Chủ yếu vi phạm chất lượng
Báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho thấy, các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh phân bón giả không có giá trị sử dụng, phân bón có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, kinh doanh phân bón không giấy phép sản xuất…
Ngoài ra, hiện tượng không niêm yết thông báo phát hành hoá đơn, ghi nhãn mập mờ về thành phần, chỉ tiêu chất lượng, ghi bằng tiếng nước ngoài nhằm gây nhầm lẫn về xuất xứ, lợi dụng lòng tin của người nông dân áp dụng khuyến mại, bán trả tiền sau để tiêu thụ phân bón giả, kém chất lượng vẫn thường xuyên xảy ra. Đặc biệt là việc lựa chọn địa điểm sản xuất, gia công, đóng gói thường được thay đổi hoặc thuê tại các địa bàn xa khu vực dân cư để trốn tránh sự kiểm tra của các lực lượng chức năng.
Số liệu thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường cho thấy, trong năm 2018 đã kiểm tra, xử lý trên 1.000 vụ vi phạm về phân bón; xử phạt trên 3 tỷ đồng. Trong đó, riêng Cục Quản lý thị trường Long An đã kiểm tra, phát hiện, xử lý gần 100 trường hợp sản xuất, kinh doanh phân bón giả và phân bón có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng. Xử phạt vi phạm hành chính, thu nộp ngân sách 2,1 tỷ đồng, tịch thu tiêu hủy 878 bao phân bón giả.
Đại diện Cục Quản lý thị trường Long An cho biết, thời gian qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng vẫn diễn ra thường xuyên và ngày càng tinh vi hơn, gây thiệt hại cho người nông dân, ảnh hưởng đến môi trường, gây bức xúc trong dư luận khiến Cục Quản lý thị trường phải tăng cường nhiều biện pháp nhằm quản lý hiệu quả nhất thị trường phân bón trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, 6 tháng năm 2019, Cục Quản lý thị trường Long An tập trung chỉ đạo quyết liệt việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, tập trung kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm về nhãn hiệu… Tổ chức lấy mẫu phân bón gửi cơ quan có chức năng kiểm nghiệm chất lượng; kiên quyết xử lý các trường hợp kinh doanh phân bón giả, phân bón có chất lượng không phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng; đồng thời, truy xuất nguồn gốc đối với các loại phân bón giả, kém chất lượng để xử lý nghiêm đối với đơn vị sản xuất.
Kết quả cho thấy, Cục Quản lý thị trường Long An đã phát hiện 12/50 mẫu phân bón vi phạm về chất lượng. Trong đó, có 10 mẫu phân bón có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng và 02 mẫu phân bón là hàng giả không có giá trị sử dụng.
Cục đã đề nghị xử phạt vi phạm hành chính 11 trường hợp với tổng số tiền 196 triệu đồng và buộc tiêu hủy 87 bao phân bón giả; Đồng thời chuyển cơ quan Công an khởi tố hình sự theo quy định pháp luật 01 trường hợp kinh doanh phân bón giả không có giá trị sử dụng.
Đề xuất nâng mức phạt
Đại diện Cục Quản lý thị trường Long An cho biết, trong thời gian tới, nhằm giảm thiệt hại cho người sản xuất, bảo vệ quyền lợi của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chân chính, Cục sẽ tiếp tục chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh; tập trung lấy mẫu phân bón gửi cơ quan chuyên môn kiểm nghiệm chất lượng.
Đồng thời, với vai trò Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Cục sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo chuyên ngành, lĩnh vực quản lý; phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng để chia sẻ thông tin, nắm tình hình, đối tượng, phương thức, thủ đoạn hoạt động để điều tra, xử lý các đường dây buôn lậu, sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu, phân bón giả, kém chất lượng nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đây cũng là những kiến nghị, giải pháp của Tổng cục Quản lý thị trường trong nỗ lực làm lành mạnh thị trường phân bón. Ngoài ra, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cũng cho biết, Tổng cục đang nghiên cứu sửa đổi, nâng mức phạt tiền đối với hành vi sản xuất phân bón có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng.
Đồng thời Tổng cục cũng đang xem xét, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, chồng chéo làm ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng, nhất là các bất cập về cơ chế, chính sách. Việc xây dựng quy chuẩn cũng sẽ được làm quyết liệt để sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật đối với các sản phẩm phân bón để tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón.