Tăng cường liên kết doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI để phát triển

(PLO) - Để có một nền kinh tế đủ sức tham gia vào các chuỗi giá trị của khu vực và thế giới, các thành phần kinh tế cần có sự phát triển đồng đều. Nền kinh tế Việt Nam như một chiếc xe, chiếc xe đó không thể vận hành trơn tru nếu chỉ có một bánh là các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hoạt động mạnh mẽ, mà cần có sự kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.
Liên kết của doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước còn khá mờ nhạt và chưa thực sự phát triển. (Ảnh minh họa)

Dòng vốn đầu tư nước ngoài bật tăng kỷ lục

Tại Hội thảo “Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ - tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước”, ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế Hoạch và Đầu tư) cho biết, trong 2 quý cuối năm 2017, dòng vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng bật tăng mạnh và cả năm nay có thể đạt mức 35 tỷ USD vốn đăng ký – cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Đặc biệt, vốn thực hiện dự ước khoảng 17 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay và yếu tố thu hút đầu tư quan trọng, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chính là nền chính trị ổn định và cải cách thủ tục hành chính mở cửa cho thu hút FDI.

Còn theo GS.TS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, hai quý đầu năm 2017, tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức thấp trong các quý từ năm 2011-2017, nhưng từ quý III đến nay, tình hình đã trở nên sáng sủa hơn. Tốc độ tăng trưởng đã nói lên nhiều vấn đề, đáng chú ý, cả 13/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Quốc hội giao trong năm 2017 đều đã được hoàn thành. Trong đó, khu vực FDI có tác động lan toả rất lớn tới nền kinh tế Việt Nam, từ tác động tổng thể, gián tiếp tới trực tiếp, tạo ra công nghệ, năng suất lao động, việc làm, xuất khẩu, thu ngân sách, GDP.

Cụ thể, vốn FDI thực hiện đạt hơn 160 tỷ USD, đồng thời doanh nghiệp FDI chiếm tới 70% kim ngạch xuất khẩu, đóng góp 18% thu ngân sách và 20% GDP; tạo việc làm cho 3,7 triệu lao động trực tiếp và nhiều triệu lao động gián tiếp…

Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế trên nhiều phương diện như công nghệ, phương thức kinh doanh, phương thức quản lý, nguồn nhân lực… và không thể không kể đến công nghiệp hỗ trợ.

Dẫn chứng một mô hình thành công là Tập đoàn Samsung, GS Nguyễn Mại cho hay, sau một thời gian gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các nhà cung cấp linh kiện, doanh nghiệp này đã thay đổi cách làm. Họ không tổ chức các hội thảo chung chung nữa, mà tự mình tìm hiểu, lựa chọn các nhà sản xuất trong nước có tiềm năng, cử chuyên gia đến làm việc trực tiếp với doanh nghiệp Việt Nam mà không nhận lương.

Chuyên gia của Samsung tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao trình độ quản lý doanh nghiệp, đầu tư đúng công nghệ mà Samsung yêu cầu, giảm tiêu hao năng lượng, giảm hàng tồn kho, chi phí phân phối…

Chỉ sau 3 tháng, 9 doanh nghiệp được lựa chọn đã trở thành nhà cung cấp cấp 1 của Samsung. "Cách đây một tuần, Samsung cho biết họ đã có 29 nhà cung cấp nội địa cấp 1" - ông Nguyễn Mại thông tin.  

Tác động lan toả của doanh nghiệp FDI chưa được như kỳ vọng

Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Mại tác động lan toả của doanh nghiệp FDI chưa được như kỳ vọng. Doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế trong việc chuỗi cung ứng toàn cầu. Đơn cử, xuất khẩu dệt may 2016 đạt 30 tỷ USD, chiếm 4% kim ngạch dệt may thế giới. Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất điện thoại di động smartphone, máy tính bảng…. Tuy nhiên, trong mỗi một chuỗi cung ứng, doanh nghiệp Việt chỉ tham gia ở những khâu tạo giá trị thấp, trong chuỗi sản xuất này doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm 21%, trong khi doanh nghiệp Thái Lan là 30%; doanh nghiệp Malaysia là 46%. 

Về vấn đề này, ông Lương Văn Khôi - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, hiện nay, 97% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đơn hàng của doanh nghiệp phần lớn đến từ doanh nghiệp nước ngoài. Đặc biệt, các tiêu chuẩn, yêu cầu doanh nghiệp FDI đưa ra phần lớn doanh nghiệp Việt chưa đáp ứng được, nhất là yêu cầu về kỹ thuật. 

Ông Khôi kiến nghị, Chính phủ đóng vai trò thành lập các trung tâm hỗ trợ kĩ thuật và trang bị máy móc hiện đại nhất hiện nay để trợ giúp doanh nghiệp kiểm tra chất lượng sản phẩm và đáp ứng tiêu chuẩn doanh nghiệp nước ngoài.

Còn theo ông Nguyễn Mạnh Linh - Phó Giám đốc Trung tâm phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách, Bộ Công Thương cũng cho rằng, số lượng doanh nghiệp nội địa cung ứng cho các doanh nghiệp FDI và chuỗi cung ứng tại Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp quan trọng như sản xuất, lắp ráp ô tô, điện tử, máy công nghiệp. 

Chỉ ra khó khăn khi thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp FDI,  ông Linh cho biết, một phần do số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu chất lượng, có khả năng cung ứng cho doanh nghiệp FDI, nhà cung cấp chuỗi vệ tinh còn rất ít ỏi. Công nghệ sản xuất, hệ thống quản lý, chủng loại sản phẩm cung ứng còn hạn chế và chưa đáp ứng được yêu cầu cao của khách hàng. Thiếu các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực, thúc đẩy liên kết từ Chính phủ và các cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp. Mối liên kết, trao đổi thông tin giữa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp vệ tinh còn hạn chế. 

Ông Linh cũng đưa ra các giải pháp thúc đẩy liên kết trong thu hút đầu tư, gia tăng số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, cải thiện môi trường đầu tư, ưu đãi khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ. Đặc biệt thu hút đầu tư các công ty vệ tinh cấp 1 của các tập đoàn lớn, FDI các nhà đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam để tạo các lớp cung ứng; phát triển vườn ươm; có chính sách hỗ  trợ, ưu đãi về vốn, tài chính.

Để tác động lan toả của khu vực FDI đối với doanh nghiệp Việt Nam mở rộng, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần phải tự tin, chủ động tiếp cận doanh nghiệp FDI, đầu tư đổi mới công nghệ và nguồn nhân lực, tham gia vào các khâu trong chuỗi cung ứng phù hợp với trình độ phát triển của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cũng cần sự nỗ lực từ hai phía, doanh nghiệp FDI cũng phải có chiến lược kết nối, hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam. Chủ động hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, trình độ công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực và tìm ra mô hình hợp tác thích ứng với từng sản phẩm.

Đặc biệt, Chính phủ cần có chính sách kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI bằng các ưu đãi thích ứng; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực quản trị, công nghệ, nguồn nhân lực. Khuyến khích việc nhân rộng các mô hình thành công của các doanh nghiệp FDI như Samsung…

Đọc thêm