Quy định về đối tượng bị kiện trong vụ án hành chính

Để tránh việc người dân hiểu lầm về đối tượng bị kiện trong vụ án hành chính, mới đây Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Tố tụng Hành chính...
Để tránh việc người dân hiểu lầm về đối tượng bị kiện trong vụ án hành chính, mới đây Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Tố tụng Hành chính.

Xác định rõ người bị kiện

Khoản 7 Điều 3 của Luật Tố tụng Hành chính (TTHC - có hiệu lực từ ngày 1/7/2011) quy định: Người bị kiện là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri bị khởi kiện; do đó, để xác định đúng người bị kiện khi nào là cá nhân, khi nào là cơ quan, tổ chức thì phải căn cứ vào quy định của pháp luật về thẩm quyền giải quyết vụ việc đó. Trường hợp có nhiều luật cùng quy định thẩm quyền ra quyết định hành chính hoặc thực hiện hành vi hành chính về một lĩnh vực quản lý thì việc xác định thẩm quyền của người bị kiện khi nào là cá nhân, khi nào là cơ quan, tổ chức phải căn cứ vào luật chuyên ngành.

Chẳng hạn như, có hai quyết định hành chính bị khởi kiện và hai quyết định hành chính này đều do Chủ tịch UBND cấp huyện ký (một quyết định về xử phạt vi phạm hành chính và một quyết định thu hồi đất của hộ gia đình). Căn cứ vào quy định của pháp luật về thẩm quyền giải quyết các vụ việc này thì người bị kiện trong vụ án hành chính về khiếu kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính là cá nhân Chủ tịch UBND cấp huyện (Điều 29 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính), còn người bị kiện trong vụ án hành chính về khiếu kiện quyết định thu hồi đất của hộ gia đình là UBND cấp huyện (Điều 44 Luật Đất đai).

Người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 3 của Luật TTHC là người có chức vụ, chức danh cụ thể và theo quy định của pháp luật thì người có chức vụ, chức danh đó mới có thẩm quyền ra quyết định hành chính hoặc có hành vi hành chính. Trường hợp quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính do một người cụ thể ký hoặc thực hiện, nhưng người đó ký quyết định hành chính hoặc thực hiện hành vi hành chính với danh nghĩa một chức vụ, chức danh có thẩm quyền thì quyết định hành chính, hành vi hành chính đó là của người đảm nhiệm chức vụ, chức danh đó. Chẳng hạn, Quyết định hành chính do ông Nguyễn Văn A ký với danh nghĩa Chủ tịch UBND  huyện B thì gọi là quyết định hành chính của Chủ tịch UBND huyện B mà không gọi là quyết định hành chính của ông Nguyễn Văn A.

Bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính

Theo quy định tại Đoạn 1 Điều 6 Luật TTHC thì người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hành chính có thể đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại. Thiệt hại trong trường hợp này là thiệt hại thực tế do có quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh gây ra. Trường hợp người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu bồi thường thiệt hại thì có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ. Trường hợp cần thiết, Tòa án có thể thu thập thêm chứng cứ để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án được chính xác.

Hội đồng Thẩm phán TANDTC cũng lưu ý, khi giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại cần phân biệt các trường hợp sau:

Trường hợp Tòa án giải quyết cả phần yêu cầu bồi thường thiệt hại cùng với việc giải quyết vụ án hành chính mà phần quyết định của bản án về bồi thường thiệt hại bị kháng cáo hoặc kháng nghị hoặc bị Tòa án cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm hủy để xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm lại thì phần quyết định về bồi thường thiệt hại trong các trường hợp này là một phần của vụ án hành chính. Thủ tục giải quyết đối với phần quyết định về bồi thường thiệt hại bị kháng cáo, kháng nghị hoặc bị hủy để xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm lại được thực hiện theo quy định của Luật TTHC;

Trường hợp Tòa án tách phần giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại để giải quyết sau bằng một vụ án dân sự khác thì thủ tục giải quyết được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Đông Quang