Tăng cường pháp lý để bảo vệ “sức khỏe” rạn san hô

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - San hô được xem là “mái nhà” - sinh cư, kiếm ăn, sinh sản của hàng ngàn sinh vật biển. Rạn san hô cũng là những cảnh quan tự nhiên đặc sắc vô cùng kỳ thú dưới đáy biển, là tiềm năng cho phát triển du lịch sinh thái biển... Tuy nhiên, hàng loạt rạn san hô đang bị đe dọa, nhiều vùng đang trong tình trạng nguy cấp.
San hô tại vùng biển Quảng Ngãi. (Ảnh minh họa: VGP/Lưu Hương)
San hô tại vùng biển Quảng Ngãi. (Ảnh minh họa: VGP/Lưu Hương)

Nhân Ngày Đại dương thế giới (8/6), Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam vừa qua, những vấn đề liên quan đến rạn san hô đã được đề cập tới bởi biển, đảo và tài nguyên biển có vị trí và vai trò không thể thay thế trong sự phát triển toàn diện của đất nước. Do đó, việc bảo vệ và khai thác bền vững các tài nguyên biển là nhiệm vụ cấp bách và quan trọng hàng đầu.

Suy thoái rạn san hô

Ngày 30/5/2024, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo thông tin một phần diện tích san hô tại các vùng biển như Vịnh Côn Sơn, Hòn Bảy Cạnh, Hòn Cau... đang gặp tình trạng tẩy trắng và chết với tỷ lệ đáng báo động. Theo Viện Hải dương học, hiện tượng san hô tẩy trắng trên diện rộng là hậu quả của việc nhiệt độ nước biển gia tăng bất thường vượt ngưỡng 30 độ C, dẫn đến tảo cộng sinh trong san hô rời khỏi cơ thể san hô, làm cho khung xương san hô bị mất màu.

Trước đó vào tháng 3/2022, nhiều du khách sau khi tham gia dịch vụ lặn biển ngắm san hô tại điểm du lịch dã ngoại biển đảo kỳ thú Hòn Sẹo ở xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn đã tỏ ra thất vọng bởi rạn san hô ở khu vực này gần như vắng bóng. Vịnh Nha Trang, kết quả công bố năm 2020 cho thấy, tỷ lệ san hô cứng bị tẩy trắng lên đến 39,5%.

Sự suy thoái rạn san hô là kết quả bởi nhiều yếu tố tác động. Trong đó, các yếu tố như tăng nhiệt độ toàn cầu, mưa bão, sự bùng phát của các loài địch hại ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe hệ sinh thái. Được biết, nhiệt độ sống lý tưởng của san hô dao động từ 24 đến 30 độ C. Trong khi, nhiệt độ nước tầng đáy của vùng biển Côn Đảo do cơ quan chức năng ghi nhận lên tới 31 độ C, nghi do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino làm nước biển tầng đáy nóng lên. Nhiệt độ nước biển tăng cao khiến san hô trục xuất tảo sống trong mô ra ngoài, làm màu sắc rực rỡ biến mất, gây tình trạng tẩy trắng.

Ngoài tác động của thiên nhiên, thì việc làm của một số cá nhân có ý thức chưa cao cũng góp phần làm cho san hô bị tổn hại. Vùng biển Việt Nam có rất nhiều khu vực san hô sinh sống và phát triển thành một quần thể đa dạng, phải kể đến: đảo Phú Quốc (Kiên Giang), Cát Bà (Hải Phòng), Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Hòn Chồng (Nha Trang, Khánh Hòa)... nên các vùng biển này đều là những điểm đến hấp dẫn du khách yêu lặn biển.

Khi thời điểm thủy triều rút vào chiều tối, đặc biệt là vào ngày trăng tròn, rạn san hô sẽ hiện rõ ra. Nhiều người dân và du khách vì tò mò đã lội ra xa bờ để ngắm san hô, chơi đùa, giẫm đạp lên san hô gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển, rạn san hô ở khu vực này. Không những vậy, một số du khách còn bẻ san hô, lấy san hô lên khỏi mặt nước để quay phim, chụp ảnh. Có cơ sở kinh doanh còn lấy san hô làm quà lưu niệm bán cho du khách. Trên thực tế, nhiều người không biết san hô là những sinh vật sống và việc nhu cầu mua tăng cao đã thúc đẩy việc tàn phá hệ sinh thái này.

Tăng cường khung pháp lý và giáo dục ý thức cộng đồng

PGS.TS Chu Hồi, chuyên gia hàng đầu về tài nguyên môi trường biển nhận định: “Thị trường dịch vụ du lịch lặn biển ngắm san hô phát triển sớm và nóng nhưng thiếu thể chế hóa, thiếu công cụ giám sát và kiểm soát tốt. Có không ít dịch vụ lặn biển hoạt động tự phát - những tour lặn thử không cần chứng chỉ lặn cũng như không tuân thủ quy định về bảo vệ san hô, cho khách giẫm đạp lên san hô hay số lượng khách tập trung tại một điểm quá lớn cũng khiến san hô gần như bị san phẳng sau một thời gian. Việc bảo tồn san hô gặp tác động rất mạnh, dẫn đến suy thoái nghiêm trọng. Đây là vấn đề đã được cảnh báo từ trước”.

Giá trị thực của các rạn san hô hay còn được gọi là rừng mưa nhiệt đới dưới biển - còn lớn hơn nhiều so với vẻ ngoài tuyệt đẹp của chúng. Các rạn san hô được ví như rừng ở dưới đáy biển, với nhiều tầng và có mức độ che phủ lớn, là nơi trú ngụ, sinh nở của các loài sinh vật đáy và các loài cá. San hô cũng mang lại rất nhiều lợi ích kinh tế cho con người: bảo vệ bờ biển, du lịch và môi trường sống cho nghề cá... Vì thế, nếu các rạn san hô suy giảm nghiêm trọng sẽ dẫn tới hệ quả là nguồn lợi động vật đáy và cá sẽ suy giảm theo. Để có một rạn san hô “sống khỏe” phải mất hàng nghìn, thậm chí triệu năm. Nếu khu vực nào đó bị tẩy trắng, san hô có thể mãi mãi không hồi phục.

Theo một chuyên gia về bảo tồn, để bảo vệ được tốt nhất cho san hô, không chỉ thường xuyên theo dõi, tuần tra, giám sát các vùng bảo vệ san hô (có thể lắp camera, cắm biển), các cơ quan chức năng cần tăng cường khung pháp lý cũng như công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức cộng đồng tại các điểm đón khách du lịch, các hãng lữ hành, tuyệt đối nghiêm cấm các hoạt động giẫm đạp lên san hô, neo đậu tàu thuyền và đánh bắt cá trong các vùng được bảo vệ. Đồng thời, cần có biện pháp quản lý toàn diện để quản lý chất thải ven bờ đổ ra biển và dọn rác ở các rạn san hô. Nếu có thể, giải pháp trước mắt là đóng cửa tạm thời các khu vực rạn san hô bị suy thoái và bảo vệ nghiêm ngặt các khu vực còn san hô tồn tại.

Đọc thêm