Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân
Theo Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật LLTP cũng cho thấy một bức tranh đầy đủ, chính xác với 3 kết quả nổi bật. Thứ nhất, công tác LLTP đã nhận được sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành và chính quyền địa phương để có thể xây dựng được khuôn khổ thể chế pháp lý khá đồng bộ cho công tác LLTP. Thứ 2, các điều kiện cần thiết để thi hành Luật LLTP đã được chuẩn bị kỹ lưỡng trong hơn 1 năm kể từ khi Luật được ban hành tới khi có hiệu lực, các Thông tư, Nghị định đều được đồng bộ. Do vậy, Luật LLTP đã phát huy hiệu quả từ khi thực hiện. Cuối cùng, số lượng Phiếu LLTP được cấp hàng năm là rất hơn, từ đó cho thấy Luật LLTP đã phát huy tác dụng, phục vụ tốt nhu cầu của người dân. Các cơ quan tư pháp đã cố gắng để đảm bảo độ chính xác về thông tin LLTP, từng bước cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn cho người dân.
|
“Có thể nói, 10 năm thi hành Luật LLTP đã thay đổi căn bản công tác LLTP ở cả Trung ương và địa phương, góp phần quan trọng vào việc thực hiện chính sách nhân đạo về hình sự của Việt Nam đối với người đã phạm tội, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; giúp quản lý nhà nước được đúng trong các lĩnh vực đòi hỏi thông tin LLTP”, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh.
|
Báo cáo về kết quả 10 năm thi hành Luật LLTP, Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia (Bộ Tư pháp) Hoàng Quốc Hùng nêu rõ, “Bản thân Ngành Tư pháp không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ này nếu không có sự phối hợp, thống nhất, đồng bộ với các cơ quan như Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, Bộ Quốc phòng và Ủy ban nhân dân các cấp...”.
Đối với công tác phối hợp cung cấp, rà soát thông tin để xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP, việc cung cấp thông tin LLTP để xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP đã từng bước đi vào nề nếp, thông tin được cung cấp thường xuyên, đầy đủ. Tính đến ngày 30/6/2020, các cơ quan Tòa án, Viện Kiểm sát, cơ quan Công an, cơ quan có liên quan trong quân đội đã thực hiện cung cấp hơn 2 triệu thông tin LLTP cho Trung tâm LLTP quốc gia và Sở Tư pháp. Cơ quan Thi hành án dân sự đã cung cấp hơn 1 triệu thông tin cho các Sở Tư pháp; Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện đã thực hiện cung cấp gần 700 thông tin chứng tử, cải chính hộ tịch.
Tại Bộ Tư pháp, Trung tâm LLTP quốc gia đã tiến hành 14 đợt rà soát thông tin với 63 Sở Tư pháp, Trại giam, Trại tạm giam, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Viện Kiểm sát, Tòa án quân sự Trung ương với tổng số hơn 2 triệu thông tin...
Còn đối với công tác xây dựng, quản lý, khai thác Cơ sở dữ liệu LLTP, với vai trò là trung tâm tích hợp dữ liệu LLTP trong phạm vi toàn quốc, tính đến ngày 30/6/2020, Trung tâm LLTP quốc gia đã nhận được gần 2 triệu thông tin LLTP bằng văn bản giấy do các cơ quan có liên quan và Sở Tư pháp cung cấp. Trên cơ sở đó, Trung tâm LLTP quốc gia đã tiến hành kiểm tra, phân loại hơn 1,8 triệu thông tin; thực hiện tích hợp, cập nhật vào cơ sở dữ liệu LLTP điện tử tại Trung tâm hơn 1,7 triệu thông tin; cung cấp cho các Sở Tư pháp hơn 550 thông tin theo quy định....
