Đó là kết luận được Trung tâm Tư vấn Pháp luật của Trường Đại học Luật TP.HCM và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đưa ra mới đây trong Hội thảo “Hỗ trợ pháp lý cho phạm nhân sắp mãn hạn tù trở về tái hòa nhập cộng đồng” được tổ chức tại Văn phòng của Liên Hợp Quốc tại Hà Nội.
Hơn 600 phạm nhân được trợ
Phạm nhân sắp mãn hạn tù là một trong những nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội, nhất là khi họ bị hạn chế một số quyền chính trị cơ bản, không ít trường hợp rơi vào kỳ thị, phân biệt. Những rào cản pháp lý khiến cho quá trình hòa nhập cộng đồng của họ trở nên khó khăn hơn, điều này cũng đồng nghĩa với nguy cơ tái phạm cao hơn.
Từ đầu năm 2016, UNDP và trường Đại học Luật TP.HCM đã phối hợp thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý cho phạm nhân sắp mãn hạn tù. Các giảng viên và sinh viên đã phổ biến pháp luật, khảo sát nhu cầu và hỗ trợ pháp lý cho hơn 600 phạm nhân sắp mãn hạn tù tại 5 trại giam (Long Hòa, Cây Cầy, Thanh Hóa (hai phân trại) và Thủ Đức (Z30D).
Ông Dương Hoán, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp lý (Trường đại học Luật TP.HCM) cho rằng, hỗ trợ pháp lý cho phạm nhân sắp và đã mãn hạn tù là một hoạt động mang rất nhiều ý nghĩa giúp các phạm nhân nắm được các kiến thức pháp luật cũng như tin tưởng hơn vào các quy định của pháp luật, đánh giá đúng đắn hơn về bản án của chính mình.
Điều này giúp chính các phạm nhân sẽ được thuận lợi hơn trong việc tái hòa nhập cộng đồng cũng như những việc liên quan tới cư trú, các điều luật về lao động, hôn nhân gia đình, việc xóa án tích…
Khi đến tư vấn pháp lý cho các phạm nhân tại trại giam, ông Hoán và những người thực hiện nhận thấy, quy định của pháp luật về cư trú là điều mà nhiều phạm nhân quan tâm vì họ chưa nắm rõ được những nguyên tắc trong việc đăng ký thường trú nên rất dễ gặp phải khó khăn trong khâu làm thủ tục.
Đồng thời, các phạm nhân cũng rất quan tâm đến vấn đề nhân thân (chứng minh nhân dân, thẻ căn cước) khi tái hòa nhập cộng đồng, bởi có những người bị mất giấy tờ, giấy tờ bị thất lạc hoặc vì nhiều lý do khác mà họ không còn giấy tờ tùy thân gây ra những khó khăn trong việc xác minh nhân thân.
Bên cạnh đó, theo ông Hoán, vấn đề án tích đối với một người đã chấp hành xong hình phạt tù có một ý nghĩa rất quan trọng, nó giống như việc một người đi một đôi giày đã bẩn người ta không e ngại khi làm bẩn thêm. Tuy nhiên, họ không biết cụ thể để xóa được án tích thì mình cần phải làm những thủ tục gì, đến cơ quan nào?.
“Tuy ban đầu, các phạm nhân có phần bỡ ngỡ, chưa có nhiều niềm tin vào chúng tôi và có phần e ngại khi chưa biết chúng tôi sẽ mang lại cho họ những gì nhưng qua nhiều buổi trao đổi, tư vấn, họ dần cảm thấy tin tưởng vào cộng đồng, vào những quy định pháp luật đối với họ. Tôi cho rằng hoạt động này đã mang lại được những lợi ích cho cộng đồng đến với các phạm nhân chuẩn bị được trở về sau thời gian thụ án”, ông Hoán chia sẻ.
Ông Hoán đánh giá cao vai trò của sinh viên Luật trong việc tham gia vào công tác hỗ trợ tư vấn pháp lý cho các phạm nhân sắp mãn hạn tù. Mặc dù sinh viên không phải là những người có kiến thức pháp lý quá chuyên sâu và tư vấn chuyên nghiệp nhưng sinh viên lại chính là người mang lại một cảm giác gần gũi giúp các phạm nhân có thể nắm được những kiến thức truyền đạt thuận lợi hơn.
“Sinh viên với sự năng động, sáng tạo, nhiệt tình sẽ giúp cho dự án ngày một hoàn thiện và việc tư vấn pháp lý cho cộng đồng nói chung cũng như các phạm nhân nói riêng sẽ được thuận tiện hơn”, ông Hoán khẳng định.
