Tăng cường nhận thức về bệnh lao

(PLO) - Trên thế giới có 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao, trong đó Việt Nam xếp thứ 16, xếp thứ 13 về lao kháng thuốc. Ước tính năm 2017, Việt Nam có thêm 126.000 người mắc lao và có 13.000 người chết do lao.
Một số thuốc được cấp phát miễn phí cho bệnh nhân lao (Ảnh minh họa).
Một số thuốc được cấp phát miễn phí cho bệnh nhân lao (Ảnh minh họa).

Ứng dụng công nghệ mới, thuốc mới

Ông Nguyễn Viết Nhung - Chủ nhiệm chương trình phòng chống lao quốc gia - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, tại Việt Nam mỗi năm phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tỷ lệ phát hiện đạt 81% số mắc mới hàng năm, con số này trên toàn cầu là 61%. Duy trì tỷ lệ khỏi bệnh cao (trên 90% trong số mới mắc lần đầu). 

Để đạt được những kết quả đó, thời gian qua, Việt Nam đã ban hành các văn bản pháp lý khá đầy đủ cho việc chấm dứt bệnh lao bao gồm: Nghị quyết của Trung ương Đảng về mục tiêu đến năm 2030 cơ bản chấm dứt bệnh lao; Chiến lược Quốc gia phòng chống Lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Thông tư hướng dẫn phối hợp y tế công tư phòng chống lao, ưu tiên tiếp cận bảo hiểm y tế cho khám chữa lao và Chương trình chống Lao vẫn được ưu tiên trong Chương trình Mục tiêu Y tế và Dân số 2015-2020. 

Cùng đó, hệ thống phòng chống lao và bệnh phổi toàn quốc gồm 50 bệnh viện chuyên khoa có trình độ cao cùng với các đối tác trong nước và quốc tế tạo nên mạng lưới phòng chống lao mạnh hoạt động rất hiệu quả.

Theo ông Nhung, hàng loạt  ứng dụng kỹ thuật công nghệ mới, thuốc mới, phương pháp tiếp cận mới đang được Việt Nam triển khai ứng dụng như: Chương trình nghiên cứu điều trị lao tiềm ẩn trong cộng đồng đang được nghiên cứu và tiềm năng làm giảm mạnh tỷ lệ mắc mới. Các nhóm nguy cơ cao đều đã được thí điểm các can thiệp hiệu quả như lao trong trại giam, lao đái đường, nhóm thợ mỏ, nhóm bệnh mạn tính, nhóm có HIV, nhóm nghiện chích…

Với những kết quả đó, mới đây, tại buổi làm việc với đoàn đại biểu của Chương trình chống lao Toàn cầu do Tiến sĩ Tereza Kasaeva - Giám đốc Chương trình chống Lao toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới –WHO cho biết, thời gian ở Việt Nam bà đã đi thăm nhiều cơ sở, đơn vị chữa bệnh, nghiên cứu trong lĩnh vực phòng chống lao và đánh giá cao những hoạt động chăm sóc, điều trị bệnh nhân lao ở tất cả các tuyến. 

Tăng cường sàng lọc, phát hiện bệnh sớm

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu gánh nặng lớn về bệnh lao. Việc chuyển biến từ cam kết đến hành động ở Việt Nam sẽ không chỉ làm giảm tỉ lệ tử vong cũng như đau đớn vì bệnh lao trong nước mà còn mang lại lợi ích như một quốc gia đi đầu mở đường cho các nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương cũng như trên thế giới. 

Giám đốc Chương trình chống Lao toàn cầu của WHO, TS Tereza Kasaeva cho biết, bà có niềm tin Việt Nam sẽ thanh toán được bệnh lao vào năm 2030 nhưng cũng lưu ý, các bệnh nhân lao nên được hỗ trợ, không để người bệnh rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính do bệnh tật gây ra.

Mặc dù Việt Nam được đánh giá như một mô hình điểm cho việc triển khai chấm dứt bệnh lao toàn cầu, tuy nhiên vẫn đang còn những thách thức không nhỏ trong quá trình thực hiện. Có một thực tế là nhiều người bị nghèo hóa do bệnh tật, hoặc không có đủ tiền để điều trị một liệu trình lao.

TS Tereza Kasaeva chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn Việt Nam tập trung vào những nội dung gồm tăng cường hơn nữa hoạt động sàng lọc, phòng chống lao với mục tiêu chấm dứt bệnh lao sớm bằng các dịch vụ chẩn đoán có chất lượng cao cho mọi đối tượng ở tất cả các thể. Khi làm được việc này, chúng ta bảo đảm toàn dân được tiếp cận dịch vụ y tế.

Việt Nam phải có biện pháp phòng ngừa, có biện pháp hỗ trợ cho nhóm dân cư dễ bị tổn thương. Chúng ta phải lồng ghép mang tính chất hỗ trợ xã hội cho đối tượng này. Song song đó, vai trò các cấp lãnh đạo rất quan trọng như bảo đảm nguồn tài chính bền vững lâu dài, sự hợp tác đa ngành trong công tác phòng chống lao”.

Đồng thời, Việt Nam cần nâng cao nhận thức cộng đồng của người dân về bệnh lao bởi thực tế, 1/3 dân số trên thế giới nói chung có vi khuẩn lao trong cơ thể nhưng không phải đối tượng nào cũng có thể phát triển thành bệnh. Vì thế, người dân cần chú ý nhận thức để có biện pháp bảo vệ.

Giám đốc Chương trình chống Lao toàn cầu cũng đã đề nghị Bộ Y tế Việt Nam tham gia sáng kiến mới cùng liên minh phòng chống lao toàn cầu và Quỹ toàn cầu hướng tới 40 triệu người được phát hiện và được điều trị lao có chất lượng cao nhằm thu hẹp khoảng trống về chăm sóc chuẩn, đồng thời sẽ điều trị cho ít nhất 30 triệu người mắc lao tiềm ẩn trong 5 năm tới.

Chương trình chống Lao toàn cầu cũng mong muốn Việt Nam trở thành một trong các quốc gia tiên phong áp dụng Khung trách nhiệm đa ngành để kết thúc bệnh lao. 

Đọc thêm