Khó khăn chồng chất
Theo VSSA, nếu như trong vụ sản xuất 2017-2018, sản lượng đường sản xuất được 1,47 triệu tấn, thì trong khi niên vụ 2018-2019 con số này chỉ còn 1,17 triệu tấn. Tổng diện tích mía nguyên liệu hiện đã giảm khoảng 30-60% so với các năm trước. Việc thiếu mía nguyên liệu buộc các nhà máy duy trì sản xuất công suất thấp. Đã có 17/30 nhà máy đường thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu.
Theo tính toán, chi phí đầu tư mỗi 1.000 m2 mía khoảng 7 triệu đồng nhưng chỉ thu được khoảng phân nửa khiến nông dân nợ ngân hàng rất nhiều, một số vùng thua lỗ nặng, nông dân phải bỏ ruộng mía vì càng đầu tư càng lỗ. Nhiều hộ dân chuyển sang trồng cây khác hoặc nuôi trồng thủy sản…
Nguyên nhân được VSSA chỉ ra là tình trạng gian lận thương mại, buôn lậu đường. Hơn 2 năm qua, việc gian lận thương mại, buôn lậu đường quy mô lớn từ Thái Lan, qua Campuchia vào biên giới các tỉnh Tây Nam Việt Nam và đưa vào thị trường tiêu thụ đã khiến cho 1/3 các nhà máy đường Việt Nam đóng cửa, nhiều cánh đồng mía bỏ hoang vì thua lỗ. Theo VSSA, mỗi năm đường Thái Lan nhập lậu vào Việt Nam khoảng 500 nghìn tấn, năm 2019 khả năng lên tới 800 nghìn tấn…
Đáng ngại, theo lộ trình cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa Asean (ATIGA), từ ngày 1/1/2020, mặt hàng đường từ các nước trong khối ASEAN vào Việt Nam sẽ được xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu, với thuế suất nhập khẩu chỉ 5%. Việc gia nhập và thực thi Hiệp định ATIGA sẽ càng tạo ra những áp lực rất lớn đối với ngành mía đường…
Chốt chặn đường lậu 24/24h
Số liệu công bố tại Hội nghị Bàn các giải pháp chống buôn lậu đường cát và tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường Việt Nam do Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia (Ban 389) tổ chức hôm 30/10 cho biết, từ năm 2018 đến hết 9 tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 876 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 1 tỷ đồng, thu giữ hơn 3.000 tấn đường vi phạm trị giá trên 12,5 tỷ đồng.
Tại Hội nghị, ông Trương Văn Ba, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban 389 cho biết, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng đường qua biên giới vẫn diễn ra theo chiều hướng phức tạp, có xu hướng tăng, phương thức hoạt động ngày càng tinh vi. Một trong những thủ đoạn mà các đối tượng buôn lậu sử dụng phổ biến là thực hiện các hoạt động sản xuất, sang chiết, phối trộn đóng gói. Sau công đoạn đóng bao mới, nhãn mác của Việt Nam đường nhập lậu sẽ biến thành đường nội địa đem đi tiêu thụ...
Tinh vi hơn các đối tượng đã tham gia đấu giá đường (đưa giá rất cao để không ai có thể cạnh tranh được) từ những đợt thanh lý hàng buôn lậu, sau đó sử dụng hồ sơ đó quay vòng cả năm cho các lô đường nhập lậu khác; đưa bao bì in trong nước, đem sang đóng gói ở nước ngoài (thường là Campuchia)… để mang đường lậu vào Việt Nam.
Để khắc phục tình trạng này, theo đại diện Ban 389, thời gian tới, các địa phương, đơn vị cần tăng cường lực lượng nắm chắc tình hình phía bên kia biên giới, phương thức, quy luật hoạt động tập kết, vận chuyển của các chủ đầu nậu; tập trung bố trí lực lượng, phương tiện thường trực chốt chặn 24/24h tại các đường mòn, bến sông trên biên giới mà các đối tượng thường vận chuyển hàng lậu; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng và cấp ủy, chính quyền địa phương và gắn trách nhiệm của người chỉ huy, tổ công tác vào từng địa bàn cụ thể trong công tác đấu tranh chống buôn lậu nói chung và đường cát nói riêng.