Cần tăng cường chương trình hỗ trợ pháp lý
Theo ông Vũ Huy Hạnh, Cục Giáo dục cải tạo và hòa nhập cộng đồng (C86) Bộ Công an, giáo dục phổ biến pháp luật cho phạm nhân là nội dung rất quan trọng trong công tác giáo dục cải tạo phạm nhân. Nội dung này cũng đã được quy định trong các văn bản pháp luật và văn bản hướng dẫn thi hành.
Khi phạm nhân sắp chấp hành xong hình phạt tù, họ được học chương trình đầu ra do trại giam tổ chức, gồm các nội dung: Quyền và nghĩa vụ của người chấp hành xong án phạt tù; giới thiệu một số thủ tục hành chính, văn bản pháp luật có những điều luật liên quan đến các hoạt động thường ngày như:
Luật Giao thông, Luật Cư trú, thông tin về HIV/AIDS và phòng chống lây nhiễm; tư vấn hỗ trợ kỹ năng sống, kỹ năng tìm việc làm… Một số trại giam trong chương trình giáo dục tại lớp học đầu ra còn mời cả người hoàn lương tiến bộ đến trao đổi kinh nghiệm để tái hòa nhập cộng đồng.
Thời gian qua, Bộ Công an cũng đã xây dựng trang web giáo dục hướng thiện và hòa nhập cộng đồng, trong đó có chuyên mục tư vấn trao đổi, chủ yếu là tư vấn pháp luật nhằm giúp người mãn hạn tù có kiến thức pháp luật để vận dụng trong cuộc sống. Người chấp hành xong án phạt tù được tư vấn pháp luật qua email, trực tiếp qua điện thoại…
Các trại giam đã tích cực trong thực hiện công tác phổ biến, giáo dục tư vấn pháp lý với nhiều biện pháp, hình thức sáng tạo khác nhau như: Tổ chức lớp học giáo dục công dân; tuyên truyền chính sách pháp luật qua hệ thống phát thanh của trại giam; thi tìm hiểu Hiến pháp, pháp luật…
Trong các trại giam, cán bộ giáo dục, cán bộ quản giáo là lực lượng nòng cốt thực hiện công tác giáo dục, tư vấn pháp luật cho phạm nhân; họ là người nắm rõ hoàn cảnh, lai lịch, tội trạng của phạm nhân vì vậy công tác giáo dục phổ biến tư vấn pháp luật cho kết quả tốt, tác động hiệu quả đến nhận thức của phạm nhân.
Bộ Công an đã có chương trình phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam về việc phổ biến, giáo dục, tư vấn pháp luật, hỗ trợ cho phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù. Khi thấy cần thiết, các trại giam có thể mời cán bộ hội luật gia các tỉnh, thành phố thực hiện việc tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, giải đáp những vấn đề phạm nhân quan tâm, giúp họ có nhận thức đầy đủ khi tái hòa nhập cộng đồng.
Từ thực tiễn các đơn vị trại giam, Bộ Công an cũng đưa ra những kiến nghị, đó là: đối tượng giáo dục, tư vấn ở đây là phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù trong các cơ sở giam giữ, họ có nhiều điểm khác nhau như trình độ văn hóa, nhận thức pháp luật, độ tuổi, giới tính, đặc điểm văn hóa vùng miền và nhất là tính chất, mức độ phạm tội cũng khác nhau… Vì vậy, phải nghiên cứu từng con người cụ thể mới có biện pháp tư vấn, giáo dục phù hợp.
Mặt khác, theo quy định của pháp luật các cơ sở giam giữ là những nơi được bảo vệ nghiêm ngặt, bởi thế, các cơ quan, tổ chức cá nhân làm việc, tiếp xúc với phạm nhân phải được cấp có thẩm quyền đồng ý.
Hiện nay, hằng năm, có hàng ngàn người chấp hành xong án phạt tù về địa phương, trong số này nhiều người cần được tư vấn, trợ giúp pháp lý để hòa nhập cộng đồng.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần xem xét, nghiên cứu, mở rộng phạm vi chương trình giáo dục, tư vấn pháp lý để tiếp cận nhóm đối tượng này nhằm hỗ trợ, giúp đỡ họ ổn định cuộc sống, góp phần hạn chế tái phạm tội và vi phạm pháp luật, trở thành những công dân hữu ích cho xã hội.