Tăng cường kiểm tra, thanh tra đội ngũ cán bộ tư pháp - hộ tịch

(PLO) - Đây là một trong những chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tại buổi làm việc nghe báo cáo về tổ chức, bộ máy và kết quả công tác những tháng đầu năm 2016 của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực diễn ra hôm qua (5/9). Cùng dự có Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Lê Tiến Châu, đại diện lãnh đạo nhiều đơn vị thuộc Bộ và toàn thể cán bộ, công chức, người lao động của Cục.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại buổi làm việc.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại buổi làm việc.

Chú trọng chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn địa phương

Báo cáo tình hình tổ chức bộ máy, biên chế và kết quả công tác tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (HTQTCT) Nguyễn Công Khanh cho biết, công tác xây dựng thể chế tiếp tục được coi trọng và bảo đảm hoàn thiện, chất lượng, đúng tiến độ, việc tổ chức triển khai thi hành các văn bản liên quan đến HTQTCT được tiến hành đồng bộ, ngày càng hiệu quả.

Bên cạnh công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực HTQTCT cũng có nhiều khởi sắc thì Cục còn chú trọng công tác chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn địa phương, giải quyết cơ bản các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động của ngành ở các địa phương. Đặc biệt là những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thi hành Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành, Nghị định số 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch đã được Cục hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời… 

Là một trong hai đơn vị mới được giao công tác thanh tra chuyên ngành, từ đầu năm đến nay, Cục đã kiểm tra sau thanh tra tại Thanh Hóa, thanh tra lĩnh vực hộ tịch tại Bình Định. Trong tháng 9 – 10/2016, Cục dự kiến thanh tra và kiểm tra sau thanh tra tại các đơn vị còn lại theo Kế hoạch. Qua thanh tra chuyên ngành cho thấy, các địa phương đã thực hiện quy định pháp luật về hộ tịch, chứng thực tương đối đầy đủ, kịp thời, đáp ứng yêu cầu của người dân. Tuy nhiên, vẫn còn trường hợp công chức tư pháp – hộ tịch không đáp ứng đủ điều kiện để thực hiện các nhiệm vụ được giao, vẫn còn tình trạng sai sót, chưa chặt chẽ khi giải quyết hồ sơ đăng ký hộ tịch…

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, trong những tháng cuối năm, theo ông Khanh, Cục sẽ phối hợp với Cục Công nghệ thông tin trong việc mở rộng thí điểm phần mềm đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân (khoảng 10 địa phương), xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc. Cục cũng sẽ tiếp tục triển khai Đề án, Kế hoạch trong lĩnh vực quốc tịch đúng tiến độ, bảo đảm hiệu quả; tiếp tục thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về chứng thực; tổ chức tốt công tác thanh tra chuyên ngành về hộ tịch, chứng thực tại các địa phương…

Trên cơ sở các nhiệm vụ này, Cục mong Lãnh đạo Bộ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các mặt công tác của Cục, yên tâm, tin tưởng đối với những vấn đề Cục tham mưu, đề xuất, đồng thời tiếp tục phân cấp mạnh mẽ cho Cục trong việc chủ động hướng dẫn địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về chuyên môn, nghiệp trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch…

Để công tác tư pháp thực sự gần dân

Các Thứ trưởng và đại diện nhiều đơn vị thuộc Bộ nhìn nhận, công tác tư pháp của các địa phương gắn chặt với các lĩnh vực công tác của Cục HTQTCT. Quyền Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Đỗ Đức Hiển nêu rõ, Chỉ số Cải cách hành chính của Bộ Tư pháp đang có xu hướng giảm thứ bậc xếp hạng. Trong khi ở Trung ương đạt được điểm khá cao, còn ở địa phương lại rất khiêm tốn thì Cục cần quan tâm hơn bởi công tác hộ tịch, chứng thực đều rất sát sườn với cuộc sống hàng ngày của người dân. Đại diện Cục Kiểm soát thủ tục hành chính chỉ ra, thực tế đang phát sinh cán bộ tư pháp – hộ tịch yêu cầu thêm giấy tờ khi làm thủ tục về hộ tịch, nhất là đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài. 

Đồng tình với các phát biểu trên, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, hơn 50% công việc tư pháp địa phương liên quan đến Cục HTQTCT nên dù còn một số tồn tại, Cục đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nổi bật là triển khai thí điểm thành công phần mềm đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân; kiềm chế bước đầu tình trạng lạm dụng bản sao… Cùng với biểu dương những thành tích đạt được, chia sẻ những khó khăn của Cục, Bộ trưởng thẳng thắn điểm một số hạn chế như còn lúng túng trong lĩnh vực hộ tịch; chưa phân biệt được ranh giới giữa công chứng và chứng thực…

Cơ bản tán thành với nhiệm vụ những tháng cuối năm, Bộ trưởng yêu cầu phải luôn cố gắng thực hiện triển khai Luật Hộ tịch một cách bài bản, không tham mưu những giải pháp mang tính dung hòa. Ngoài ra, phải tăng cường kiểm tra, thanh tra đội ngũ cán bộ tư pháp – hộ tịch khi kế hoạch của Bộ là tiếp tục cùng địa phương tổ chức tập huấn, chuẩn hóa đội ngũ này.

Đối với lĩnh vực quốc tịch, theo Bộ trưởng, cần nghiên cứu, tổng kết thi hành Luật Quốc tịch và chặt chẽ trong hồ sơ, giấy tờ về các việc liên quan đến quốc tịch. Nhấn mạnh Lãnh đạo Bộ rất yên tâm, tin tưởng về những tham mưu, đề xuất của Cục nhưng Bộ trưởng cũng đề nghị Cục cần truyền thông kịp thời, theo dõi thực tiễn để có phản ứng chính sách nhanh hơn.

Đọc thêm