Có được kết quả này là do qua giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thấy rằng nhiều chứng cứ chưa được làm rõ và sự kêu oan nhất mực của bị cáo sau cả hai phiên tòa. Việc hủy án và điều tra lại là rất cần thiết, chứng cứ rõ ràng, buộc tội thuyết phục thì không chỉ bị cáo mà dư luận xã hội cũng đồng tình, “tâm phục, khẩu phục”.
Có những vụ án mà chứng cứ không được rõ ràng, cứ buộc tội và xét xử lấy được, mặc dù bị cáo kêu oan, dư luận xã hội cũng đứng về phía người bị buộc tội. Gần đây nhất là vụ tai nạn giao thông mà người bị tai nạn tỉnh dậy trong bệnh viện bàng hoàng thấy mình trở thành bị cáo.
Đó là việc xảy ra tại Long An, hai phụ nữ chở nhau trên xe máy về thăm mẹ. Người điều khiển xe trước khi sang đường về cửa nhà mẹ mình đã dừng xe, xi nhan xin đường, xe đã cập vào lề đường thì bị một xe máy có hai người đàn ông ngồi trên đi với tốc độ cao đâm phải.
Chị bạn đi cùng chết 5 ngày sau đó, người phụ nữ cầm lái bị chấn thương sọ não điều trị dài ngày và sau đó bị khởi tố bị can. Những người chứng kiến vụ tai nạn này đều làm chứng như vậy, quả quyết là người đàn ông phóng xe với tốc độ cao đâm phải chiếc xe đã cập lề đường nồng nặc hơi rượu. Thế nhưng kẻ gây ra tai nạn lại không bị làm sao, Công an cho rằng chỉ vi phạm hành chính. Bị cáo yêu cầu dựng lại hiện trường cũng không được chấp nhận.
Tương tự, vụ tai nạn giao thông ở Khánh Hòa, người chồng chở vợ trên xe máy, vượt ô tô chạy chậm phía trước, bị xe tải đi đằng sau quệt phải, người vợ chết còn người chồng phải ra Tòa. Những yêu cầu phải xem xét xử lý người lái xe tải không được cơ quan điều tra chấp nhận. Tòa trả hồ sơ đề nghị điều tra lại nhưng kết cục chẳng có gì mới trong trong điều tra lại.
Một chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật hình sự nêu ý kiến rằng cần phải thay đổi Kiểm sát viên và Điều tra viên ở các vụ án mà Tòa trả hồ sơ, đề nghị điều tra lại. Ý kiến này rất có cơ sở bởi qua nhiều vụ án oan sai mà hàng chục năm mới làm rõ được đều do những Kiểm sát viên, Điều tra viên không được thay đổi khi Tòa yêu cầu điều tra lại, vẫn do những người này tiến hành. Mặc dù pháp luật hiện hành không quy định điều này, tuy nhiên, cần bổ sung chế định này vào luật tố tụng bởi nó loại trừ yếu tố chủ quan và sự bảo thủ của người điều tra.
Thực tế cho thấy, những vụ án mà qua hoạt động giám sát, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát hiện có sai sót, có dấu hiệu oan sai, yêu cầu xem xét lại, phần lớn là đã làm rõ được những nghi vấn và người bị oan được giải oan. Hội đồng nhân dân các cấp ở địa phương cũng nên tăng cường giám sát trong lĩnh vực tư pháp xét xử, đảm bảo cho việc xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, góp phần mang lại niềm tin vào công lý.