữa công dân của quận với UBND quận Ba Đình (Hà Nội) ngày 25/09/2013, người dân đã ngậm ngùi… thua kiện. Trước phiên xử phúc thẩm vụ kiện này, chúng tôi điểm lại bản chất của vụ kiện, đồng thời đưa ra những tình tiết mà Tòa cấp sơ thẩm “bỏ lọt” nhằm có lợi cho phía bị đơn khiến bên nguyên đơn bức xúc và dư luận không đồng tình. 
Hình minh họa
Hình minh họa
Quyết định một đằng, thu hồi đất một nẻo!
Ngày 2/1/2000, bà Nguyễn Thị Chinh (SN 1933) trú tại số 17 ngõ 131 đường Hồng Hà, phường Phúc Xá (Ba Đình - Hà Nội) mua của ông Trương Văn An ngôi nhà diện tích 20m2 và 100m2 đất tại xóm 43 hộ ven đê Phúc Xá. Việc mua bán hai bên làm giấy tờ viết tay có xác nhận của chính quyền sở tại.
Ngày 18/12/1992, tại Quyết định số 3296 , UBND TP.Hà Nội giao cho UBND quận Ba Đình 4ha đất, địa điểm tại hồ Phúc Xá, nêu rõ: “Để xây dựng khu nhà ở phục vụ việc di dân giải phóng mặt bằng (GPMB) làm đường (không giải quyết cho bất kì đối tượng nào khác ngoài đối tượng kể trên (tức 43 hộ ) ven đê)”.
Ngày 30/5/2005, bỗng một Quyết định “trời giáng” tới bà Chinh và hơn bốn chục hộ ven đê Phúc Xá: Đó là Quyết định số 865 của UBND quận Ba Đình “V/v phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất của bà Nguyễn Thị Chinh để xây dựng hoàn thiện hạ tầng khu di dân 4ha phường Phúc Xá, quận Ba Đình”. Quyết định này rất vô lý, mâu thuẫn vì dự án đã được thực hiện và quyết toán xong từ năm… 1998. 
Bị phản ứng của các hộ dân và bà Chinh tố cáo, UBND quận Ba Đình mới được UBND TP ra Quyết định (ngày 13/8/2007), nêu rõ: “GPMB 48 hộ trên diện tích 5.364,7m2” . Sau đó, ngày 8/10/2007 UBND quận Ba Đình mới ra Quyết định số 2206 giao cho Ban Quản lý dự án (QLDA) quận Ba Đình, cũng nêu rõ: “GPMB 48 hộ dân trên diện tích 5.374,7m2”. 
Như vậy, cả hai văn bản đều khẳng định 48 hộ dân nằm trong diện tích 5.374,7 m2. Thế nhưng, tất cả các quyết định liên quan của quận Ba Đình và thành phố Hà Nội đều “vin” rằng các hộ nằm trong diện tích 4ha để thu hồi đất của công dân, trong đó bà Chinh là người cực lực phản đối.
Ngày 26/9/2008, UBND quận Ba Đình ban hành Quyết đinh số 521, buộc gia đình bà Chinh phải bàn giao mặt bằng trước ngày 5/10/2008. Ngày 20/10/2008, UBND quận Ba Đình ra tiếp Quyết định số 729 về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành Quyết định 521 ngày 26/9/2008. 
Gia đình bà Chinh không chấp nhận với các quyết định trên của UBND quận Ba Đình, bởi việc thu hồi đất không minh bạch, không đúng trình tự và thủ tục, không đúng mục đích, đối tượng, vi phạm quy hoạch của TP.Hà Nội; việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho gia đình bà cũng không đúng quy định của pháp luật. Vì không chấp nhận nên bà Chinh cũng không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của quận Ba Đình và thành phố, nên khởi kiện UBND quận Ba Đình.
Tòa xử - không có bị đơn và… đuối lý?!
Tại phiên xử sơ thẩm vụ án hành chính ngày 25/9/2013 của TAND quận Ba Đình, phía nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Chinh đã ủy quyền cho bà Trần Minh Nguyệt (con gái, SN 1956) có mặt. Phía bị đơn UBND quận Ba Đình do ông Đỗ Viết Bình - Chủ tịch quận làm đại diện, nhưng ủy quyền cho ông Vũ Kim Khánh - Phó Giám đốc Ban QLDA quận Ba Đình, nhưng … vắng mặt. 
Bởi thế, Luật sư Đặng Văn Cường thuộc Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) bất đắc dĩ phải tranh tụng với người giữ quyền công tố là kiểm sát viên VKSND quận Ba Đình.
Trong phiên sơ thẩm, qua hồ sơ vụ án và phần thẩm vấn công khai, UBND quận Ba Đình không xuất trình được bất kì quyết định nào liên quan đến việc thu hồi đất tổng thể với 534,7m2 tại khu di dân 4ha Phúc Xá; không đưa ra quyết định thu hồi đất đối với hộ bà Chinh cũng như không xuất trình được quy hoạch thoát lũ và làm vườn hoa cây cảnh. 
Nhưng Tòa cấp sơ thẩm “vận dụng” vào Công văn số 1949 ngày 6/6/2005 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, theo Quyết định 181/2004/NĐ-CP: “…Những hộ gia đình, cá nhân có đất thu hồi chưa được điều tra thống kê về đất, tài sản trên đất, chưa lập và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho từng hộ gia đình thì UBND quận, huyện không phải ra quyết định thu hồi đất…”. 
Đó là “cơ sở” của TAND quận Ba Đình. Nhưng việc quyết định thu hồi một nơi, lấy đất một nẻo của quận Ba Đình như đã làm sáng tỏ, thì Tòa giải thích sao đây?.
Với việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho gia đình bà Chinh, tại Mục 2, Điều 34 Nghị định 197/2004/NĐ-CP và Điểm d Khoản 1 Điều 545 Quyết định 18/2008/QĐ-UBND của TP.Hà Nội có quy định: “Ưu tiên tái định cư tại chỗ cho người bị thu hồi đất tại nơi có dự án tái định cư”. Vậy sao UBND quận Ba Đình lại “bát xê” cho bà Chinh mua một căn hộ tái định cư tận bên kia… Đông Anh? 
Nhân đây, Tòa cấp phúc thẩm TAND TP.Hà Nội cũng cần phải làm rõ: UBND quận Ba Đình cấp đất tái định cư tại chỗ cho những đối tượng nào, là những ai? Không thể mợp mờ và khuất tất để đến khi dự án hoàn thành thì… tất cả đã rồi.
Theo tố cáo của bà Trần Thị Nguyệt với các cơ quan chức năng và cơ quan báo chí - truyền thông: “Trong diện tích 5.364,7 m2 hiện đã chia thành 34 ô đất tái định cư. Ngoài ra, họ còn giao cho Ban Quản lý chợ Long Biên kinh doanh bến bãi, mỗi tháng thu khoảng 200-300 triệu đồng thì ai được hưởng khoản tiền này?”. Từ đây, dấu hiệu tiêu cực và tham nhũng đất đai được hé lộ.
Từ những viện dẫn và phân tích trên, việc bà Nguyễn Thị Chinh khởi kiện và đòi hủy các quyết định hành chính là có căn cứ và cơ sở mà TAND TP.Hà Nội cần làm rõ trong phiên xử phúc thẩm tới đây.

Đọc thêm