Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng khi nắng nóng gay gắt trên diện rộng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước nguy cơ xảy ra cháy rừng tại nhiều địa phương do tình hình nắng nóng gay gắt trên diện rộng, UBND tỉnh Phú Thọ đã ký ban hành Công điện số 2/CĐ-UBND về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn.
Huyện Thanh Sơn tổ chức diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng. Ảnh: Phương Thanh
Huyện Thanh Sơn tổ chức diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng. Ảnh: Phương Thanh

Công điện nêu rõ: theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, Đài Khí thượng Thủy văn khu vực Việt Bắc, thời gian tới tình trạng nắng nóng và khô hạn sẽ diễn ra ở nhiều địa phương, nguy cơ cháy rừng cao, nhất là các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, Cẩm Khê, Tam Nông.

Để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu thiệt hại tối đa do cháy rừng gây ra; đồng thời, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy rừng của Cục Kiểm lâm, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Việt Bắc.

Xác định cụ thể các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng, thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng, các bản tin dự báo, cảnh báo cháy rừng đối với từng khu vực trên địa bàn tỉnh.

Chỉ đạo các Ban quản lý rừng, lực lượng Kiểm lâm thường xuyên tổ chức tuần tra PCCCR trong suốt thời gian cao điểm, các ngày nắng nóng; duy trì chế độ trực 24/24 giờ hằng ngày để theo dõi, cập nhật, xử lý kịp thời các tình huống cháy rừng xảy ra trong lâm phận quản lý. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo khi có cháy rừng xảy ra…

UBND tỉnh Phú Thọ cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị kiểm tra lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; phân công ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô, các ngày năng nóng; bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy rừng cao. Kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động các lực lượng tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lớn.

Khi có cháy rừng xảy ra, các địa phương, đơn vị và các chủ rừng phải phát hiện kịp thời, huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ để xử lý, đồng thời báo cáo ngay về các cơ quan có thẩm quyền để chỉ đạo huy động lực lượng hỗ khi cần thiết.

Nếu địa phương nào để xảy ra cháy rừng mà không chỉ đạo xử lý, huy động lực lượng, phương tiện, báo cáo kịp thời, gây thiệt hại lớn về tài nguyên rừng, tính mạng, tài sản nhà nước và nhân dân thì Chủ tịch UBND cấp đó phải chịu trách nhiệm../

Đọc thêm