GS.TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS Trương Hồ Hải - Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS Đinh Ngọc Giang - Vụ trưởng Vụ Quản lý Khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đồng chủ trì hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, phân cấp, phân quyền là xu hướng quản trị ở các quốc gia để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý cũng như phân bổ, sử dụng nguồn lực hiệu quả…
Ở Việt Nam, việc phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương đã được Đảng và Nhà nước quan tâm và đẩy mạnh. Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ 6, Khoá XII đề ra chủ trương: “Thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới, gắn quyền hạn với trách nhiệm; đồng thời, xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện”.
GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc hội thảo. |
Theo ông Lê Văn Lợi, thực hiện phân cấp, phân quyền trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị, gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Đồng thời, phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương đã góp phần phát huy tính năng động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, khai thác và tận dụng các nguồn lực phát triển của địa phương hiệu quả hơn; một số địa phương đã tự bảo đảm ngân sách, khẳng định vị trí, vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội vùng và cả nước…
Tuy nhiên, phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương còn những hạn chế, bất cập. GS.TS Lê Văn Lợi mong muốn, các chuyên gia, nhà khoa học cùng nhau thảo luận đề xuất, kiến nghị những giải pháp cụ thể để tiếp tục thực hiện tốt quan điểm chỉ đạo của Đảng về phân cấp, phân quyền đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia…
Theo GS.TS Vũ Công Giao, Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, nhiều nghiên cứu cho thấy phân quyền có cả tác động tích cực và tiêu cực với mức độ khác nhau, tuỳ thuộc vào từng bối cảnh và lĩnh vực khác nhau.
Cụ thể, về khía cạnh tích cực, trong những điều kiện thích hợp, các hình thức phân quyền có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển ở cấp địa phương và cả nước, thông qua việc mở rộng sự tham gia của người dân và các chủ thể khác vào các hoạt động chính trị, kinh tế và xã hội, giảm bớt những tắc nghẽn trong việc ra quyết định…
Về tác động tiêu cực, nếu áp dụng không phù hợp, phân quyền có thể dẫn đến mất tính kinh tế theo quy mô và sự kiểm soát của chính quyền Trung ương đối với các nguồn tài chính khan hiếm. Năng lực hành chính hoặc kỹ thuật yếu kém ở cấp địa phương cũng có thể dẫn đến việc cung cấp dịch vụ công kém hiệu quả ở một số khu vực của đất nước…
GS.TS Vũ Công Giao phát biểu tại hội thảo. |
GS.TS Vũ Công Giao cho rằng, ở Việt Nam hiện nay, chủ trương của Đảng là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền khoa học, hợp lý, đi đôi với nâng cao trách nhiệm, gắn với bảo đảm nguồn lực, năng lực thực hiện pháp luật cho các địa phương và các bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát; bảo đảm quản lý thống nhất của Chính phủ, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của từng địa phương và các bộ. Đây là chủ trương rất đúng đắn nhưng việc triển khai thực hiện vẫn còn nhiều lúng túng, vướng mắc.
GS.TS Vũ Công Giao nêu rõ, thực tiễn cũng cho thấy, hoạch định và tổ chức thực hiện tiến trình phân quyền là việc làm không đơn giản, không chỉ đòi hỏi phải đầu tư nhiều công sức, thời gian mà còn cả trí tuệ.
Theo GS.TS Vũ Công Giao, trước khi xây dựng các kế hoạch cụ thể về phân quyền, cần phải đánh giá ưu, nhược điểm của cấp tổ chức thấp nhất của chính quyền địa phương mà tại đó các chức năng quản lý nhà nước có thể được thực hiện một cách hiệu lực, hiệu quả, cũng như ưu, nhược điểm của chính quyền địa phương và cả khu vực tư nhân ở đó đối với việc cung cấp các dịch vụ công được chính quyền uỷ thác; phân tích cẩn thận các dạng thức phân quyền đã áp dụng ở quốc gia để điều chỉnh các kế hoạch chính sách cho phù hợp với cấu trúc hiện có…
Tại Hội thảo, các đại biểu thảo luận, chia sẻ về căn cứ lý luận và thực tiễn nào là “căn cốt” cho việc tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương ở Việt Nam đáp ứng các yêu cầu về quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả trong giai đoạn hiện nay; kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về thực hiện phân cấp, phân quyền Trung ương và địa phương và các bài học có giá trị tham khảo cho Việt Nam; kiến nghị những giải pháp cụ thể để tiếp tục thực hiện tốt quan điểm về phân cấp, phân quyền đáp ứng yêu cầu đổi mới…
Đại biểu phát biểu tại hội thảo. |
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 40 tham luận từ chuyên gia của các bộ, ngành, địa phương, của nhà khoa học, chuyên gia của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; Học viện Tài chính; Học viện Chính sách; Trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện hành chính quốc gia, Học viện Tài chính...
Hình ảnh tại hội thảo. |
Các tham luận khoa học đã tập trung vào những vấn đề như tiếp tục khẳng định quan điểm, định hướng của Đảng về phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương như “Thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới, gắn quyền hạn với trách nhiệm...; làm rõ một số vấn đề đặt ra trong quá trình phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương; đề ra các giải pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. |
Hội thảo gồm 2 phiên. Phiên thứ nhất là trình bày tham luận và thảo luận. Phiên thứ hai là thảo luận bàn tròn với sự tham dự PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh - Trưởng khoa Lý luận và lịch sử Nhà nước và Pháp luật, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; GS.TS Vũ Công Giao - Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS Đặng Minh Tuấn - Trưởng khoa Hành chính - Hiến pháp, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS Trần Trọng Nguyên - Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…