Cũng tính đến ngày 30/6/2020, các Sở Tư pháp trên toàn quốc cũng đã nhận được hơn 3,8 triệu thông tin; gần 600 thông tin chứng tử, cải chính hộ tịch...Việc khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu LLTP được các Sở Tư pháp thực hiện đúng mục đích, quy định, đảm bảo tính chính xác, đẩy đủ, thống nhất, an toàn thông tin LLTP.
Bên cạnh đó, việc giải quyết yêu cầu cấp Phiếu LLTP, tính đến 30/6/2020, Trung tâm LLTP quốc gia và các Sở Tư pháp đã thụ lý hơn 3,8 triệu yêu cầu cấp Phiếu LLTP, đã giải quyết được hơn 3,7 triệu yêu cầu, bao gồm hơn 2,6 triệu Phiếu LLTP số 1 và hơn 1 triệu yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2, trong đó có hơn 3,5 triệu Phiếu LLTP được giải quyết đúng thời hạn (đạt tỷ lệ 94 %); gần 250 Phiếu LLTP chậm thời hạn (chiếm tỷ lệ 6%).
“10 năm thi hành Luật LLTP đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng. Song nhằm năng cao hiệu quả hơn nữa, tôi đề nghị cần tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng để chủ động hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong thi hành Luật LLTP, bảo đảm thực hiện nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu LLTP; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác cơ sở dữ liệu LLTP; tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức làm công tác LLTP và công chức làm công tác tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin LLTP tại các cơ quan có liên quan...”, ông Hoàng Quốc Hùng kiến nghị.
Vẫn còn vướng mắc trong cấp Phiếu LLTP
Tại tọa đàm, chia sẻ thực tiễn công tác phối hợp cung cấp, trao đổi, xác minh thông tin LLTP từ Cơ quan Công an để cấp Phiếu LLTP, đại diện Cục Hồ sơ Nghiệp vụ, Bộ Công an đưa ra một số hạn chế, bất cập. Theo đó, vấn đề nổi cộm là người yêu cầu cấp Phiếu LLTP khai không đúng, không đầy đủ, cụ thế thời gian, địa chỉ nơi cư trú, hoặc khai sai thông tin cá nhân so với khi làm CMND/CCCD.
Đối với các cơ quan hữu quan, nhiều trường hợp yêu cầu xác minh còn sai một số thông tin cơ bản so với tờ khai cấp Phiếu LLTP CMND, CCCD hoặc hộ chiếu của người yêu cầu cấp Phiếu LLTP. Nhiều trường hợp tài liệu trong hồ sơ và bản photo bị mờ, nhòe, không rõ số, vân tay, không đúng tỷ lệ 1/1 theo hướng dẫn của cơ quan chức năng Bộ Công an (V06). Ngoài ra, công tác xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích cũng còn nhiều khó khăn...
Trong khi đó, đại diện Vụ Tổng hợp, Tòa án nhân dân tối cao nêu rõ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác phối hợp cung cấp, trao đổi, xác minh thông tin LLTP giữa Tòa án và cơ quan quản lý Cở sở dữ liệu LLTP. Cụ thể, về thể chế, việc quy định trách nhiệm cung cấp thông tin LLTP của Tòa án theo Luật LLTP và Thông tư liên tịch số 04 chưa hợp lý, còn chồng chéo; Một số quy định của Luật LLTP không còn phù hợp với Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 và Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015...
Trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu và cấp Phiếu LLTP, tính hiệu quả của cơ chế phối hợp liên ngành trong triển khai thi hành Luật LLTP và hiệu quả quản lý nhà nước về LLTP vẫn còn thiếu sót; tại một số địa phương, công tác phối hợp giữa Tòa án và Sở Tư pháp chưa chặt chẽ, chưa xây dựng được Quy chế phối hợp về việc cung cấp, tiếp nhận, cập nhật thông tin LLTP...
Từ việc nêu các khó khăn, vướng mắc, tại toạ đàm các đại biểu cũng nêu ra nhiều đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác LLTP thời gian tới.