Điểm mới tại dự thảo Thông tư này là chi phí kinh doanh xăng dầu định mức, tức chi phí lưu thông xăng dầu (chi phí bán buôn, chi phí bán lẻ ở nhiệt độ thực tế) trong nước của các thương nhân đầu mối (đã bao gồm chi phí dành cho tổng đại lý, đại lý) để tính giá cơ sở đã tăng lên gần 200 đồng/lít.
Theo đó, chi phí bình quân giữa các vùng trong cả nước đối với xăng tối đa 1.050 đồng/lít, tăng 190 đồng/lít so với hiện nay. Đối với mặt hàng dầu hỏa, dầu diezen, chi phí bình quân giữa các vùng trong cả nước là 950 đồng/lít, thay vì mức ngang bằng với xăng theo quy định hiện hành. Chi phí bình quân giữa các vùng trong cả nước đối với dầu Mazut tối đa là 600 đồng/kg.
Trong khi chi phí định mức được điều chỉnh tăng thì lợi nhuận định mức vẫn giữ nguyên ở 300 đồng/lít và sẽ được Bộ Tài chính Thông báo điều chỉnh phù hợp với thực tế kinh doanh của các thương nhân đầu mối trong từng thời kỳ.
Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư cũng quy định cách sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Quỹ bình ổn giá sẽ được thực hiện thường xuyên, liên tục và được trích lập bằng một khoản tiền cụ thể, cố định trong giá cơ sở theo quy định tại Nghị định 83 là 300 đồng/lít ở nhiệt độ thực tế đối với các loại xăng động cơ, các loại dầu Diesel, dầu hỏa, nhiên liệu sinh học và 300 đồng/kg đối với các loại dầu Mazut thực tế tiêu thụ và được xác định là một khoản mục chi phí trong cơ cấu giá cơ sở của thương nhân đầu mối.
Theo đó, Quỹ Bình ổn giá được thương nhân đầu mối hạch toán riêng bằng một tài khoản mở tại ngân hàng nơi thương nhân đầu mối có giao dịch. Quỹ Bình ổn giá chỉ được sử dụng khi có sự cho phép bằng văn bản của Liên Bộ Công thương – Tài chính bằng văn bản. Còn lại, không được sự dụng Quỹ Bình ổn giá để cấp vốn kinh doanh hoặc sử dụng vào mục đích khác./.